Đủ điểm trúng tuyển nhiều ngành, có được chọn một ngành?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
18/03/2024 07:14 GMT+7

Học tại phân hiệu tại tỉnh nhà có lợi thế gì so với học tại cơ sở chính, ngành học yêu thích nhưng lại không "hot" thì liệu có thể cạnh tranh việc làm với những ngành hấp dẫn hơn, đăng ký nhiều nguyện vọng và nếu đủ điểm trúng tuyển nhiều ngành thì có được chọn ngành để học?...

Đó là những vấn đề được quan tâm đặc biệt tại chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên với sự phối hợp của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Khánh Hòa, diễn ra tại Trường ĐH Nha Trang sáng 17.3.

Chương trình được truyền hình trực tuyến tại website Báo Thanh Niên thanhnien.vn, qua fanpage Facebook và qua kênh YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên, với sự tham gia của gần 2.000 học sinh tỉnh Khánh Hòa.

CHỌN HỌC PHÂN VIỆN HAY CƠ SỞ CHÍNH

Băn khoăn về việc đăng ký xét tuyển ở cơ sở chính và phân hiệu, Ngô Văn Huy, học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT Võ Nguyên Giáp, đặt câu hỏi: "Nếu em trúng tuyển vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng ở Nha Trang thì có lợi thế gì so với học ở cơ sở TP.HCM?".

Khánh Duy, HS Trường THPT Nguyễn Thái Bình, cũng thắc mắc: "Trường ĐH Tôn Đức Thắng xét tuyển những ngành nào tại phân hiệu ở Khánh Hòa và học phí là bao nhiêu?".

Đủ điểm trúng tuyển nhiều ngành, có được chọn một ngành?- Ảnh 1.

Học sinh Khánh Hòa thu thập được nhiều thông tin về tuyển sinh, đào tạo của các trường ĐH trong buổi Tư vấn mùa thi diễn ra tại Trường ĐH Nha Trang sáng qua

BÁ DUY

Thầy Nguyễn Minh Hoàng, đại diện Ban tuyển sinh Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết thí sinh (TS) đăng ký và trúng tuyển vào phân viện của Trường ĐH Tôn Đức Thắng tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) sẽ đóng mức học phí thấp hơn so với học tại TP.HCM trong khi chương trình đào tạo, giảng viên, cơ sở vật chất được đầu tư không khác so với TP.HCM.

"Năm 2024, trường xét tuyển 9 ngành tại Khánh Hòa gồm: ngôn ngữ Anh, marketing, quản trị kinh doanh (quản trị nhà hàng khách sạn), kế toán, luật, Việt Nam học (quản trị du lịch và lữ hành), kỹ thuật phần mềm, khoa học máy tính, và thiết kế đồ họa. Học phí bình quân của nhóm ngành kỹ thuật, thiết kế là 24 triệu đồng/năm; còn nhóm ngành ngôn ngữ và kinh tế là 20,5 triệu đồng/năm", thầy Hoàng chia sẻ.

PGS-TS Ngô Đăng Nghĩa, giảng viên cao cấp của Trường ĐH Nha Trang, thông tin về các ngành nghề đào tạo: "Trường có 4 phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng, xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM, xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT nên cơ hội của các em rất rộng mở. Trường có nhiều ngành nghề từ kỹ thuật công nghệ, nuôi trồng thủy sản chế biến, tàu biển, thiết kế đóng tàu, du lịch, khách sạn".

Tiến sĩ Bùi Văn Nguyên, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Khánh Hòa, thông tin: Năm 2024 trường tuyển 1.000 chỉ tiêu cho các nhóm ngành nghề phù hợp với sự phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ như sư phạm, ngôn ngữ, khoa học xã hội nhân văn, quản trị kinh doanh, khoa học tự nhiên. Năm nay trường cũng tuyển thêm ngành mới là sư phạm lịch sử - địa lý và du lịch, dự kiến thêm ngành giáo dục mầm non. Ngoài ra, trường còn đào tạo 6 ngành bậc CĐ như thanh nhạc, đồ hoạ, diễn viên múa, hội họa...

CÂN NHẮC KHI SẮP XẾP NGUYỆN VỌNG ĐĂNG KÝ

Một HS chưa hiểu rõ về cách thức đăng ký nguyện vọng và kỹ thuật xét tuyển đã thắc mắc: "Em có nguyện vọng đăng ký xét tuyển học bạ ở ngành kỹ thuật hoặc du lịch. Vậy nếu em đủ điểm đậu tất cả các nguyện vọng thì em phải chọn ngành ở nguyện vọng 1 để học hay có thể chọn bất cứ ngành nào?".

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), thông tin: "Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, các em được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng. Tuy nhiên, khi em muốn học ngành nào nhất, thì em đăng ký ngành đó làm nguyện vọng 1 và sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự từ mức độ ưu tiên cao xuống thấp. Khi đó, hệ thống sẽ thực hiện xét từ cao xuống thấp. Nếu em trúng tuyển ngành ở nguyện vọng cao nhất rồi thì hệ thống sẽ dừng lại không được xét tuyển ngành ở nguyện vọng tiếp theo. Vì vậy, dù em đủ điểm để trúng tuyển nhiều nguyện vọng thì em không được lựa chọn mà phải học ngành mà em đã trúng tuyển".

Đủ điểm trúng tuyển nhiều ngành, có được chọn một ngành?- Ảnh 2.

Học sinh tham gia đặt câu hỏi trong chương trình

BÁ DUY

Do đó, thạc sĩ Tiến lưu ý khi sắp xếp nguyện vọng, TS cân nhắc thật kỹ ngành mình mong muốn là gì để đưa lên đầu tiên. TS cũng phải tham khảo điểm trúng tuyển của ngành đó những năm trước xem mức điểm của mình có phù hợp hay không. Theo thạc sĩ Tiến, TS nên sắp xếp nguyện vọng thành 3 nhóm: nhóm 1 là ngành và trường yêu thích nhất, có mức điểm chuẩn năm trước cao hơn điểm của TS đang có; nhóm 2 có mức điểm chuẩn năm trước tương đương với điểm mà TS đang có; và nhóm 3 có điểm chuẩn năm trước thấp hơn điểm TS đang có một chút, như vậy TS chắc chắn sẽ có cơ hội trúng tuyển.

Quang Thắng, HS Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, cũng muốn sử dụng phương thức xét học bạ và muốn biết các trường xét cụ thể ra sao. Thạc sĩ Ngô Thị Xuân, Phó phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chia sẻ: Xét học bạ là phương thức đang được hầu hết các trường sử dụng. Tuy nhiên, mỗi trường có một quy định khác nhau. Có trường sử dụng 5 học kỳ, có trường chỉ sử dụng 2 hoặc 3 học kỳ nên các em cần lên trang web của các trường để đọc kỹ đề án tuyển sinh. 

Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các đơn vị hỗ trợ, đồng hành với chương trình: Sở GD-ĐT Khánh Hòa, Tỉnh đoàn Khánh Hòa, Trường ĐH Nha Trang, Công ty TNHH MTV Nhà nước Yến Sào Khánh Hòa, HTX du lịch canh nông Nha Trang - Đà Lạt Style, Công ty TNHH Đức Châu.

Đủ điểm trúng tuyển nhiều ngành, có được chọn một ngành?- Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.