Vạn vật phong hóa
Là tác giả của nhiều tác phẩm hư cấu có cấu trúc ấn tượng, Italo Calvino là một trong những nhà văn người Ý nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn là cả quốc tế. Bên cạnh mảng hư cấu với bộ ba Tổ tiên ta, Lâu đài của những số phận giao thoa, Nếu một đêm đông có người lữ khách được đánh giá cao, thì ông cũng chính là người viết nên các bài tiểu luận vô cùng ấn tượng.
Xuất bản lần đầu bằng tiếng Ý với nhan đề Collezione di sabbia vào tháng 10 năm 1984, tác phẩm này được ra mắt chỉ một năm trước khi tác giả qua đời. Nó cũng đồng thời là phần cuối cùng trong một tuyển tập hữu cơ gồm 2 tác phẩm mà ông gọi là những chuyện cosmicomics (vũ trụ kỳ thú).
Trong bộ sách này, Calvino đã lấy hình tượng của những khoáng chất, như đá và cát, để đại diện cho tính chất phù du của hầu hết vạn vật. Trong cuốn sách đầu tiên Una pietra sopra (tạm dịch: Đặt viên đá lên) xuất hiện vào năm 1980, ông đã tập hợp rất nhiều bài viết về chính trị, xã hội và văn học Ý, như đang ngầm ý về ngành nghệ thuật đã là nền tảng lâu dài tại Cựu thế giới.
4 năm sau đó, Bộ sưu tập cát ghi lại khoảnh khắc về các cuộc triển lãm, những khám phá mới, cũng như là chuyến du hành của chính tác giả về ba đất nước Nhật, Mexico và Iran được cho ra mắt. Như đúng nhan đề, thế giới giờ đang thay đổi, để ông nhận ra viên đá ngày nào giờ đã phong hóa thành những hạt cát rơi xuống đời mình.
Vì vậy chủ thể trong tác phẩm này là những đối tượng có tính tạm bợ, những thứ tưởng chừng mới đây rồi sẽ mất đi. Đó là những bộ sưu tập mặt nạ, bản đồ, tranh ảnh, bưu thiếp, tem phiếu, báo chí… mà thông qua đó, những nỗi suy tư cũng được nhà văn tái hiện qua các tiểu luận có sự trường tồn và sức sống mạnh mẽ.
Sắp xếp hai phần đối xứng như một vòng tròn được khép hẳn lại, tác phẩm mở đầu bằng bộ sưu tập những ngụm cát nhỏ từ khắp mọi nơi, khởi phát từ nỗi ám ảnh của người nghệ sĩ… cho đến cuối cùng qua chuyến du hành của một bộ tộc ở trên sa mạc, Calvino coi đó như sự kết thúc và màn khởi sinh của một con người.
Trong cõi sống này, xét cho đến cùng, con người bé mọn đứng trước tự nhiên và rồi để lại không có gì hơn ngoài dấu chân qua, để đến tận cùng sẽ bị xóa sổ bởi những cơn gió xóa. Ở những di tích dấu tích thiên nhiên dần dần xuất hiện thì cũng là nơi con người sẽ lại rút lui, về lại như hạt vật chất mà mình từng là.
Do đó Bộ sưu tập cát ngoài là hành trình khám phá tự nhiên, thì sâu vào trong bản chất, cũng chính là một chuyến du hành vào trong tâm thức mỗi người, để tìm lại đúng bản nguyên cũng như những gì họ từng thuộc về.
Từ nhìn đến cảm
Không nhiều tác giả đem đến cái nhìn dưới dạng bách khoa cho các vật thể như Calvino có thể làm được. Thông qua những cuộc triển lãm ở Paris trong khoảng giai đoạn 1980 – 1984, ông đã nhìn thấu được một thế giới của người sưu tập, với những ám ảnh và các tổn thương đã đeo bám họ, và rồi thể hiện ra mặt vật chất là những lọ cát đến từ những nơi khác nhau, hay chiếc mặt nạ đã từng được dùng cho nhiều vai trò…
Theo đó ông nói: “Sức thu hút của một bộ sưu tập nằm ở những gì nó tiết lộ cũng như che giấu cái động lực thầm kín dẫn đến việc tạo ra nó […] Tuy nhiên ở đâu mà cơn mê cuồng sưu tập tự bộc lộ thì nó cũng tiết lộ cái lòng dạ ám ảnh bản thân”. Vì vậy không riêng chỉ những nghệ sĩ có các tác phẩm tham gia triển lãm, mà sâu trong Calvino, cũng là một sự phân chia rất nhiều suy ngẫm, về vị trí con người trong thế giới này, về những từ ngữ mà ông dấn thân…
Và để khẳng định con người vốn dĩ mong manh, mà ngay sau đó ông cũng dấn bước sâu hơn vào cuộc triển lãm bản đồ, để cho ta thấy những người từ Cựu thế giới từng có cách nhìn mang tính phiến diện đến như thế nào với Tân thế giới. Con người cũng bị ám ảnh bởi những tượng sáp – những thứ mô phỏng chính bản thân mình không có sức sống, và rồi đến thời báo chí phổ thông mà những án mạng thường chiếm một dung lượng lớn, từ đó hình thành một nỗi ám ảnh và là nguồn cơn cho nhiều tội ác sản sinh từ đó.
Ngoài việc là một tác giả, Calvino cũng thể hiện mình là một nhà báo, mà thật ra những bài viết này rồi sẽ được gửi quay ngược trở về cho tờ La Repubblica ở nước Ý xa xôi. Vì vậy những bài như việc nghiên cứu nhà văn vẽ tranh, tính chất ngoại giao từ các nút thắt… cũng như cột trụ Trajan, các điểm khảo cổ là những chuồng heo thời La Mã cổ… chủ yếu mang tính tự thuật và không chứa đựng những suy tư riêng.
Nhưng cũng bởi trong bài luận về triết gia Roland Barthes, Calvino cũng từng cho rằng “não bộ bắt đầu từ mắt”, do đó suy tư và các nghiền ngẫm là không thể tránh. Trong đây ta có thể thấy được cách ông nhìn nghề nghiệp của mình, từ triển lãm chữ hình nêm cho đến cách vẽ biểu ngữ hay graffiti ở trên đường phố, để cho thấy từ ngữ tự nó có sức sống riêng. Nó cũng đôi khi mang tính hòa hợp, nhưng với nhịp độ và mục đích khác, thì cũng có thể trở những nỗi ám ảnh mang tính toàn trị dưới thời Đế chế thứ 3.
Đó cũng còn là quá trình nhìn lại những tác phẩm tưởng chừng bất khả hiểu được như Bộ bách khoa Codex Seraphinianus của Luigi Serafini, Từ điển các địa danh tưởng tượng của Alberto Manguel và Gianni Guadalupi… Từ đó cố gắng tìm hiểu cũng như cắt nghĩa nó trong những tương quan giữa việc nhìn – thấu – cảm và suy ngẫm.
Nhưng rồi mọi thứ sẽ quay trở lại với việc con người chỉ mới là cái chớp mắt so với vạn vật, mà từ ngữ, hình ảnh… mang nhiều ẩn dụ và giá trị hơn ta có thể hiểu. Loài người rốt cuộc lại đầy mong manh cũng như tạp nhiễm. Nỗ lực của Calvino cố gắng giải đáp cho ta thấy thêm một khía cạnh khác của việc nhìn và thấy, hơn các hành động nhìn mà không thấy vẫn đang xoay chuyển quanh cuộc đời ta.
Bình luận (0)