Nhật Bản là đất nước Á Đông duy nhất từ bỏ phong tục đón Tết Nguyên đán từ năm 1873, do đó du học sinh Việt tại đây sẽ trải qua những ngày tết đi học và làm việc như bình thường. Để tạo điều kiện cho người Việt xa xứ cùng tụ họp và đón tết, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật - chi hội Kanto, đã tổ chức sự kiện “Tết VYSA 2023” sau nửa năm chuẩn bị, với khoảng 500 khách tham dự vào chiều 14.1.
Trần Phương Anh (sinh viên ĐH Nữ sinh Tokyo), cựu Trưởng ban Văn hóa thể thao chi hội Kanto, thành viên ban tổ chức, cho hay sự kiện có những tiết mục văn nghệ Việt - Nhật, gian hàng trò chơi dân gian, khu vực tiểu cảnh chủ đề tết xưa và phục vụ những món truyền thống như bánh chưng, củ kiệu, nộm gà xé... Đồng thời, chương trình cũng tặng quà tết cho những hoàn cảnh khó khăn và trích tiền bán vé để quyên góp xây chùa Việt tại Nhật.
Du học sinh Việt tại Nhật tham gia sự kiện đón tết cùng trang phục áo dài truyền thống |
VYSA chi hội kanto |
Cũng theo cựu Trưởng ban Văn hóa thể thao của hội, “Tết VYSA 2023” còn thu hút nhiều người nước ngoài từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ukraina... Vì thế, đây là dịp để người Việt ‘dạy’ cho bạn bè quốc tế về tết Việt nói riêng, và thể hiện nét đẹp trong văn hóa nói chung, Phương Anh nhận định. “Khi mọi người trầm trồ khen áo dài, tiểu cảnh hay món Việt, chúng tôi đều cảm thấy tự hào”, nữ sinh chia sẻ thêm.
Vừa tham gia hoạt động mừng tết tổ chức bởi Đại sứ quán Việt Nam tại Bulgaria vào tối 15.1, Hồ Thanh Ngân (sinh viên ĐH Mỹ ở Bulgaria) cho biết sự kiện có không ít người Bulgaria là vợ, chồng của người Việt hoặc được bạn trẻ người Việt mời tham gia cùng. Tổng cộng hơn 300 khách từ khắp các thành phố đã cùng đến dự tiệc tại thủ đô Sofia, đồng thời xem múa lân, đốt pháo, văn nghệ và tham gia các trò chơi dân gian như nhảy sạp, bầu cua, thảy vòng...
Tiết mục múa lân tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bulgaria tối 15.1 |
ngân hồ |
Theo Ngân, hoạt động mừng tết không chỉ giáo dục thế hệ con cháu sinh tại Bulgaria về tết Việt để giữ gìn truyền thống, mà còn lan tỏa văn hóa Việt đến cộng đồng bản xứ. “Bạn bè Bulgaria sau khi trải nghiệm ai cũng thích ngày tết, đặc biệt là sự khắng khít của cộng đồng chúng ta. Đó là vì văn hóa nơi đây không tổ chức hoạt động tề tựu quy mô lớn như thế mà chỉ gói gọn trong phạm vi mỗi gia đình”, nữ sinh lý giải.
Không có cơ hội tham gia sự kiện đón tết nhưng Đặng Thụy Diễm Anh (sinh viên ĐH Erasmus, Hà Lan) cũng có cách riêng để tận hưởng ngày lễ đặc biệt này. Nữ sinh dự định mua thịt heo ở khu phố người Hoa vì “trong siêu thị thịt không đa dạng, chỉ có ba chỉ heo và bít tết bò”, sau đó nấu món thịt đông truyền thống để ăn trong ngày tết.
Diễm Anh dự định du xuân và nấu món truyền thống dịp tết trong ngày đầu năm |
nvcc |
Chỉ còn vài giờ nữa là đến khoảnh khắc giao thừa và bước vào mùng 1 tết. Diễm Anh cho hay vào ngày đầu năm mới, cô sẽ cùng bạn bè đi chùa, sau đó lên thành phố Amsterdam (thủ đô Hà Lan) du xuân rồi về nhà nấu những món Việt để ăn với nhau. "Vì ẩm thực Việt khác hẳn ẩm thực châu Âu vốn coi trọng phô mai, kem và sữa, tôi cũng dự định tặng thịt đông, bánh chưng cho bạn bè quốc tế chung lớp để giới thiệu họ biết thế nào là ngày tết Việt và kéo 'thế giới' của nhau lại gần hơn”, nữ sinh chia sẻ.
Ở nơi có tết thì sao?
Được nghỉ tết 10 ngày từ 19.1 đến hết 29.1, Mai Phương Thảo, hiện theo học tại ĐH Sư phạm quốc lập Đài Loan (Trung Quốc), cho hay Đài Bắc, nơi cô sinh sống, không có “hương tết” như Việt Nam. “Sau dịch Covid-19, năm nay nhiều người dân Đài Loan chọn về quê hoặc du lịch nước ngoài, chỉ có một số tiệm tạp hóa bày bán các đồ trang trí nên không khí khá hiu quạnh”, nữ sinh lý giải.
Khu chợ tết tại Đài Loan vào những ngày cuối năm |
Phương thảo |
Vì đang sống trong ký túc xá của trường, những ngày nghỉ, Thảo dự định đi ăn mừng năm mới cùng bạn bè đồng hương, sau đó tìm việc làm ngày tết để kiếm thêm thu nhập. “Tôi đang học 1 năm tiếng Quan thoại trước để đáp ứng yêu cầu của trường, sau đó mới nộp học bạ để tiếp tục lên ĐH. Mong năm mới này, tôi sẽ có thể khởi đầu cuộc sống ĐH như ý”, Thảo bộc bạch trước khoảnh khắc giao thừa.
Bình luận (0)