|
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can trong đường dây trên.
Tin bạn... gánh nợ
Ngày 6.1, em Bao Hoàng H. (học sinh lớp 12C1, Trường THPT Cái Nước), kể: “Cách đây mấy tháng, bạn Hồ Chí Hải học cùng lớp có hỏi mượn giấy chứng minh nhân dân (CMND) của em, nói là để đi phục hồi sim điện thoại di động, đến sáng hôm sau khi em đòi bạn Hải mới trả lại. Thế rồi khoảng 2 tuần trước, em chết điếng khi bị công an mời lên hỏi về số nợ 320 triệu đồng, mà người đứng vay là em”.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Mai (H.Cái Nước) Nguyễn Đức Mạnh cho biết đến ngày 6.1, nhà trường phát hiện có 14 học sinh dính líu vào đường dây cầm vàng giả. Quách Chí L., Trần Hoài Kh., Lê Thị Anh Th. (đều học lớp 12C6, Trường THPT Nguyễn Mai) cho hay các em được bạn học tên Lập nhờ cầm đồ giùm người anh. Quách Chí L. kể: “Hôm đó, Lập chờ em học xong đến đón và chở đến gặp anh Dương Minh Giỏi (một trong 3 nghi phạm đã bị tạm giam - PV). Anh Giỏi hướng dẫn em đến Phòng giao dịch Đầm Cùng gặp anh Tuấn (Dương Thanh Tuấn - cán bộ thẩm định vàng Phòng giao dịch Đầm Cùng, thuộc chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT H.Cái Nước, đã bị tạm giam - PV). Anh Tuấn đưa giấy em ký rồi đưa qua thủ quỹ nhận tiền”. Quách Chí L. kể thêm: “Em không biết trong túi anh Giỏi đưa đó là vàng. Sau khi nhận tiền từ ngân hàng ra, anh Giỏi có cho em 200.000 đồng nhưng em không lấy. Số tiền em vay giúp là 170 triệu đồng, hằng tháng anh Giỏi đưa tiền em đi đóng lãi”.
Lê Thị Anh Th. và Trần Hoài Kh. cũng đều cho biết là thông qua Lập, các em có đến Phòng giao dịch Đầm Cùng cầm vàng vay, mỗi em vay giùm 300 triệu đồng cho Giỏi. Ngoài ra, theo thông tin mà PV Thanh Niên thu thập được, thì Trần Duy T. (lớp 12C6, Trường THPT Nguyễn Mai), ở gần nhà Giỏi, cũng là cánh tay đắc lực giúp Giỏi lôi kéo nhiều bạn cùng trường vào đường dây lừa đảo trên. Bản thân T. cũng đứng ra vay hộ Giỏi số tiền 300 triệu đồng. Ngoài ra, T. còn nhờ bạn học cùng lớp là Quách Thị Quỳnh Nh. vay 220 triệu đồng.
Riêng trường hợp em H. (lớp 11, Trường THPT Nguyễn Mai), dù không có CMND, nhưng thông qua T., Dương Minh Giỏi đề nghị em giả làm người có giấy CMND tên Đặng Chí Đại, gặp Tuấn làm thủ tục ký vay 200 triệu đồng.
Chờ kết luận điều tra
Ông Nguyễn Đức Mạnh cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi động viên các em an tâm học, đừng hoang mang. Hiện chúng tôi không xử lý vi phạm với các em, mà chờ kết luận điều tra”.
Trả lời PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Lý Nam Hải, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Cà Mau, nói: “Đây là khoản vay cầm cố tài sản và họ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, bởi họ là những người ký vào hồ sơ vay, cầm cố. Tùy theo độ tuổi của người đứng vay mà họ phải chịu trách nhiệm và cái này phải chờ phán quyết của tòa án”. Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau tiếp tục điều tra, làm rõ.
Các em chỉ bị lợi dụng Theo tôi, qua những thông tin mà nhà báo ghi nhận thì các cháu đều không có ý thức chiếm đoạt tiền của ngân hàng mà chỉ bị người khác lợi dụng do tin tưởng hay non nớt trong hiểu biết. Do đó, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các em. Vấn đề còn lại là trách nhiệm dân sự, tức là thiệt hại của ngân hàng, ai phải bồi thường? Theo quy định tại điều 20 bộ luật Dân sự, người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi. Các cháu là học sinh phổ thông, chưa hết lớp 12, nên không thể thực hiện giao dịch vài trăm triệu đồng mà gọi là phục vụ nhu cầu sinh hoạt được. Do đó, một yếu tố khác cần được cân nhắc thấu đáo, đó là lỗi. Lỗi sẽ quyết định trách nhiệm bồi thường. Ai có lỗi, người đó phải bồi thường, tức phải xem xét cả quy trình lập hợp đồng. Luật sư Trần Thanh Phong - Đoàn luật sư TP.Cần Thơ |
Gia Bách
>> Hơn 30 học sinh đứng tên cầm hộ vàng giả
>> Nhiều người 'bỗng dưng mắc nợ
>> Cầm hơn 900 lượng vàng giả để cá độ bóng đá
>> Cán bộ thẩm định vàng làm vàng giả để lừa đảo
>> Cán bộ ngân hàng dùng vàng giả lừa đảo gần 19 tỉ đồng
Bình luận (0)