Dự án luồng sông Hậu có khả thi ?

11/11/2013 03:00 GMT+7

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa có văn bản báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội cung cấp thông tin về dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa có văn bản báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội cung cấp thông tin về dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.

Dự án luồng sông Hậu có khả thi ?

Dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu - Ảnh: Bộ GTVT

Trong báo cáo, Bộ trưởng cho biết mục tiêu của dự án nhằm xây dựng luồng tàu biển cho tàu trọng tải 10.000 tấn đầy tải, tàu 20.000 tấn giảm tải, các tàu có thông số kỹ thuật phù hợp vào các cảng trên sông Hậu; đáp ứng thông qua lượng hàng hóa tổng hợp 21 - 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 đến 500.000 TEU/năm cho giai đoạn đến 2020; đồng thời, hình thành bể cảng tại khu vực cửa kênh Tắt (Trà Vinh) để phối hợp với dự án xây dựng cảng nhập than của Trung tâm điện lực Duyên Hải.

Với địa điểm xây dựng thuộc 5 xã của tỉnh Trà Vinh, dự án dự kiến sử dụng khoảng 1.455 ha đất, bao gồm cả diện tích đổ đất. Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án lập tháng 5.2006 và phê duyệt năm 2007 là 3.148,5 tỉ đồng. Mới đây, tổng mức đầu tư của dự án điều chỉnh lên 9.781,2 tỉ đồng. Bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải, nhu cầu vốn tăng nhưng do những yếu tố khách quan, trong số hơn 6.000 tỉ đồng điều chỉnh tăng có khoảng 3.100 tỉ do trượt giá, thay đổi chế độ chính sách về lương; 2.742,5 tỉ đồng dự phòng và chế độ chính sách về thuế. “Tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được lập và được cơ quan thuộc Bộ Xây dựng thẩm định, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch”, Bộ trưởng Thăng báo cáo.

Bộ GTVT cho hay quá trình lập dự án, kết quả nghiên cứu của các đơn vị tư vấn quốc tế (Hà Lan, Bỉ, Canada và Đan Mạch) cho thấy dự án có tính khả thi cao, đáp ứng được các yêu cầu về môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã hoàn thành khoảng 60%, đã giải ngân được 929,3 tỉ đồng.

Ngày 22.10 vừa qua, Chính phủ có tờ trình QH phương án phát hành và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016, trong đó có đề xuất bố trí nguồn vốn trái phiếu chính phủ thực hiện này.

Đề xuất tối ưu

Trả lời Thanh Niên về tính hiệu quả của dự án, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Trần Doãn Thọ cho rằng ban đầu Bộ GTVT định vay vốn Ngân hàng Thế giới để thực hiện, nhưng vì thủ tục thẩm định vay vốn sẽ rất lâu trong khi đó dự án là cần thiết, cấp bách cho phát triển kinh tế ĐBSCL nên Bộ đã đề xuất và được chấp thuận sử dụng vốn ngân sách để thực hiện, thông qua nguồn trái phiếu chính phủ.

Về ý kiến cho rằng nên thực hiện nạo vét luồng Định An thay vì thực hiện dự án luồng sông Hậu, ông Thọ khẳng định hàng chục năm qua, Bộ GTVT và các địa phương cũng đã thực hiện, giao tư vấn theo dõi hằng năm nhưng không bao giờ giữ được kết quả nạo vét quá 2 tháng, có lần chỉ 2 - 3 tuần đã bồi đắp trở lại. Các chuyên gia tư vấn nước ngoài cũng đã khẳng định nếu tiếp tục nạo vét luồng Định An sẽ không hiệu quả, lãng phí. “Tư vấn Hà Lan đề xuất được vị trí cửa kênh Tắt của dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn 10.000 - 20.000 tấn vào sông Hậu tôi cho là một đề xuất rất tối ưu”, ông Thọ nêu quan điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tường, kỹ sư trưởng Công ty CP tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển, cũng khẳng định trước nay, dù chúng ta đã đổ nhiều tiền của để nạo vét luồng Định An nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là lại đâu vào đấy. “Luồng Định An có 2 đặc tính. Thứ nhất, nạo vét mấy chục năm nay chỉ phục vụ được cho tàu 3.000 - 5.000 tấn, thời gian bồi trở lại rất nhanh. Thứ hai là luồng dịch chuyển, nghĩa là thời gian này có thể luồng nằm ở vị trí này, hàng hải bố trí phao tiêu cho tàu chạy trong luồng, nhưng sau đó vài tháng luồng lại chạy ra ngoài phao, cách thậm chí vài trăm mét, tàu tải trọng từ 3.000 - 5.000 tấn muốn qua luồng cũng phải chờ nước lên mới qua nổi, mà tàu nhỏ qua thì không đáp ứng được nhu cầu phát triển của ĐBSCL”, ông Tường phân tích.

Vị kỹ sư trưởng này cũng cho rằng vấn đề đánh giá tác động môi trường của dự án luồng sông Hậu đã được các tư vấn châu u làm rất kỹ theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, mỗi năm ĐBSCL xuất khẩu khoảng 15 - 20 triệu tấn hàng, nếu không xuất trực tiếp đi các nước được từ các cảng ở sông Hậu, mà phải chạy về TP.HCM rồi mới xuất đi được thì chi phí mỗi tấn hàng đội lên 8 - 10 USD, chưa kể các loại chi phí khác như thuê kho bãi, bốc xếp...

Bảo Cầm

>> Mở luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.