Dự báo thời tiết: Thường xuyên cập nhật thời tiết

29/09/2016 15:10 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc đã hoan nghênh và góp ý thêm sau khi đọc bài viết Dự báo thời tiết đăng trên Thanh Niên ngày 28.9.

Thực hiện nhiều kênh
Từ lâu, người dân ít quan tâm đến dự báo thời tiết nên không quan tâm các cơ quan dự báo thời tiết phát triển đến đâu. Nay trước nhu cầu bức thiết của người dân TP.HCM và các vùng lân cận sau trận mưa ngập khủng khiếp vừa qua, việc cập nhật dự báo thời tiết nên được liên tục thực hiện trên nhiều kênh.
Đỗ Thị Thanh Hương
(Q.12, TP.HCM)

tin liên quan

Trung tâm chống ngập gọi trận mưa hôm qua là... cực đoan!
Ngày 27.9, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đã chỉ ra các nguyên nhân gây ngập nặng sau cơn mưa lịch sử vào tối qua. 59 tuyến đường bị ngập từ 0,1 đến 0,5 mét, diện tích ngập từ 100 m2 đến 30.000 m2.
Thông tin nhanh, miễn phí
Nhiều hộ gia đình ở các khu vực trũng, thấp của TP.HCM đã vô cùng khổ sở trong các trận mưa lớn vừa qua. Có gia đình bị ngập hết vật dụng trong nhà, nhiều hộ phải đi ngủ nhờ nhà người khác, hầm xe bị ngập... gây thiệt hại vô cùng to lớn.
Nếu có dự báo chính xác lượng mưa và kịp thời thì họ đã kịp di dời đồ đạc, có phương án ứng phó, nhiều người sẽ không ra đường vào giờ có mưa to, tránh được kẹt xe, hư hỏng xe, bị tai nạn... Công tác dự báo thời tiết cần có phương án tối ưu để đưa thông tin đến với người dân nhanh và liên tục, chính xác.
Huỳnh Thúy Vi
(Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Có hình thức thu hút
Ở các nước phát triển, ngoài nâng cao độ chính xác của dự báo thời tiết thì các kênh truyền hình còn tạo nên độ hấp dẫn từ các bản tin thời tiết. Còn ở ta, thời gian dài qua hầu như rất ít người quan tâm đến dự báo thời tiết và chương trình dự báo thời tiết trên các kênh truyền hình, sóng phát thanh cũng ít được cải thiện để thu hút người xem, người nghe. Có lẽ đã đến lúc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dự báo thời tiết để biết mà ứng phó một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống người dân như trong trận mưa vừa qua.
Lâm Thị Thành
(Q.1, TP.HCM)
Dự báo mưa và lũ trên sông
Tôi ở miền Trung và có một mong ước được dự báo chính xác về các cơn bão, lượng mưa cũng như tình hình lũ trên các sông. Bên cạnh đó, việc dự báo thời tiết ở khu vực này cũng cần cập nhật tình hình xả lũ của các thủy điện bởi nó liên quan trực tiếp đến mực nước trên các sông. Nếu được thông tin nhanh, chính xác về những gì đã nêu thì bà con nông dân ở quê tôi đỡ vất vả, ứng phó tốt với mưa - bão - lũ. Ở quê tôi không chỉ có trồng trọt mà còn chăn nuôi, mỗi khi mùa mưa bão là người chăn nuôi gà, vịt, heo, trâu, bò... rất e ngại những trận lũ lụt bất ngờ, trở tay không kịp.
Huỳnh Minh Hưng
(H.Duy Xuyên, Quảng Nam)
Để dân ứng phó kịp thời
Ngoài dự báo thời tiết ở các kênh thông tin truyền thống nên có thêm thông tin trên các ứng dụng của điện thoại thông minh cũng như ở các nơi công cộng để người dân cập nhật kịp thời và có biện pháp ứng phó. Không nên để người dân thụ động.
Nguyễn Hoàng Thái
(Q.2, TP.HCM)
Lê Thanh Dũng
Hiện nay, muốn biết thời tiết ra sao người dùng điện thoại di động thông minh có thể nhắn tin để biết, tất nhiên có trả phí. Tuy nhiên vấn đề là việc dự báo đó có đáng tin cậy không. Nếu chính xác, bổ ích thì tôi cũng sẵn sàng bỏ tiền để mua thông tin vì nó cần thiết cho cuộc sống của mình. Mong sao trình độ dự báo thời tiết của nước ta ngày càng chính xác và kịp thời hơn.
Lê Thanh Dũng
 (Q.3, TP.HCM)
Võ Thị Phương Mai
Buổi sáng đi làm ai cũng lo lắng liệu chiều nay trời có mưa không và chỉ hỏi thế thôi chứ rất ít người nghe và xem dự báo thời tiết thế nào. Vì thế theo tôi, công tác dự báo thời tiết phải cập nhật liên tục và tìm cách tiếp cận đến khán thính giả. Lâu dần sẽ thành thói quen cho mọi người dân. Tôi tin rằng, sau những diễn biến phức tạp của mưa bão vừa qua, sẽ có rất nhiều người quan tâm đến thời tiết.
Võ Thị Phương Mai
(Q.8, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang
 (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.