Dự án nhà máy nước 400 tỉ đồng dính 'đất lậu' ở Khánh Hòa: Dấu hiệu hóa đơn 'khống'?

Hiền Lương
Hiền Lương
29/12/2023 15:10 GMT+7

Báo Thanh Niên ngày 28.12 phản ánh, dự án nhà máy nước Sơn Thạnh ở H.Diên Khánh (Khánh Hòa) có nhiều dấu hiệu cho thấy sử dụng đất không rõ nguồn gốc (đất lậu) để san lấp mặt bằng. Chính quyền địa phương có những phản hồi ban đầu.

Huyện nói nguồn đất san lấp là hợp pháp

UBND H.Diên Khánh đã giao Phòng TN-MT huyện làm việc với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Cấp thoát nước Sơn Thạnh (công ty, chủ đầu tư dự án) để xác minh nguồn gốc vật liệu san lấp vào dự án nhà máy nước Sơn Thạnh.

Theo Phòng TN-MT H.Diên Khánh, tại buổi làm việc mới đây, phía công ty đã cung cấp một số giấy tờ và các hóa đơn, chứng từ liên quan như hóa đơn mua bán giữa Công ty TNHH Xây dựng Giao thông Đường Việt (Công ty Đường Việt, đơn vị thi công mặt bằng) và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Biên Cương 89 (Công ty Biên Cương 89, trụ sở Ninh Thuận) khối lượng 25.000 m3 đất san lấp (hóa đơn ký hiệu IC23TNT, số 00000023 ngày 9.11.2023).

Dự án nhà máy nước 400 tỉ đồng dính 'đất lậu' ở Khánh Hòa: Dấu hiệu hóa đơn 'khống'?- Ảnh 1.

Dự án nhà máy nước Sơn Thạnh ở H.Diên Khánh

Minh Phú

Tiếp theo là hóa đơn mua bán giữa Công ty Biên Cương 89 với Công ty TNHH Thanh Tuấn, đất san lấp là 25.000 m3 (hóa đơn này có ký hiệu IC23TT số 569 ngày 16.3.2023).

Tương tự, hóa đơn mua bán giữa Công ty TNHH Thanh Tuấn và Công ty Tư vấn Thiết kế Xây dựng ADC (Công ty ADC), đất san lấp là 28.000 m3, có ký hiệu IC23TMD, số 3 ngày 16.3.2023 và hóa đơn có ký hiệu IC23TMD số 7 ngày 30.8.2023.

Dự án nhà máy nước 400 tỉ đồng dính 'đất lậu' ở Khánh Hòa: Dấu hiệu hóa đơn 'khống'?- Ảnh 2.

Hóa đơn chỉ có 500 mét khối đất nhưng báo cáo đến 25.000 mét khối

Minh Phú

Sau buổi làm việc và xuất trình các hóa đơn, chứng từ liên quan này, UBND H.Diên Khánh ra thông báo và nhận định: "Từ các kết quả kiểm tra trên, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Cấp thoát nước Sơn Thạnh đã cung cấp đầy đủ các hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc đất san lấp đưa vào dự án nhà máy nước Sơn Thạnh là khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp". Nội dung này đã được ông Nguyễn Tấn Cường, Phó chủ tịch UBND huyện ký báo cáo phản hồi một số cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa.

Những tờ hóa đơn nhiều bất thường

Ông Đỗ Xuân Hiệu, Tổng giám đốc Công ty ADC (có mỏ khoáng sản tại Khánh Hòa), khẳng định công ty có ký hợp đồng nguyên tắc mua bán vật liệu xây dựng thông thường với Công ty Đường Việt vào ngày 28.9.2023. Tuy nhiên, sau 30 ngày, Công ty Đường Việt không thực hiện hợp đồng nên Công ty ADC không phát hành hợp đồng này.

Về hóa đơn số 3 có ký hiệu IC23TMD, phát hành ngày 16.3.2023, ông Hiệu nói rõ phía Công ty ADC chỉ bán cho Công ty TNHH Thanh Tuấn 500 m3, giá trị chỉ gần 35 triệu đồng. Ông Hiệu cũng khẳng định Công ty ADC không phát hành hóa đơn số 7 ký hiệu IC23TMD ngày 30.8.2023 cho Công ty TNHH Thanh Tuấn.

"Trên thực tế hóa đơn số 7 được xuất ngày 20.4.2023 cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng, Thương mại và Khai thác khoáng sản Bình An Phát với số lượng 6.000 m3, số tiền 264 triệu đồng. Số khoáng sản san lấp này được dùng san lấp một dự án tái định cư ở TX.Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa", ông Hiệu cho hay.

Dự án nhà máy nước 400 tỉ đồng dính 'đất lậu' ở Khánh Hòa: Dấu hiệu hóa đơn 'khống'?- Ảnh 3.

Nhiều xe tập trung chở đất không rõ nguồn gốc ở H.Diên Khánh về san lấp các dự án

Minh Phú

PV tiếp tục tìm thông tin về hóa đơn ký hiệu IC23TNT, số 00000023 ngày 9.11.2023 mua bán giữa Công ty Biên Cương 89 và đơn vị thi công dự án nhà máy nước là Công ty Đường Việt. Trao đổi với PV, ông Lê Phạm Đình Biên, Giám đốc Công ty Biên Cương 89, cho biết trước đây có ký hợp đồng cung cấp đất san lấp với Công ty Đường Việt, không có Công ty Thanh Tuấn. Tuy nhiên, do khúc mắc về giá, nên phía Công ty Biên Cương 89 chỉ mới đổ cho dự án nhà máy nước Sơn Thạnh 1 xe đất theo hợp đồng nguyên tắc.

Nói rõ thêm vấn đề này, ông Biên cho biết công ty chỉ xuất hóa đơn cho phía Công ty Đường Việt (khoảng 25.000 m3 đất san lấp), nhưng hóa đơn này đã được hủy cách đây hơn 1 tháng, xem như không có giá trị pháp lý. "Do hai bên không thể tiếp tục triển khai hợp đồng nên phải chấm dứt, hủy ngay hóa đơn đã xuất. Chúng tôi nhận thức được, nếu không làm vậy, cơ quan chức năng lần đến, bị ghép tội mua bán khống hóa đơn", ông Biên chia sẻ thêm.

Từ những chứng cứ trên, có thể thấy những hóa đơn, chứng từ do phía chủ dự án nhà máy nước Sơn Thạnh và đơn vị thi công đưa ra để lý giải nguồn đất san lấp hợp pháp với Phòng TN-MT H.Diên Khánh có nhiều điểm bất thường. Vì sao UBND H.Diên Khánh vẫn ký văn bản khẳng định các hóa đơn nói trên đã chứng minh đầy đủ nguồn gốc đất san lấp dự án nhà máy nước Sơn Thạnh là hợp pháp?

Giải thích vấn đề này, bà Nguyễn Bích Loan, Phó trưởng phòng TN-MT H.Diên Khánh, cho biết: Họ (chủ dự án) cung cấp hóa đơn sao thì ghi nhận, còn đúng hay sai, gian lận không thì thẩm quyền và nghiệp vụ thuộc cơ quan thuế. "Về nguồn gốc hóa đơn, đơn vị đang làm văn bản gửi cơ quan chức năng để có hướng kiểm tra lại. Bản thân phòng cũng không sao biết được hóa đơn giả, thật thế nào. Chỉ biết đơn vị san lấp mua đâu đó ở TX.Ninh Hòa", bà Loan thông tin.

Khánh Hòa ban hành Chỉ thị về quản lý khoáng sản

Ngày 15.12.2023, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa ký ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Tại mục 7 của Chỉ thị này nêu rõ: "Kiên quyết xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, vụ lợi cho bản thân hoặc bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức để người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, để xảy ra vi phạm hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện vi phạm về khoáng sản trên địa bàn. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong việc cấp phép các hoạt động khai thác khoáng sản".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.