Lê Quang Long, chàng trai xứ Quảng 28 tuổi, hiện đang là nhiếp ảnh gia rong ruổi khắp mọi miền đất nước, chia sẻ: “Trước khi chúng tôi đến, có những nơi trẻ em ăn những gói cơm mà chỉ có gạo đỏ với rau rừng, thêm chút muối sống giã với ớt, hoặc cơm muối vừng và ít rau. Thậm chí trẻ còn không có cơm có gạo để mà ăn” khi nói về dự án “Bếp Hoàng Cầm” của Những bước chân xanh.
Muốn góp sức, muốn chia sẻ và lan tỏa
Qua mỗi một chuyến độc hành, anh Long có cơ hội chứng kiến nhiều mảnh đời khó khăn và cơ cực, điều đó khiến anh bị thôi thúc bởi cảm giác muốn góp sức, muốn chia sẻ và lan tỏa. Đó cũng chính là lý do Những bước chân xanh được thành lập.
|
Cô bé người H’Mông qua ống kính của nhiếp ảnh gia Lê Quang Long.
“Đi càng nhiều, hầu hết những tình nguyện viên chúng tôi đều chia sẻ có sự gắn kết không thể từ bỏ được”, Long bộc bạch.
|
|
Đến dự án “Bếp Hoàng Cầm” để bữa ăn có thịt, có…yêu thương
Một trong những nỗi đắn đo lớn nhất của anh Long chính là những bữa ăn của trẻ em vùng sâu vùng xa, không phải ai cũng may mắn được đầy đủ cái ăn cái mặc. Anh chia sẻ: “Thậm chí trẻ còn không có cơm có gạo để mà ăn. Vậy mà những đứa trẻ thấp còi vẫn ngày ngày đi bộ quãng đường dài đến trường học từng cái chữ vỡ lòng. Vì thế chúng tôi mới nung nấu trong lòng quyết tâm giúp các em có những bữa ăn đủ dinh dưỡng hơn".
|
Bếp Hoàng Cầm được triển khai vào đầu năm nay, là một dự án bếp ăn được xây dựng để mang đến những bữa ăn tình nghĩa cho trẻ em và đồng bào khó khăn. Dự án bếp đã triển khai được tại 6 điểm trường, cung cấp bữa ăn cho hàng trăm học sinh vùng sâu vùng xa trong vòng một năm.
Các thành viên nhóm Những bước chân xanh cũng thường xuyên cập nhật về quá trình làm thiện nguyện. Trong số đó câu chuyện “cái ly” của những bạn nhỏ ở Hà Giang khiến nhiều người xót xa. Các bé ở đây sẽ mang theo cặp lồng cơm mà ba mẹ chuẩn bị trước để ăn trưa tại trường, đa số toàn cơm trắng và ít rau cải. Nhưng vẫn có một vài bé phải đi xin từ những bạn khác mỗi người một ít cơm để ăn qua buổi trưa. Các bạn nhỏ chia sẻ thức ăn vào chiếc ly cho người bạn của mình.
“Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”
“Chúng tôi mượn ý tưởng của Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật) để nói lên một cách đúng nghĩa nhất tâm nguyện của mình", anh Lê Quang Long chia sẻ về ý nghĩa cái tên của dự án Bếp Hoàng Cầm.
|
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời” chính là hình tượng có từ chiến dịch Hòa Bình những năm 1951, thể hiện tinh thần đồng đội, ý chí kiên cường không ngại gian khổ trong hoàn cảnh chiến đấu khó khăn, khốc liệt. Nay được các bạn trẻ lấy cảm hứng để tiếp nối những giá trị tốt đẹp ấy bằng những hoạt động hướng về cộng đồng vô cùng ý nghĩa.
Khi hỏi về những kỷ niệm, tình nguyện viên Xuân Dung tâm sự rằng mình muốn đồng hành cùng Những bước chân xanh thật lâu dài. “Mình may mắn được tham gia chuyến đi đến Đắk Nông, một buổi ăn có thịt tưởng chừng rất bình thường nhưng lại là niềm hạnh phúc to lớn đối với các em nhỏ nơi đây", Dung nói.
|
Các bạn khi bắt tay vào làm Bếp Hoàng Cầm, cũng gặp phải không ít khó khăn. Từ việc lựa chọn thực phẩm, đến khâu giám sát sơ chế hay thậm chí là xắn tay áo lên để cùng nhau thổi lửa nấu ăn. Có những bạn trẻ chưa từng vào bếp, giờ đây đã biết canh lửa, vo gạo, thái thịt,… Các bạn nấu với thứ gia vị trân quý nhất là tình yêu thương, như thể nấu cho người thân, cho con cái, cho gia đình của mình.
“Bếp này đóng thì sẽ có bếp khác mở ra, chúng tôi sẽ không dừng lại". Dù tình hình dịch Covid-19 khiến vài lần dự án bị hoãn, Long vẫn khẳng định mình cùng Những bước chân xanh vẫn sẽ bước tiếp vì các bé nhỏ, vì một cộng đồng và cũng vì khát vọng được sẻ chia, cống hiến của các bạn.
Bình luận (0)