Không phát đơn đăng ký dự thi
Tại Hà Nội, hầu như năm nào cũng có học sinh, phụ huynh bức xúc phản ánh về tình trạng giáo viên chủ nhiệm "vận động" học sinh có học lực chưa tốt không nên đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập.
Thời điểm này, nếu như một số phụ huynh ở TP.HCM phản ánh con họ nhận được đơn tự nguyện không thi vào lớp 10 thì ở Hà Nội, một số phụ huynh ở H.Mê Linh bất ngờ cho biết con họ không được phát đơn đăng ký dự thi vào lớp 10.
Cụ thể, theo một số phụ huynh của lớp 9 Trường THCS Tiến Thịnh (H.Mê Linh), con họ nằm trong số học sinh không được phát tờ đơn đăng ký dự thi vào thời điểm Sở GD-ĐT quy định. Tuy nhiên, điều này cũng không hề được trao đổi, bàn bạc với phụ huynh và học sinh. Đến đầu tháng 5 gia đình mới nhận ra con mình không có tên trong danh sách đăng ký dự thi.
Khi các phụ huynh này đề nghị nhà trường cho con đăng ký dự thi thì nhà trường cho biết tất cả cổng đăng ký dự thi vào lớp 10 đã đóng.
Trường THCS Tiến Thịnh có khoảng 30 học sinh không thi vào lớp 10, trong đó lớp 9B nhiều nhất với 9 học sinh. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ nhiệm lớp 9B, Trường THCS Tiến Thịnh (H.Mê Linh, Hà Nội) phân trần với báo chí: kết quả học tập thấp, khả năng thi tuyển vào lớp 10 rất khó nên đã phân tích, định hướng cho các con đăng ký vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Sau phản ứng gay gắt của phụ huynh, bà Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Thịnh, cho biết sẽ làm tờ trình báo cáo Phòng GD-ĐT H.Mê Linh và cố gắng để các con "được toại nguyện". Còn Trưởng phòng GD-ĐT H.Mê Linh thì hứa "báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết".
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sở đang yêu cầu đơn vị có liên quan xác minh, làm rõ sự việc việc này và sẽ có chỉ đạo cụ thể.
Sở GD-ĐT TP.HCM nói về tuyển sinh lớp 10: Nên chọn trường gần nhà, phù hợp với năng lực
Trước đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các phòng GD-ĐT rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập năm học 2024 - 2025.
"Việc học tập và đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc", văn bản của Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo.
Không cho học sinh điểm kém ôn thi
Tại Nghệ An, một số phụ huynh ở Trường THCS Tiến Thiết và Nghi Quang (H.Nghi Lộc) phản ánh, con của họ không được đi ôn thi từ lớp 9 lên lớp 10. Lý do, nhà trường vừa tổ chức 2 đợt khảo sát thi môn toán, văn, ngoại ngữ. Những em nào đợt 1 tổng 3 môn 15 điểm, đợt 2 tổng 12 điểm mới được ôn thi lên lớp 10. Những em dưới mức điểm trên được hướng dẫn ôn thi vào trường tư hoặc dạy nghề.
Sau ồn ào, bức xúc của dư luận, Sở GD-ĐT Nghệ An đã gửi công văn đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, chỉ đạo phòng GD-ĐT thực hiện đúng chủ trương phân luồng, tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh. Học sinh từ lớp 9 đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đều có quyền được tham dự kỳ thi vào lớp 10.
Phòng GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn tất cả các trường THCS trực thuộc thực hiện việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9; hướng dẫn đầy đủ việc đăng ký thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT. Đồng thời, các trường hỗ trợ phụ huynh, học sinh trong việc đăng ký, làm hồ sơ, tuyệt đối không được ngăn cấm học sinh lớp 9 dự thi vào lớp 10.
Sở GD-ĐT Nghệ An yêu cầu: "Các phòng GD-ĐT kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các đơn vị trực thuộc, nếu phát hiện sai phạm phải có hình thức xử lý nghiêm. Sở sẽ kiểm tra các cơ sở, nếu có sai phạm sẽ báo cáo UBND tỉnh để có hình thức xử lý theo quy định".
Tăng nguyện vọng vào trường công để giảm tình trạng ép không thi
Tại Bắc Ninh, những năm trước, theo phản ánh của một số phụ huynh và cả học sinh, có tình trạng giáo viên dọa học sinh, nếu cố tình đăng ký dự thi vào THPT công lập, sẽ không xét tốt nghiệp THCS.
Chính vì có tình trạng ép học sinh không được dự thi vào lớp 10 công lập hoặc các giải pháp phân luồng chưa phù hợp, nên mặc dù là kỳ thi tuyển sinh mang tính loại trừ, có những năm, có những trường số thí sinh đăng ký dự thi thấp hơn chỉ tiêu tuyển; lại có những trường tập trung nhiều nhất những thí sinh khá, giỏi dự thi đầu vào.
Kết quả, cùng đề thi, nhưng điểm chuẩn của trường cao nhất và trường thấp nhất vênh nhau từ 15 đến 20 điểm, nhiều thí sinh điểm thấp vẫn đỗ và điểm rất cao vẫn trượt vào lớp 10 công lập.
Năm nay, để ngăn chặn tình trạng này, Sở GD-ĐT Bắc Ninh đề xuất và được UBND tỉnh chấp nhận phương án cho học sinh có thêm nguyện vọng 2 vào một trường THPT công lập không chuyên trên địa bàn.
Điểm mới nổi bật của kỳ tuyển sinh năm học 2024 - 2025 là thí sinh thi vào THPT công lập sẽ có 3 nguyện vọng. Việc tăng số nguyện vọng nhằm tạo điều kiện tốt cho các trường THPT công lập tuyển đúng, đủ chỉ tiêu được giao.
Lãnh đạo sở GD-ĐT tỉnh này yêu cầu, trong công tác phân luồng học sinh cuối cấp (lớp 9), các trường THCS cần tổ chức tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp giúp các em có sự lựa chọn phù hợp năng lực và sở trường. Tuyệt đối không được vận động, ép học sinh không được đăng ký dự thi tuyển sinh vào THPT công lập. Nếu phát hiện vi phạm thì trước hết người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Bình luận (0)