Du khách khắp nơi háo hức về dự lễ hội đền Trần Thái Bình

Cù Hiền
Cù Hiền
04/02/2023 18:19 GMT+7

Du khách từ khắp nơi như TP.Hà Nội; tỉnh Tuyên Quang… đều hào hứng trở về dự lễ hội đền Trần. Trong tiết trời đầu xuân, ai nấy đều mang tâm trạng đầy háo hức tham dự một lễ hội đầy trang trọng, linh thiêng.

Năm 2023, với quy mô khác biệt so với mọi năm của lễ hội đền Trần (xã Tiến Đức, H.Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), chương trình khai hội đền Trần năm nay mang đến một không khí linh thiêng, nhằm ôn lại và tri ân công đức của các vị vua triều Trần. Du khách đổ về dự lễ hội đền Trần và chương trình nghệ thuật cũng đông hơn mọi năm.

Du khách khắp nơi háo hức về dự lễ hội đền Trần Thái Bình - Ảnh 1.

Lễ hội tổ chức linh đình với nhiều chương trình nghệ thuật độc đáo

C.H

Tự hào là một người dân nơi có di tích đền Trần, chị Nguyễn Ngọc Hà (xã Tiến Đức, H.Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) cho biết, mỗi năm, gia đình chị đều đi lễ đền Trần để tưởng nhớ về một triều đại huy hoàng thịnh trị với niềm tự hào sâu sắc rằng mình là con cháu của một dân tộc anh hùng.

Du khách khắp nơi háo hức về dự lễ hội đền Trần Thái Bình - Ảnh 2.

Đoàn rước kiệu uy nghi thu hút sự chú ý của du khách thập phương

C.H

Chị Thanh Loan (30 tuổi, đến từ TP.Hà Nội) chia sẻ: "Từ lâu tôi và gia đình đã mong muốn một lần được ghé thăm nơi này. Lần này thật may mắn khi vừa được tham dự lễ hội vừa được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt chào một mùa xuân mới".

Háo hức chờ đợi đến lễ hội lớn, anh Nguyễn Thanh Tùng (du khách đến từ TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã phải di chuyển từ sáng sớm để về Thái Bình kịp giờ khai hội. Năm nào cũng vậy, anh Thanh Tùng đều cùng vợ, con về dự khai hội đền Trần.

Du khách khắp nơi háo hức về dự lễ hội đền Trần Thái Bình - Ảnh 3.

Dù thời tiết bắt đầu những ngày nồm, ẩm, nhưng du khách thập phương vẫn không quản đường sá xa xôi đến tham dự lễ hội

C.H

Sau 3 năm không được tham dự do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm nay, tâm trạng của anh và gia đình đều trở nên hứng khởi hơn bao giờ hết, anh nói: "Qua lễ hội này góp phần giáo dục truyền thống cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử của dân tộc. Nâng cao hơn nữa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp và tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa trường tồn".

Lễ hội đền Trần diễn ra trong 5 ngày, từ 3 đến 7.2 (tức từ 13 - 17 tháng giêng năm Quý Mão). Trước đó, vào tối qua (3.2), lễ khai mạc đã diễn ra từ 20 giờ 10 phút đến 22 giờ 10 phút tại sân lễ hội khu di tích đền Trần.

Du khách khắp nơi háo hức về dự lễ hội đền Trần Thái Bình - Ảnh 4.

Chiếc bánh nướng với khối lượng 400 kg là một lễ vật độc đáo trong mùa khai hội đền Trần năm nay

C.H

Trong lễ hội sẽ có những cuộc thi mang đậm nét đẹp cổ truyền như: Trình diễn thư pháp, thi pháo đất, gói bánh chưng, võ cổ truyền, tổ chức ngày thơ, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh…

Du khách khắp nơi háo hức về dự lễ hội đền Trần Thái Bình - Ảnh 5.

Cặp bánh (bánh nướng và bánh dẻo) tại Lễ hội đền Trần Thái Bình năm nay được xác lập Kỷ lục Guinness Việt Nam

C.H

Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua quan nhà Trần. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình (còn gọi là Thái Đường Lăng) thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, H.Hưng Hà (tỉnh Thái Bình). Hệ thống các di tích lịch sử ở đây gồm khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đều đã được chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

Du khách khắp nơi háo hức về dự lễ hội đền Trần Thái Bình - Ảnh 6.

Món cỗ cá gợi nhớ gốc gác nhà Trần làm nghề chài lưới

C.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.