Du học sinh Việt tại Nga háo hức cùng World Cup

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/06/2018 13:49 GMT+7

Được sống ở Nga giữa ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup là niềm vui của không ít du học sinh Việt. Và mỗi người có một cách xem World Cup khác nhau.

Vũ Đức Hiếu, 23 tuổi, sinh viên Học viện quân y Kirov, thành phố Saint Peterburg yêu bóng đá, tuy nhiên anh không đủ điều kiện tài chính để có thể ra sân xem các trận đấu ở vòng bảng. Hiếu đã đặt sẵn vé trận bán kết tại Saint Peterburg, còn lại các trận khác anh cùng bạn bè theo dõi qua truyền hình.
Những ngày này, thành phố Hiếu đang sống khác hẳn ngày thường. Ở trên đường phố, đặc biệt là tàu điện ngầm có nhiều cảnh sát đi tuần tra hơn. Trên ga tàu, xe buýt, tại các địa điểm tập trung người hâm mộ, các biển hiệu, bảng chỉ dẫn dùng tiếng Anh nhiều hơn.
“Tại Học viện quân y Kirov, mọi người cùng hưởng ứng các trận cầu theo cách đặc biệt. Ví dụ như trước trận Nga - Ai Cập, cô đầu bếp sẽ nấu các món ăn Ai Cập để cả trường cùng ăn và thưởng thức trận đấu trong sự thích thú”, Hiếu kể.

Học viện quân y Kirov những ngày World Cup Vũ Hiếu
Cờ đỏ sao vàng trên đường phố Nga những ngày World Cup Vũ Hiếu
Hiếu trong một lần được chiêm ngưỡng cúp vàng World Cup
Vũ Đức Hiếu yêu đội bóng Đức và mong chờ những điều tốt đẹp với đội bóng này ở World Cup 2018, đặc biệt nhất là sau trận thua Mexico của đương kim vô địch ở trận đấu đầu tiên.
Trong khi đó, Khánh Linh, 20 tuổi, sinh viên Học viện kinh tế tài chính, đang sống cùng gia đình tại thủ đô Moscow, Nga cũng cảm nhận được không khí bóng đá lan tỏa mạnh mẽ tới mọi ngóc ngách, khu phố ở đất nước cô đang sống. “Những ngày này, khi bước ra phố tôi có cảm giác gặp gỡ những thế giới thu nhỏ khác nhau. Nhiều đám đông đến từ các quốc gia khác nhau đã mang quốc kỳ và hát quốc ca của nước họ”, Linh chia sẻ.
Linh cùng những cổ động viên Mexico
Linh và các bạn cổ động viên Colombia Ảnh N.Linh
Linh cho biết, cô thường xem World Cup qua các màn hình lớn tại nơi công cộng trong thành phố, hoặc trên truyền hình trực tiếp, bởi không phải trận đấu nào cũng có thể ra tận sân vận động và theo dõi. Theo Linh, cộng đồng người Việt tại Nga cũng say mê, háo hức xem World Cup.
“Tôi nhớ đến những ngày U.23 Việt Nam thi đấu vòng chung kết châu Á vừa qua. Không khí chờ được xem bóng đá cũng náo nhiệt y như vậy. Gia đình tôi và các dì của tôi đều cùng nhau mở ti vi rồi cùng nấu ăn, dự đoán tỉ số và cổ vũ cho các đội rất sôi động”, Linh kể.
Gia đình các dì của Khánh Linh cũng cho thuê phòng nhân dịp ngày hội bóng đá được mong chờ này, ưu tiên hơn cho các khách hàng là người Việt. Bởi, hiện tại, số người hâm mộ từ các quốc gia đổ về Nga ngày một đông, các khách sạn đều quá tải.
Những điều cần chú ý khi sang Nga xem bóng đá
Trong ngày hội World Cup, nhiều người Việt đã đặt tours tại các công ty lữ hành để vừa có vé vào sân xem bóng đá, vừa được trải nghiệm phong cảnh, món ăn xứ bạch dương. Ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Vietravel Hà Nội, cho hay du khách Việt cần chú ý một số lưu ý để hành trình đón World Cup tại Nga trọn vẹn: Người dân chỉ nói tiếng Nga, ngay cả ở các thành phố lớn cũng ít người biết tiếng Anh. Bù lại, người dân rất thân thiện nên du khách đừng quên học những từ đơn giản như "cảm ơn, xin lỗi, xin chào" để giao tiếp với họ.
Tất cả điểm mua sắm đều thanh toán bằng tiền Rup, tuy nhiên có thể thanh toán bằng thẻ Visa, Master. 1 Rup Nga tương đương 720 - 800 Việt Nam đồng. Bạn có thể đổi tiền từ Việt Nam tại các điểm thu đổi ngoại tệ, ngân hàng, sân bay… hoặc đổi các ngoại tệ thông dụng như USD, EUR theo tỷ giá thị trường.
Đến thăm cung điện, nơi trang nghiêm phải ăn mặc lịch sự, kín đáo. Không đi dạo quá khuya, cẩn thận trộm cắp, móc túi và nên đi theo nhóm.
Không hút thuốc và xả rác nơi công cộng, trên xe để tránh bị phạt tiền và ảnh hưởng đến hình ảnh du khách Việt…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.