Du học Mỹ: Có một hướng đi 'rẻ nhưng chất'

02/12/2022 08:17 GMT+7

Du học Mỹ chương trình 2+2, tức 2 năm tại trường CĐ cộng đồng (community college) với chi phí thấp rồi liên thông ĐH 2 năm được cho là lựa chọn 'vừa túi tiền' nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Học phí rẻ hơn 2/3

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Natella Svistunova, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, cho biết số lượng du học sinh Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong số những sinh viên quốc tế đến học tại các trường CĐ cộng đồng rồi chuyển tiếp lên hệ ĐH tại Mỹ.

“Chương trình 2+2 (2 năm CĐ cộng đồng, 2 năm ĐH - PV) trở nên phổ biến”, bà Svistunova lưu ý.

Theo bà Svistunova, đa số sinh viên quốc tế chọn con đường 2+2 để tiết kiệm chi phí vì học phí CĐ cộng đồng “chỉ bằng khoảng 1/3 so với trường ĐH 4 năm chính quy”.

Bên cạnh đó, CĐ cộng đồng có các chính sách tuyển sinh linh hoạt hơn và quy mô lớp nhỏ nên du học sinh có nhiều cơ hội để học tập, thực hành.

"CĐ cộng đồng tạo cơ hội cho sinh viên khám phá và tìm hiểu năng lực bản thân nếu chưa chọn được ngành học mong muốn", bà Svistunova nói.

Natella Svistunova, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM

tno

Về phía các trường, tiến sĩ Michael Brennan, đại diện Trường CĐ cộng đồng Hillsborough (bang California), cho hay trường CĐ cộng đồng phục vụ sinh viên tại địa phương, nhất là các em không thể chi trả học phí ĐH. “Do đó, học phí CĐ cộng đồng thường thấp và du học sinh có thể hưởng lợi từ điều này”, ông Brennan phân tích.

Chủ yếu học đại cương

Nói về chương trình 2+2, tiến sĩ Brennan cho hay, trong 2 năm đầu tại CĐ cộng đồng, sinh viên sẽ được hỗ trợ về việc lên kế hoạch, xác định ngành học và thực hiện quá trình chuyển tiếp lên ĐH. “Hiện Trường CĐ cộng đồng Hillsborough có 22 du học sinh Việt Nam trong tổng số 400 sinh viên quốc tế”, ông Brennan thông tin.

Khi được hỏi liệu rằng chương trình 2+2 làm gián đoạn quá trình học tập hay không, tiến sĩ Brennan khẳng định là "không”. Ông Brennan lý giải: "Trong 2 năm tại CĐ cộng đồng ở Mỹ, sinh viên tập trung vào những môn đại cương như lịch sử, khoa học xã hội, xã hội học, toán học... Điều này tương tự 2 năm đầu tại các ĐH gồm 20 môn học đại cương khác nhau (60 tín chỉ), trong đó có 12 môn bắt buộc, 8 môn lựa chọn tùy theo chuyên ngành”.

Chuyên gia các trường CĐ cộng đồng, CĐ và ĐH Mỹ tham gia tư vấn cho học sinh

ngọc long

Theo ông Brennan, hồ sơ xét tuyển vào trường CĐ cộng đồng thường chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp THPT, chứng chỉ tiếng Anh và chứng minh tài chính. “Trường CĐ cộng đồng không cần SAT hay thư giới thiệu và sinh viên cũng có thể nhận học bổng”, tiến sĩ Brennan nói, đồng thời cho biết từng có sinh viên được chuyển tiếp từ trường CĐ cộng đồng đến các trường trong hệ thống Ivy League.

Chỉ cần điểm trung bình khi chuyển tiếp ĐH

Có nhiều chuyên ngành để lựa chọn là một đặc trưng khác của các trường CĐ cộng đồng, theo tiến sĩ Gerald Sequeira, đại diện Trường CĐ cộng đồng Citrus (California).

“Trường chúng tôi có hơn 100 môn để sinh viên lựa chọn. Một trường khác có quy mô 40.000 sinh viên thậm chí còn mở khóa học sửa máy bay. Nếu sở hữu bằng liên kết, sinh viên được đảm bảo chuyển tiếp đến bất kỳ ĐH nào tại California dựa trên chuyên ngành đã chọn ở trường CĐ cộng đồng”, tiến sĩ Sequeira cho hay.

Chia sẻ về yêu cầu của trường ĐH trong quá trình tiến hành chuyển tiếp từ CĐ cộng đồng, tiến sĩ Yu-wan Wang, đại diện ĐH Stony Brook (New York), cho biết nhà trường không quy định sinh viên phải từng theo học tại đâu, chỉ chú trọng bảng điểm 2 năm đầu.

“Chúng tôi chấp nhận mọi tín chỉ do Bộ Giáo dục Mỹ cấp từ mọi trường. Sinh viên chỉ cần được điểm trung bình ở mức B và B+ là có thể theo học tại ĐH Stony Brook, còn SAT chỉ là tùy chọn”, bà Wang thông tin.

Học sinh tìm hiểu cơ hội du học trong triển lãm giáo dục ĐH Mỹ tại TP.HCM

ngọc long

Những hạn chế

Theo tiến sĩ Wang, hạn chế lớn nhất giữa CĐ cộng đồng với ĐH là cơ hội cho sinh viên học tập và nghiên cứu. Bà Wang cho biết cơ sở vật chất lẫn nguồn lực giảng viên tại trường CĐ cộng đồng thường không chất lượng bằng các trường ĐH. “Trong khi đó, ở ĐH, sinh viên được nghiên cứu chuyên ngành ngay từ năm nhất”, tiến sĩ Wang cho hay.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Brennan nhận định vì đa số sinh viên là người địa phương thường chọn đến học rồi về nhà nên nhiều trường CĐ cộng đồng không xây dựng ký túc xá, "một phần cũng là vì khuôn viên hạn hẹp". “Điều này có thể gây khó khăn cho du học sinh”, tiến sĩ Brennan chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.