Đầu năm mới Bính Thân, du khách khắp nơi đổ về miền Trung khiến nhiều điểm tham quan, nghỉ dưỡng chật kín là một trong những tín hiệu lạc quan cho ngành du lịch các tỉnh, thành này.
Cụm trang trí dọc đường Bạch Đằng (Đà Nẵng) phục vụ nhu cầu chụp ảnh lưu niệm rất hút du khách - Ảnh: Diệu Hiền |
Quảng Nam “hút” du khách quốc tế
Với kỳ nghỉ dài ngày, hầu hết các điểm đến nổi bật tại Quảng Nam đều thu hút lượng lớn du khách quốc tế chứ không chỉ có riêng khách trong nước du xuân. Tại khu di tích Chăm Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên), trong 5 ngày đầu xuân, đã có trên 7.000 lượt khách đến tham quan, trong đó du khách quốc tế đông gấp 2,6 lần so với khách trong nước (ảnh). Cụ thể, đã có 5.221 lượt khách quốc tế (so với 1.968 lượt khách trong nước) đến tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa Mỹ Sơn dịp này.
Trước lượng du khách đông đảo như vậy, Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn phải tăng cường thêm 4 xe điện phục vụ trung chuyển khách, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa như biểu diễn nghệ thuật Chăm tại khu di tích trong tất cả các ngày đầu xuân (với 3 suất diễn/ngày), mở cửa bảo tàng Mỹ Sơn…
Khu du lịch Mỹ Sơn
|
Riêng tại đô thị cổ Hội An, đến hôm qua 14.2, chính quyền TP.Hội An vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng qua các nguồn thông tin từ khách sạn và hình ảnh trực quan tại các điểm vui chơi cho thấy số lượng khách du xuân tại phố cổ tăng đột biến. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, ngoài lượng du khách nội địa vãng lai “quá nhiều”, đợt này Hội An đón lượng lớn du khách Hàn Quốc.
“Không kể khách Trung Quốc, riêng lượng khách Hàn Quốc tăng đột biến là tín hiệu tốt và cho thấy Hội An đang đi đúng hướng khi mở rộng thị trường Đông Bắc Á”, ông Sơn nói. Các cung đường du xuân ở Quảng Nam thực sự náo nhiệt, trong đó đồng loạt diễn ra lễ hội cầu ngư, đua thuyền ở làng Hòa An (xã Tam Hòa, H.Núi Thành), lễ hội đua thuyền truyền thống đầu năm trên sông Vu Gia (H.Đại Lộc) và giải đua ghe Đảo thủy đầu xuân trên sông Hoài (TP.Hội An).
Nhộn nhịp khách đường hàng không
Ngày 14.2, Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng cho hay, trong dịp Tết Nguyên đán hoạt động du lịch của TP.Đà Nẵng diễn ra vô cùng thuận lợi, với lượng khách tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Từ ngày 28 tháng 12 (âm lịch) đến nay, Đà Nẵng đón hơn 222.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 79.000 lượt, khách nội địa hơn 142.000 lượt. 10 giờ sáng mồng 1 tết (ngày 8.2), chuyến bay của hãng hàng không Jestar Pacific tuyến Macau-Đà Nẵng đã “xông đất” Đà Nẵng, mang theo 180 khách du lịch đến TP này (ảnh).
Theo đó, trong những ngày tết, Sân bay quốc tế Đà Nẵng đón 175 chuyến bay đưa 18.870 lượt khách đến Đà Nẵng tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đường không, tuyến du lịch đường biển Đà Nẵng đã đón 3 chuyến tàu biển của các hãng Volendam, Superstar Virco, Superstar Libra cập cảng Tiên Sa (do Chi nhánh Saigontourist, VPĐD Destination Asia Việt Nam khai thác) đưa khoảng 3.300 lượt khách đến tham quan TP.Đà Nẵng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Chuyến bay “xông đất” Đà Nẵng
|
Theo thống kê của Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng, ở các điểm du lịch trên địa bàn đã đón tổng lượt khách tham quan lên đến 111.000 lượt. Cụ thể KDL Bà Nà Hills đón 50.000 lượt khách; Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đón 19.000 lượt khách; Bảo tàng điêu khắc Chăm đón 7.400 lượt khách; Bảo tàng Đà Nẵng đón 1.550 lượt khách; KDL Sơn Trà 30.000 lượt khách; KDL Hòa Phú Thành 1.400 lượt khách...
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng cho hay, năm 2016 du lịch Đà Nẵng sẽ có bước khởi sắc mạnh mẽ. Ngành du lịch TP cũng đẩy mạnh những hoạt động phục vụ du khách, những sản phẩm du lịch mới, những chương trình kích cầu du lịch để thu hút du khách đến với Đà Nẵng-Thành phố an bình.
Du khách nhận ấn tân xuân của di sản Huế
Sáng 14.2, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ hạ nêu và khai ấn cung chúc tân xuân tại di tích Thế Tổ Miếu (Đại nội) và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Điện Long An, số 3 Lê Trực, TP.Huế). Buổi lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống cung đình đã thu hút đông đảo du khách tham dự.
Đặc biệt, sau lễ hạ nêu, đông đảo du khách đã háo hức sắp hàng rất trật tự để xin ấn cung chúc tân xuân (ảnh) cầu mong năm mới an lành, hạnh phúc. Theo TS Phan Thanh Hải, trong 3 ngày tết, khu di sản Huế mở cửa miễn phí cho toàn bộ du khách VN (cả Việt kiều) và cộng đồng nhân dân địa phương. Theo thống kê trong 3 ngày đã có 50.000 lượt khách tham quan khu di sản Huế trong đó có hơn 10.000 khách quốc tế.
Xin ấn cung chúc tân xuân
|
Nhờ công tác tổ chức được chuẩn bị chu đáo, nên các vấn đề an ninh, vệ sinh và môi trường đảm bảo tốt. Năm nay thời tiết Huế rất đẹp, hầu hết các khu di tích đều được trang trí nhiều hoa và cây kiểng khiến du khách rất thích thú.
Du lịch Quảng Bình “bội thu”
Ghi nhận của PV Thanh Niên trong những ngày tết cổ truyền năm nay, nhất là những ngày sau tết, lượng khách du lịch đến Quảng Bình rất đông. Tại các điểm tham quan du lịch chính như khu vực động Phong Nha, Thiên Đường đều đông kín người. Theo Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, từ mồng 1 đến mồng 3, lượng khách đến tham quan các hang động Phong Nha, Tiên Sơn, hang Tối tăng 25% so với năm trước, tổng khoảng hơn 2.000 khách, trong đó 500 khách quốc tế; những ngày sau tết có khoảng 2.000 lượt khách mỗi ngày.
Số lượng người đi thăm viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng tăng cao, bình quân mỗi ngày có gần 15.000 lượt người thăm viếng. Đặc biệt, năm nay, một địa chỉ du lịch mới tại Quảng Bình đó là chùa cổ Hoằng Phúc (ảnh, xã Mỹ Thủy, H.Lệ Thủy) được tôn tạo đưa vào hoạt động đã thu hút hàng chục ngàn lượt người đến tham quan, cầu an cầu may. Mặc dù lượng người đông nhưng nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, phục vụ nên không để xảy ra tình trạng ùn ứ, lộn xộn.
Chùa cổ Hoằng Phúc
|
Mang mùa Xuân đến đảo Cồn Cỏ
|
Không những chăm lo cho cái tết trong đất liền, năm nay, ngay từ ngày mồng 6, Đoàn nghệ thuật Quảng Trị đã lên thuyền, hướng thẳng đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), thực hiện chương trình ca múa nhạc đặc sắc, phục vụ quân và dân trên hòn đảo tiền tiêu này. Nhiều tiết mục múa hát rộn rã như đã một lần nữa mang sức sống mùa xuân đến với được ví là... đất Việt giữa trùng khơi này.
Xử lý ngay tình trạng chặt chém ở TP.Đà Nẵng
Vì là TP biển nên khu vực kinh doanh ẩm thực biển rất sôi động với hàng trăm hộ tham gia kinh doanh (khu vực ven biển Q.Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) từ những ngày đầu năm mới. Để tránh tình trạng chặt chém, chèo kéo khách, ngành du lịch Đà Nẵng cũng đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, kiểm tra niêm yết giá, giám sát hoạt động kinh doanh buôn bán ở khu vực này. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp du khách đến từ TP.HCM phàn nàn trên trang cá nhân việc mình bị một quán ăn (gần vòng xoay Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt) “chặt chém” hộp cơm xào hải sản chỉ có vài lát mực với giá 200.000 đồng/hộp và không chịu xuất hóa đơn dù khách yêu cầu. Ngay lập tức lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo ngành du lịch, cơ quan thuế, quản lý thị trường vào cuộc xác minh, xử lý, lấy lại môi trường du lịch, dịch vụ an toàn cho du khách. Thông tin từ đoàn kiểm tra liên ngành Q.Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) cho biết, quán ăn nói trên tạm đóng cửa nghỉ bán ngay sau khi được thanh kiểm tra. (An Dy)
|
Bình luận (0)