Mới đây, nhóm sinh viên K39 lớp quan hệ công chúng Học viện Báo chí và tuyên truyền đã tổ chức talkshow “Gợi chuyện làm nghề: Ngôn ngữ và sáng tạo”. Đây là thành quả của chuỗi hoạt động nhằm tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Việt, kéo dài trong 2 tháng, của nhóm sinh viên K39.
Bốn diễn giả tham gia talkshow của dự án "Gợi chuyện làng nghề" do nhóm sinh viên lớp quan hệ công chúng K39 Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện. |
hải Anh |
Càng đọc nhiều, càng viết nhiều, tư duy ngôn ngữ càng phát triển
Buổi trò chuyện có sự góp mặt của 4 diễn giả quen thuộc với các bạn trẻ: anh Nguyễn Thành Chung, cựu biên tập viên mảng hip hop tại fanpage Cổ Động; nhạc sĩ Hải Sâm, gương mặt tiêu biểu của nhạc Indie Việt với những bài hát hơn 20 triệu lượt nghe; 2 nhà sáng lập trang “Đồ chơi chữ” với hơn 250.000 lượt theo dõi trên Facebook là anh Cao Trí Dũng và anh Trần Huy Quang.
Buổi trò chuyện không chỉ là một chương trình trao đổi những vấn đề mang tính hàn lâm và chuyên sâu về tiếng Việt mà còn là một cuộc hẹn hò trò chuyện của những người có cùng mối quan tâm. Khán giả được lắng nghe cách mà họ - những diễn giả - tìm kiếm được nguồn cảm hứng dồi dào trong sáng tác như làm sao để lan tỏa thông điệp bằng tiếng Việt mà không phải sử dụng ngôn ngữ khác? Hay tiếng Việt có thể được biến tấu, sáng tạo như thế nào và các bạn trẻ học hỏi được điều gì để sau này vận dụng hành nghề với con chữ?
Trả lời cho những câu hỏi trên, lời khuyên của các khách mời, những người sáng tạo ngôn từ là phải đọc, đọc thật nhiều để nghiền ngẫm và thấu hiểu. Phải tập trung, bắt tay vào làm mới biết được sức mình tới đâu. Phải viết, viết và chấp nhận điều mình viết, viết càng nhiều thì khả năng tư duy sáng tạo ngôn ngữ sẽ càng phát triển. Tác phẩm được tạo ra không chỉ bởi con tim, mà còn được hình thành bởi lý trí, qua quãng thời gian dài nghiên cứu và hoàn thiện.
“Anh đọc nhiều. Anh luôn cố gắng mỗi năm phải đọc một lượng là 10.000 chữ. Ngoài ra, anh có thói quen là xem những bộ phim và nghe những bài nhạc vào thời điểm mà nó không còn nổi nữa để có thể nghiền ngẫm và hiểu sâu hơn nội dung ẩn sâu trong đó”, anh Chung chia sẻ.
Nhạc sĩ Hải Sâm cũng đưa ra quan điểm về việc sáng tác âm nhạc và cho biết anh ngưỡng mộ âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bởi ông có biệt tài có thể tạo ra những tác phẩm kết hợp của cả thơ và nhạc. Tuy nhiên, anh cũng e ngại nếu mình nghe nhiều những tác phẩm của người khác thì điều đó có thể khiến anh “ngợp”, và vì thế tự mình giới hạn khả năng sáng tạo của mình.
Đâu là giới hạn của tiếng Việt?
Một bạn sinh viên cũng thắc mắc với nhóm sáng lập trang Đồ chơi chữ: “Ở trên trang Đồ chơi chữ cũng như trong những nhóm kín của mình, mọi người thường nói đến hiện tượng “xôi dừa” cũng như đạo nhái. Vậy các anh làm thế nào để phát hiện và hạn chế việc ý tưởng của mình đã từng xuất hiện trước đó, hay bị trùng lặp với một ai đó?”
“Ở thời đại nào thì chúng ta luôn cần người ghi chép, luôn cần người sáng tạo. Bởi vậy, trùng lặp ý tưởng là không thể tránh khỏi. Ngôn ngữ không thể quá khiên cưỡng. Chúng ta phải chấp nhận việc ý tưởng của mình có vẻ giống với một ai đó, nhưng cách thức mà ta đưa câu từ đến với công chúng như thế nào mới làm nên cái tôi khác biệt của mình,” bộ đôi đến từ nhóm Đồ chơi chữ chia sẻ.
Trước câu hỏi “đâu là giới hạn của tiếng Việt?”, bội đôi trả lời: “Không có. Giới hạn hay không là do mình, và ý tưởng hay nhất luôn đến từ “không từ đâu cả”!”.
Khi nhắc tới việc trau dồi vốn từ để thỏa sức sáng tạo trong ngôn ngữ, anh Quang và anh Dũng đều khuyên các bạn trẻ rằng hãy đọc nhiều sách báo và hãy đối thoại với nhau thật nhiều. Anh Dũng chia sẻ một thói quen rất thú vị: “Anh xem Battle Rap để trau dồi vốn từ của mình. Anh thích sự linh hoạt và cách mà các rapper họ chơi chữ. Ngoài ra, anh có một lời khuyên cho các bạn trẻ đang hành nghề nội dung, đó là hãy viết thật chân thật và đừng màu mè.”
Buổi talkshow không chỉ dừng lại ở giao lưu giữa khán giả và diễn giả mà các diễn giả cũng tự đặt ra những câu hỏi và tranh luận sôi nổi với nhau. Họ với cái tôi và lập trường khác biệt, với cá tính và tư duy ngôn ngữ độc đáo, đã đưa ra những suy nghĩ, quan điểm vừa bổ sung cho nhau, vừa hoàn thiện thêm cách thức sáng tạo trong ngôn ngữ của riêng họ.
Kiều Oanh, một sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia buổi hẹn cùng “Gợi chuyện làm nghề”, cho biết với Oanh - một người ôm ấp mộng tưởng theo đuổi nghề sáng tạo câu chữ, đây là một sự kiện vô cùng ý nghĩa và thiết thực.
“Em cảm thấy rất vui và may mắn khi được tham gia và gặp mặt các anh chị mà em vô cùng ngưỡng mộ. Em được lắng nghe những thông tin thú vị và em đã học hỏi được rất nhiều từ chương trình hôm nay,” Kiều Oanh nói.
Bình luận (0)