Dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng

25/06/2017 08:34 GMT+7

Kết thúc kỳ thi, nhiều giáo viên dự đoán điểm chuẩn xét tuyển vào ĐH sẽ tăng so với năm trước do đề được đánh giá là khá dễ chịu.

Khối y dược điểm chuẩn không dưới 26 điểm?
Ông Võ Lý Văn Long, giáo viên môn vật lý Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM), nhận xét: “Năm nay đề lý nhẹ nhàng, cũng có phân hóa nhưng nhẹ, độ khó giảm hẳn so với năm trước. 60% câu dễ, rải đều trong phần lý thuyết, thí sinh (TS) chỉ cần học chắc, học đều, bám sát chương trình là kiếm 6 - 7 dễ dàng. Có khả năng tính toán tốt hơn một chút thì đạt 7 - 8 điểm”.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Thành, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng đề hóa có các câu ở mức độ trung bình khá, chỉ làm trong vòng nửa tiếng là xong. TS thi để tốt nghiệp thì dễ dàng lấy 5 điểm.
Bà Phạm Thu Hằng, nguyên giáo viên môn sinh Trường THPT Tân Bình (TP.HCM), cũng đánh giá đề thi năm nay dễ hơn năm trước 20%, TS xét tốt nghiệp có thể kiếm điểm 5 dễ dàng, trong khi TS xét ĐH thì nếu nhanh nhẹn, tính toán tốt sẽ giải quyết trọn vẹn 100% để để lấy điểm 9, 10.
Từ những nhận xét của TS và giáo viên sau 3 buổi thi, ông Võ Lý Văn Long cho rằng mặt bằng điểm chung của khối A, B năm nay sẽ từ 18 - 22 điểm.

tin liên quan

Thi THPT quốc gia: Chậm nhất ngày 7.7 công bố kết quả
Chiều 24.6, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều vấn đề được các phóng viên đặt ra như có hay không chênh lệch độ khó giữa các mã đề thi, giảm thí sinh vi phạm có phản ánh đúng thực tế, việc chấm thi sẽ tiến hành ra sao?...
Với mặt bằng điểm chung cao như vậy, các giáo viên dự đoán điểm chuẩn của khối A và B sẽ tăng vọt. Năm nay khối B điểm chuẩn sẽ cao. Ông Thành nhận định: “Tôi nghĩ các trường ĐH y dược tốp đầu trên toàn quốc điểm chuẩn sẽ không dưới 26. Mấy trường ĐH tốp 2 có ngành y dược thì khả năng lấy 22 - 24 điểm”.
Ở khối A, ông Võ Lý Văn Long dự đoán, nhiều trường công nghệ, kỹ thuật cao như ĐH Bách khoa, Kiến trúc, Kinh tế, TS phải trên 24 điểm mới có cơ hội trúng tuyển.
Điểm bài thi khoa học xã hội sẽ cao
Cô Võ Thị Hậu, giáo viên Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho rằng năm nay điểm thi môn khoa học xã hội sẽ cao hơn môn khoa học tự nhiên. Tương tự, ông Nguyễn Đình Tình, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng số câu hỏi cực khó để phân hóa ở môn địa lý thực sự chưa nhiều. Vì vậy, TS trung bình có thể dễ dàng đạt 5 - 6 điểm, còn TS khá giỏi 8 - 9 điểm có thể nhiều hơn.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Mùi, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM), có quan điểm ngược lại với môn lịch sử. “Đề năm nay không có sự kiện nhiều nên không đòi hỏi học thuộc lòng. Dù trắc nghiệm nhưng yêu cầu học sinh phải hiểu bài, có nghiên cứu thông tin thời sự mới làm được. Do vậy, TS sử dụng môn thi này để xét tuyển ĐH có thể chỉ đạt 7 - 8 điểm, còn học sinh sử dụng môn thi này để xét tốt nghiệp chỉ đạt 4 - 5 và không dễ có điểm 9 - 10”, cô Mùi nói.
Từ đề thi, đặt lại việc học môn giáo dục công dân
Sau khi phân tích đề thi môn giáo dục công dân, bà Nguyễn Thị Hồng Châu, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho biết: “Cách ra đề rất hay và có thể kích thích sự yêu thích của học sinh với môn học này”. Bà Châu cho rằng với cách ra đề năm nay nếu học sinh chỉ học lý thuyết thì sẽ rất khó để làm được điểm cao vì đề này yêu cầu phải biết suy luận. Theo bà Châu, từ đề thi này, các trường phổ thông phải nhanh chóng xem lại cách dạy và học môn giáo dục công dân để vào năm học mới kịp thời có những điều chỉnh giúp học sinh tiếp cận tốt hơn.
Để đáp ứng yêu cầu thi cử và giúp học sinh có được kiến thức thực sự thì ngành giáo dục và các trường cần nhanh chóng xem xét tổ chức lại cách học môn giáo dục công dân. Giáo viên cần được bồi dưỡng thêm các kiến thức về pháp luật từ đó mới có thể dẫn dắt và giúp học sinh nắm bắt được những vấn đề pháp lý.
Lam Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.