Xe

Đủ kiểu dự án bãi đậu xe ở TP.HCM

Có đủ chỗ đỗ xe là điều kiện để hy vọng giảm thiểu tình trạng kẹt xe ở khu trung tâm, nhưng bên cạnh các dự án đỗ xe ngầm, cao tầng, có cả ý tưởng treo dàn đỗ xe trên kênh, sông rạch!

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện có 9 dự án (DA) bãi đỗ xe thông minh đã được khảo sát tại 9 bệnh viện, trong đó 3 DA đang được triển khai các thủ tục tiếp theo.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đã đề xuất xây dựng bãi đậu xe cao tầng thông minh lắp ghép tại công viên 23 Tháng 9 (Q.1), công trường Lam Sơn (Q.1), trước chung cư Lý Thường Kiệt (Q.10), công viên Gia Định (Q.Gò Vấp).
Ngoài ra, 8 DA bãi đỗ xe ngầm cũng được quy hoạch tại các quận trung tâm TP. Hiện TP có 2 bãi đậu xe cao tầng đã đưa vào hoạt động gồm bãi đậu xe Samco trên đường Võ Văn Kiệt (Q.1), bãi đậu xe Tiên Tiến trên đường Chế Lan Viên (Q.Tân Phú).
Tại Hà Nội, trong tháng 3.2017, UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận triển khai nhanh một loạt DA bãi đỗ xe ngầm tại Nhà thi đấu Quần Ngựa (Q.Ba Đình), công viên Thống Nhất (Q.Hai Bà Trưng), trước quảng trường Cách Mạng Tháng Tám và vườn hoa Cổ Tân (Q.Hoàn Kiếm) do Công ty TNHH dịch vụ và phát triển thương mại Phúc Lợi thực hiện; bãi đỗ xe ngầm tại 295 Lê Duẩn (Q.Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH MVT khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thực hiện. Để đẩy nhanh tiến độ các DA này, UBND TP.Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng xin cơ chế đặc thù, được cho phép chỉ định nhà thầu tư vấn lập quy hoạch.
Trong lúc các DA trên còn đang triển khai chưa thành hình thì mới đây ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công, ngụ TP.HCM) vừa đề xuất Thành ủy, UBND TP.HCM, Sở GTVT đầu tư những dàn đậu xe thông minh nổi trên 2 tuyến kênh để góp phần giảm áp lực nạn ùn tắc giao thông, nhất là cho khu trung tâm.
Ông cũng gửi một bản hiến kế đến Bí thư Thành ủy, UBND TP.Hà Nội, kiến nghị quy hoạch 2 khu vực trên sông, kênh để thiết lập những dàn đỗ xe thông minh (nổi) liên hoàn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của những hiến kế này.
3 bên cùng có lợi?
Theo ông Mai Trọng Tuấn, TP.HCM có thể lợi dụng không gian phía trên của 2 con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ, chạy suốt từ quận 1, 3, 4, 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, 6, 8.
Theo đó, có thể cho lắp những dàn đậu xe thông minh bắc qua 2 con kênh, từ bờ bên này qua bờ bên kia như những cây cầu. Dàn đậu xe 5 - 6 tầng, chiều cao tối đa 18 m, diện tích chiếm bề ngang mặt kênh khoảng 50 m.
Hai dàn đậu xe 2 bên, ở giữa là lối xe ra, vào và quay đầu. Khoảng cách 500 m làm một dàn đậu xe. Như vậy, chỉ chiếm 1/10 diện tích mặt kênh. Các trục đỡ của dàn đậu xe thẳng trục với trụ đỡ của những cây cầu hiện có. Như vậy, không ảnh hưởng đến dòng chảy. Hai con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ có tổng chiều dài 18 km có thể làm được trên 30 dàn đậu xe. Mỗi dàn đậu xe 2 hàng chứa được 400 xe. Vậy tính ra có thể đạt ít nhất là 12.000 xe. Có một số vị trí có thể nâng tầng lên được con số 15.000 - 20.000 xe.
Ông Tuấn cho rằng triển khai 2 hệ thống này có những điểm lợi: không chiếm “đất vàng” các quận trung tâm; góp phần làm cho hai bên bờ kênh sạch, đẹp; hạn chế dân và các quán nhậu đổ rác bừa bãi vào ban đêm. Có thể làm một số nhà vệ sinh công cộng thu tiền phục vụ công ích, cho các doanh nghiệp quảng cáo, lắp các loại đèn quảng cáo, đèn màu, cho thuê chỗ đậu theo giờ, theo buổi, hoặc bán chỗ đậu xe từng năm và cũng có thể bán lâu dài từ 3 - 5 năm như bán một căn hộ để xe. Cũng có thể tổ chức đấu thầu sau khi hoàn thiện từng dàn đậu xe cho người trúng thầu quản lý để thu hồi vốn đầu tư. Đầu tư cuốn chiếu để quay vòng vốn. Làm được đến đâu nhà đầu tư có ngay “tiền tươi, thóc thật”. Nhà nước, nhà đầu tư và dân cùng có lợi.
Chiều 3.4, trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết lãnh đạo Sở đã tiếp ông Tuấn một lần và đang giao cho các phòng ban nghiên cứu.

tin liên quan

TP.HCM cần 1000 ha làm bãi đậu xe
Ủng hộ chủ trương lập lại trật tự lòng lề đường, trong đó có việc không cho đậu xe dưới lòng đường, trên vỉa hè nhưng theo các chuyên gia, để thực hiện việc này, TP.HCM phải nhanh chóng đầu tư bãi đậu xe cho người dân.
Đe dọa cảnh quan
Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, Đại học Bách khoa TP.HCM, đây là ý tưởng hay nhưng có một số điểm cần xem lại. Chẳng hạn, theo như đề xuất, cứ khoảng cách 500 m trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé cho xây một dàn đậu xe, cộng với hệ thống các cây cầu bắc ngang kênh hiện nay thì cảnh quan của tuyến kênh sẽ không còn nữa.
Mặt khác, khi cho xây dựng các bãi đậu xe như vậy, bắt buộc phải bố trí đèn đỏ, đèn xanh tại những lối xe vào, lối xe ra. Khi đó, nguy cơ ùn tắc giao thông trên các tuyến đường dọc kênh sẽ gia tăng, giống như tình trạng ùn ứ tại những cây cầu bắc ngang kênh Nhiêu Lộc hiện nay.
Chưa kể, khu vực các tuyến kênh theo đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn cách xa khu phố đi bộ hiện nay, nên sẽ không thu hút được người gửi xe. Không thể bắt một người gửi xe trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rồi đi 5 - 6 km để vào khu trung tâm phố đi bộ Nguyễn Huệ. Vì vậy, nếu có làm dàn để xe trên kênh, theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, chỉ có thể làm với số lượng rất ít.
Bãi đậu ô tô khu vực chợ Bến Thành, Q.1 Ảnh: Độc Lập
Không ủng hộ đề xuất này, kỹ sư Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều Đức) thẳng thắn nói, không thể bỏ đi cảnh quan của một số tuyến kênh vừa được cải tạo đẹp như Tàu Hủ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè để xây các bãi đậu xe trên mặt nước. Trên thế giới không ai làm như vậy cả. Minh chứng là tại tuyến sông Tô Lịch (Hà Nội), hiện nay đã phải đập bỏ một số vị trí mà trước đây làm bãi đậu xe.
Chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh khẳng định đề xuất này có tới 90% là không khả thi. Bởi về mặt lịch sử, các nhà quy hoạch tại nhiều đô thị trên thế giới đã nghĩ đến việc kết hợp xây dựng các công trình trên kênh, sông, nhưng từ thế kỷ 19 - 20 đã không làm nữa và chỉ để lại 1 - 2 cái xem như dấu ấn lịch sử. Về mặt kiến trúc cảnh quan, việc đặt công trình kiến trúc 5 - 6 tầng trên kênh là việc không nên làm.
TS Phạm Sanh phân tích, nếu làm các dàn để xe trên kênh như đề xuất, cũng phải giải tỏa nhà cửa hai bên để tạo độ dốc lên xuống. Vấn đề này chưa thấy tác giả nói đến trong đề xuất. Ngoài ra, chưa thấy tính toán đến bài toán kinh tế khi đầu tư; vấn đề thoát nước, bảo trì tuyến kênh...
Hà Nội bác ý tưởng xây bãi đỗ xe trên sông
Trong bản hiến kế góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội gửi đến Bí thư Thành ủy, UBND TP.Hà Nội, ông Mai Trọng Tuấn kiến nghị quy hoạch 2 khu vực để thiết lập những dàn đỗ xe thông minh (nổi) liên hoàn, có đủ chỗ đỗ xe cho 20.000 - 30.000 xe hơi cá nhân của khu vực trung tâm Hà Nội.
Ông Mai Trọng Tuấn kiến nghị 2 khu vực có thể xây dựng bãi đỗ xe nổi. Khu vực thứ nhất: Lợi dụng không gian phía trên bề mặt các con kênh, sông như sông Tô Lịch, sông Lũ, sông Sét, mương Kim Ngưu...
Tại các vị trí này có thể làm các dàn đỗ xe thông minh bắc ngang qua các con kênh, chỗ rộng có thể trên 30 m, chỗ hẹp có thể đạt 20 m, lấy trung bình 25 m. Chiều cao của các dàn đỗ xe (từ 6 tới 9 tầng) khoảng 20 m (tối đa ngang với căn nhà 2 tầng ở bên bờ kênh).
Chiều rộng đủ cho 2 dàn đỗ hai bên và lối xe vào, ra, và quay đầu nằm ở giữa, quãng 18 - 20 m. Với khoảng 120 dàn xe có thể đủ chỗ cho khoảng 14.400 xe hơi cá nhân. Ưu điểm ít phải giải phóng mặt bằng, thời gian thi công nhanh...
Khu vực thứ hai là bãi giữa sông Hồng có thể tận dụng làm một hệ thống đỗ xe với nhiều loại, nhiều kiểu dàn đỗ xe thông minh: hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật... thiết kế được nhiều tầng, như những công trình kiến trúc thẩm mỹ, cạnh tranh được với những nhà cao tầng ở hai bên bờ sông. Để kết nối, chỉ cần làm một số con đường từ bờ đê xuống và lắp những cây cầu nhẹ qua con lạch là đến khu phố xe.
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua 3.4, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết đã tiếp nhận giải pháp của ông Mai Trọng Tuấn. “Chủ trương của Hà Nội về lâu dài là cải thiện chất lượng nước các hồ, sông, xanh sạch đẹp, tạo cảnh quan. Hà Nội tận dụng không gian xanh từ nước hồ, sông nên việc xây dựng bãi đỗ xe trên sông không khả thi.
Trong quy hoạch mới nhất về giao thông tĩnh của TP, các chuyên gia, tư vấn thiết kế cũng không đề xuất việc tận dụng diện tích mặt sông làm chỗ đỗ xe”, ông Viện nói. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng, tại các kênh mương nhỏ TP cũng đã thực hiện cống hóa kênh mương như khu vực Thái Hà, Khương Thượng, tận dụng làm đường giao thông kết hợp đỗ xe. Tuy nhiên, việc tận dụng các con sông với diện tích bề mặt lớn không phù hợp với chủ trương, vì thế Sở sẽ không nghiên cứu theo hướng này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.