Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 4.2023, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong (qua trạm Kratie - Campuchia) về hạ lưu và ĐBSCL ở mức tương đương cùng kỳ trung bình nhiều năm (2012 - 2022) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 18%. Riêng từ đầu tháng 5 đến nay, tổng lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2022 từ 28 - 48%. Tại thời điểm giữa tháng 5, mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong phổ biến ở mức tương đương và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 1,5m.
Dự báo, từ nay đến tháng 8.2023, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mekong về ĐBSCL có xu thế tăng dần tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 15%.
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo triều với xu thế lên dần và có khả năng đạt đỉnh vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.2023, ở mức dưới báo động (BĐ) 1 đến BĐ1. Tuy nhiên, tại các trạm hạ lưu đỉnh lũ khả năng xuất hiện vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11.2023 ở mức BĐ3 và trên BĐ3.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng lưu ý: Đối vùng ven biển Tây Nam bộ, khoảng từ cuối tháng 7 và tháng 8.2023 cần đề phòng mực nước biển dâng cao bất thường gây sạt lở đê biển trong thời gian xuất hiện triều cường kết hợp sóng lớn trong gió mùa tây nam hoạt động mạnh.
Trong khi đó, theo Dự án MDM (giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mekong) trong mùa khô năm nay các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong luôn duy trì việc hạn chế xả nước. Cụ thể như trong tuần thứ 2 của tháng 5, các đập trên toàn lưu vực chỉ xả hơn 500 triệu m3 nước. Lượng nước xả ra lớn hơn 200 triệu m3 đến từ đập Noạ Trát Độ ở Trung Quốc (năm 2022, có thời điểm xả cả tỉ mét khối mỗi tuần) và đập Nam Ngum 1 của Lào. Thủy điện thượng nguồn giảm xả nước kết hợp với nắng nóng gay gắt trên khắp lưu vực sông Mekong từ đầu tháng 4 khiến cho mùa khô năm nay trở nên khắc nghiệt bất thường. Nhịp lũ năm nay nhiều khả năng cũng thấp hơn trung bình nhiều năm.
"Vào thời điểm này trong năm ngay trước khi mùa mưa bắt đầu, tuyết tan từ đầu nguồn thường làm cho mực nước sông Mekong dâng cao. Nhưng phần lớn, hoặc tất cả lượng tuyết tan đó đang bị giữ lại ở các đập thượng nguồn của Trung Quốc", theo MDM.
Bình luận (0)