Đền Quan (địa chỉ tại P.Hoàng Diệu, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình), theo các cụ cao niên ở địa phương, là nơi rất linh thiêng dành cho những người muốn cầu danh, cầu tài lộc. Chính vì vậy, từ chiều mùng 1 Tết Giáp Thìn, hàng ngàn lượt khách đã ùn ùn kéo về đây vãn cảnh chùa và cầu tài lộc cho năm mới.
Những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, thời tiết miền Bắc ấm áp nên du khách đến đền càng đông.
Bà Võ Thị Loan (69 tuổi, trú tại Hà Nội) chia sẻ, từ sáng sớm, bà cùng chồng và các con đã di chuyển từ Hà Nội về vãn cảnh và đi lễ tại đền Quan. Tuy nhiên, đường tắc nên phải mất hơn 2 giờ đồng hồ gia đình bà mới về tới nơi.
"Nhiều năm nay, đầu xuân năm nào gia đình tôi cũng đến chùa cầu tài lộc cho các con cháu, cầu sức khỏe cho cả gia đình và vãn cảnh chùa. Kể cả trong thời tiết mưa, rét gia đình tôi cũng đến đây đông đủ vào ngày mùng 5 tháng giêng hằng năm", bà Loan nói.
Tại đền Quan, nhiều quầy hàng bày bán vàng mã thì nay cũng không quên bày bán thêm những túi muối và bật lửa. Bởi theo quan niệm của người xưa, muối mặn, chống xú uế và có thể xua đuổi tà ma, đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm để giữ cho quanh năm tình người cũng mặn mà, gia đình hòa khí, sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, con cái.
Hơn thế nữa còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ ứng xử, quan hệ làm ăn.
Bên cạnh đó, người Việt Nam vốn cần cù, chịu khó và rất tiết kiệm. Ý nghĩa của việc "mua muối đầu năm" là để cha mẹ nhắc nhở con cái "ăn dè, ăn nhịn", tiết kiệm để dành tiền "cuối năm mua vôi" xây nhà.
Ngoài mua muối vào Tết Nguyên đán, nhiều người vẫn còn giữ tục lệ mua lửa đầu năm để cầu mong một năm nhiều điềm lành, nhiều may mắn. Bởi, ngọn lửa tượng trưng cho sự ấm áp và tài lộc không bao giờ dập tắt. Do đó, trong túi muối thường có thêm 1 chiếc bật lửa.
Theo Ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa đền Quan, hằng năm, lễ hội đền Quan diễn ra từ ngày 15 - 18 tháng giêng. Hội đền Quan có nhiều nghi thức truyền thống được kế thừa từ các lễ hội đền Quan xưa như tế, lễ, rước thuyền và cùng với các trò chơi dân gian như cờ tướng, kéo co nam nữ, hát văn nghệ.
Đây cũng là thời gian du khách mọi nơi đến du xuân, tham quan thưởng ngoạn, cầu một năm mới an lành.
Đền Quan được biết đến là nơi thờ quan Hà Đê Sứ, Nam Đạo đại thân tướng (một vị anh hùng đã có công giúp dân khai khẩn đất đai, đắp đê ngăn lũ, củng cố thủy lợi). Ngài mất đầu thập niên 10 của thế kỷ 10 và để tưởng nhớ công đức của vị quan có công dốc lòng "Sinh vì Nam đạo", nhân dân đã lập đền thờ sau khi vị này tạ thế. Trải qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, đền thờ ngài đều được tu bổ.
Đền Quan nằm trên bờ đê thuộc địa bàn P.Hoàng Diệu, TP.Thái Bình. Đền được xây dựng vào năm 905, được đại tu vào năm Duy Tân thứ 2 (1409) và được UBND tỉnh Thái Bình cấp bằng công nhận Di tích lịch sử Cách mạng Văn hóa năm 1998.
Năm 2015, khu đền Mẫu của đền mới được xây dựng khang trang nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo nhân dân.
Bình luận (0)