Dư địa hút vốn ngoại

20/01/2021 04:50 GMT+7

Việc Foxconn đầu tư nhà máy sản xuất, gia công máy tính bảng, máy tính xách tay cho ông lớn công nghệ toàn cầu Apple tại Bắc Giang cho thấy Việt Nam bắt đầu đón nhận luồng vốn đến từ làn sóng dịch chuyển sản xuất của các nhà đầu tư trên thế giới như đã dự báo trước đó.

Thu hút vốn FDI là vấn đề vô cùng quan trọng trong phát triển của Việt Nam suốt 3 thập kỷ qua. Năm 2020 đầy khó khăn với kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn thu hút gần 29 tỉ USD vốn ngoại. Tuy nhiên, việc Foxconn nói riêng và các “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ nói chung chọn Việt Nam làm cứ địa sản xuất mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Đầu tiên, nó phù hợp với chủ trương thu hút vốn ngoại có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Đặc biệt là ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Thứ hai, giải quyết một lượng lao động rất lớn cho Việt Nam. Trước đây chúng ta luôn tự an ủi rằng vốn FDI vào các ngành gia công, giá trị gia tăng thấp, nhưng giải quyết được lao động tại chỗ, thì bây giờ, các dự án công nghệ vẫn giải quyết một lực lượng lao động lớn. Đơn cử như đang có khoảng 130.000 lao động Việt Nam làm việc cho Samsung.
Quan trọng hơn, suốt thập kỷ qua kể từ khi mở nhà máy tại Việt Nam, Samsung luôn có chương trình đào tạo “nâng cấp” năng lực cho nhân viên ở tất cả các cấp độ, vị trí, bao gồm cả nhân viên mới. Thế nên, việc thu hút vốn ngoại trong lĩnh vực công nghệ còn tạo cho Việt Nam một nguồn lao động chất lượng cao, vấn đề luôn là điểm yếu trong cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam trước đây.
Trên tất cả, việc các “ông lớn” trong ngành công nghệ thế giới chọn Việt Nam còn cho thấy môi trường đầu tư của chúng ta được cải thiện và cạnh tranh mạnh mẽ. Môi trường đầu tư không chỉ là thủ tục hành chính được cải thiện, rủi ro chính sách được giảm thiểu mà còn là hạ tầng cơ sở ngày càng được hoàn thiện... Bởi với một DN thì đáp án cuối cùng của bài toán kinh doanh vẫn phải là giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Chúng ta có ưu đãi nhiều thế nào cũng không thể bù đắp được các yếu tố chi phí thời gian, chi phí cơ hội bị mất đi bởi các thủ tục hành chính chằng chéo, nặng nề, chậm chạp; hạ tầng cơ sở thiếu, yếu... Chẳng nói đâu xa, ngay trong nước, các tỉnh có chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) tốt thì thu hút đầu tư cao và ngược lại...
Kiểm soát tốt dịch Covid-19, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn trong cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư trên thế giới. Thế nhưng, rất nhiều quốc gia bên cạnh cũng đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút FDI. Thế nên, những cải cách của chúng ta dù đã mạnh mẽ vẫn chưa đủ, phải duy trì sức nóng của cả bộ máy từ trên xuống dưới, từ trung ương tới địa phương, từ lãnh đạo tới nhân viên... tránh tình trạng “trên trải thảm dưới rải đinh”, tránh chỗ lạnh chỗ nóng...
Đó chính là dư địa của Việt Nam để tiếp tục cạnh tranh đón dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhưng còn lưỡng lự chưa quyết chọn bến đáp hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.