Đủ kiểu ma túy 'đội lốt'

11/12/2022 06:52 GMT+7

TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết đơn vị này từng tiếp nhận một số bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và thuốc lá điện tử, thuốc lào. Mới đây nhất, đã ghi nhận bệnh nhân ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô.

Với các trường hợp ngộ độc cần sa ghi nhận gần đây, lưu ý cần sa là một loại ma túy tự nhiên và cổ điển, việc xét nghiệm phát hiện dễ dàng. Tuy nhiên, hầu hết các ma túy khác hiện nay là các chất mới, do được thay đổi và tạo mới hằng ngày (thường được gọi dưới tên không chính xác là các chất cần sa tổng hợp).

Ma túy Socola bay Luxury rao bán phi pháp với giá 500.000 đồng/hộp

CTV

TS-BS Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, hiện có rất nhiều loại ma túy, không chỉ được bán và sử dụng kín đáo mà còn len lỏi phổ biến công khai vào đời sống hằng ngày, liên tục thu hút lôi kéo mở rộng số người sử dụng và nghiện. Các loại ma túy này bị đưa vào thuốc lá điện tử, một số đồ ăn thức uống và thường có ở tụ điểm giải trí. Việc quản lý mua bán hàng hóa online đang rất khó khăn, khiến cho các sản phẩm nguy hại này có thể dễ dàng phát tán.

Có thời điểm Trung tâm Chống độc tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử như kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận…

TS-BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo mọi người, đặc biệt là người trẻ, không nên sử dụng thuốc lá điện tử, do trong thuốc lá điện tử có rất nhiều thành phần tạo mùi, tạo khói, tạo hơi, khi đốt cháy có thể gây ung thư, tổn thương phổi.

Ngoài ra, các thành phần phụ gia khác trong thuốc lá điện tử cũng rất phức tạp, dễ thay đổi theo thời gian, theo thị hiếu và rất tùy tiện, khi đốt nóng cũng sinh ra các chất khác khiến các tình trạng nhiễm độc và bệnh tật khác nhau sẽ thay đổi rất phức tạp. Hiện nay có rất nhiều loại ma túy, không chỉ được bán và sử dụng kín đáo mà còn len lỏi phổ biến công khai vào đời sống hằng ngày, lôi kéo mở rộng số người tham gia sử dụng và nghiện.

Theo Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), gần đây tội phạm ma túy đã chế tạo những chất ma túy mới chưa có trong danh mục cấm, đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, dùng dụng cụ thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép. Các chất ma túy này khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người không may uống nhầm.

Bệnh viện Nhi T.Ư mới đây cũng tiếp nhận một bé trai 5 tuổi vào viện trong bệnh cảnh hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm. Bệnh nhi được xác định đã uống dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử. Qua xét nghiệm, xác định bệnh nhi dương tính ma túy tổng hợp mới ADB-Butinaca.

Theo cơ quan chức năng, chất ADB-Butinaca có tác dụng gây ảo giác tương tự các chất thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẫu thảo mộc, là chất ma túy tổng hợp thế hệ mới xuất hiện. Cần sa tổng hợp là nhóm lớn gồm hàng trăm hóa chất cụ thể, đều là các ma túy cực mạnh thế hệ mới, do các đối tượng phạm pháp hằng ngày liên tục biến đổi, tổng hợp ra các chất mới, nhanh chóng vượt xa khỏi danh mục cơ quan quản lý quy định. Đồng thời việc xét nghiệm phát hiện các chất này vô cùng khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.