Đu dây qua sông

26/11/2020 08:28 GMT+7

Bão số 9 khiến 2 cây cầu treo trên địa bàn xã Đăk Nông (H.Ngọc Hồi, Kon Tum) bị cuốn trôi. Không có đường đi, người dân tại đây tự kéo cáp và ròng rọc đu dây qua sông để đi lại, canh tác và vận chuyển nông sản.

Đã hơn một tháng kể từ khi 2 cây cầu treo bị cuốn trôi do bão số 9, người dân các thôn Nông Nội, Tà Poók, Kà Nhảy (xã Đăk Nông), Đăk Giá, Đăk Rờ Me (xã Đăk Ang, H.Ngọc Hồi) phải chật vật tìm đường đi. Trong khi đó, vụ mùa thu hoạch cà phê, cao su và khoai mì đã cận kề. Không còn cách nào khác, người dân nơi đây đã tự kéo dây cáp nối hai bờ sông làm phương tiện qua lại.
Ngày 25.11, PV Thanh Niên đã đến xã Đăk Nông, ghi nhận tại đây có 3 điểm cáp treo do người dân tự chế để qua lại.
Hơn 10 giây đồng hồ treo mình trên sợi dây cáp nhỏ bằng đầu đũa, sau khi đặt được chân xuống bờ sông bên này, anh A Thế (ngụ thôn Tà Poók, xã Đăk Nông) mới thở phào. Cây cầu treo duy nhất của làng nối 2 bờ sông Pô Kô đã bị bão cuốn trôi. Khu canh tác của làng nằm bên kia bờ nhưng chẳng ai có phương kế gì để sang sông canh tác. Nước sông sâu quá nên chẳng ai dám bơi qua. Cuối cùng, cả làng góp tiền mua 2 sợi dây cáp dài hơn 200 m nối đôi bờ rồi tìm cách đu dây qua sông.
Theo anh Thế, để vượt sông, mỗi gia đình phải tự sắm một chiếc ròng rọc với giá 300.000 - 400.000 đồng. Nhiều lúc ròng rọc bị kẹt, bị treo lơ lửng giữa dòng sông, một số người phải dùng tay đu vào bờ. Cũng theo anh Thế, vì bên bờ sông là nơi canh tác của người dân 2 xã Đăk Ang và Đăk Nông nên mỗi ngày có cả trăm lượt người qua lại.
Tương tự, tại điểm cáp treo thôn Nông Nội, sau khi xoay nhiều vòng trên ròng rọc, chỉ đến khi tiếp đất, anh Nguyễn Văn Đại (32 tuổi, ngụ thôn Đăk Giá, xã Đăk Ang) mới hoàn hồn. Anh Đại cho biết, nhà anh phía bên kia bờ sông. Từ khi cầu bị cuốn trôi, gia đình anh cùng vài hộ dân góp tiền mua 400 m dây cáp để làm cáp treo. Nhà có đứa con đang tuổi đến lớp, nên ngày nào anh cũng ôm con rồi bám vào ròng rọc vượt sông.
Chỉ về phía bên kia bờ, anh Đại cho biết, con sông chỉ rộng chừng 200 m nhưng là đoạn đường khó khăn nhất mà cha con anh phải đi mỗi ngày. “Từ mặt sông đến cáp treo cao hơn chục mét. Đưa con đi học như thế biết là nguy hiểm nhưng phải chấp nhận”, anh Đại nói.
Ông Phan Thanh Tùng, Chánh văn phòng UBND H.Ngọc Hồi, cho biết trong cơn bão số 9 trên địa bàn huyện có 6 cây cầu treo dân sinh bị cuốn trôi, hỏng nặng. Trong đó có 2 cây cầu treo tại thôn Nông Nội và thôn Tà Poók (xã Đăk Nông) bị cuốn trôi hoàn toàn. “Hiện tại người dân đang trong mùa thu mua nông sản, nếu chờ cầu thì sẽ hư nông sản của họ. Bởi vậy bắt buộc người dân phải làm sao có phương án hợp lý nhất. Dưới thì họ đi bè qua sông, trên thì họ làm cáp treo kèm ròng rọc móc các bao nông sản vận chuyển qua sông. Huyện, xã cũng đã khuyến cáo, cảnh báo người dân rồi, nhưng không cho người dân vận chuyển thì không được vì đây là nhu cầu thiết thực”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, hiện UBND huyện đã báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh có kế hoạch bố trí nguồn vốn xây dựng lại 2 cây cầu tại xã Đăk Nông để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.