Bạn đọc có muốn lang thang trong những con ngõ quanh co từ ngày nọ sang ngày kia, từ chợ này sang chợ khác, quầy hàng này sang quầy hàng khác, vẩn vơ trong bầu không khí trung cổ, giữa những phường hội, những nhóm đốc công và quản lý? Hãy quan sát Hà Nội.
Chỉ riêng những cái tên đường thôi cũng đủ giúp bạn đọc mường tượng ra diện mạo của nó, những bức tranh sống động mà nó đang chứa đựng. Những cái tên này xứng đáng với một chương trình, một danh mục trọn vẹn của bảo tàng, những cái tên mà ngài Đốc lý hiện nay muốn tôn trọng; còn những biển tên nhằm tưởng niệm các danh nhân chính trị hoặc quân sự sẽ dành lại cho những đại lộ của thành phố mới.
Tại đây, bạn đọc sẽ thấy phố Hàng Nón, Hàng Chiếu, Hàng Bồ, Hàng Da giống như ngày trước. Tiếng leng keng của đồng bạc và đồng kẽm cho bạn biết phố Hàng Bạc từ xa. Trong tiếng búa đe inh ỏi, chúng ta sẽ tự mình khám phá phố Hàng Đồng, dưới ánh nắng chói chang, những sạp nồi niêu và lư hương trên phố tóe ra những tia lửa.
Trên đường, đám đông chân trần qua lại không ngớt: những người kéo xe bò, người bán hàng rong. Xa xa, đung đưa những cái lọng dài mà người cầm đang chắn quanh một cái kiệu có rèm che, trên kiệu một ông quan nào đó đang ngồi thảnh thơi. Một sự chuyển động điên cuồng, tiếng gọi nhau í ới, tiếng cười, bụi bặm, quần áo rách rưới đủ màu, điều mà một họa sĩ màu nước ưa thích. […]
Chúng tôi vừa ra khỏi mê cung, bụi bặm, tiếng ồn, đám đông, lúc này chúng tôi ở giữa cánh đồng, gần chùa Grand-Bouddha uy nghiêm, vừa trùng tu xong, với những ánh vàng, những mảnh sành màu sắc dịu nhẹ, một lớp hoen gỉ vô song, dưới bóng râm của những cây đa trăm tuổi. Trước đền, Tây Hồ hay Hồ Lớn trải rộng đến tận chân trời làn nước màu xám bạc phẳng lặng như gương, trong hồ vươn cao những bông súng lá to và những bông sen trắng ngà.
Về phía bên phải, những chỗ mấp mô ở vườn thử nghiệm mới giúp thư giãn đôi mắt đã mỏi mệt trước quang cảnh bất tận của vùng đồng bằng. Trên đỉnh một ngọn đồi nhân tạo, một nhà phục chế đã dựng chòi và vòm tròn đơn sơ, từ đó người dạo chơi vừa nhâm nhi đồ uống lạnh vừa khám phá bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn: hai hồ nước, hai thành phố, dòng chảy xa xa của sông Hồng và ngay dưới chân, lũy thành cổ mà người ta đang đập bỏ hay đúng hơn là thu nhỏ khoảng 2/3. […]
Như đã nói, Hà Nội có nhiều đại lộ rộng rãi, một công viên quanh hồ nhỏ, nhiều vườn hoa, một vườn thử nghiệm mới quy hoạch nhưng đã rất xinh đẹp. Chưa kể thành phố kiểu Âu và thành phố An Nam được chiếu sáng bằng điện, bệnh viện mới nằm bên bờ sông, với ba tòa nhà lớn, 350 giường, bố trí đầy đủ các phòng ban, là công trình đẹp nhất thuộc loại này được xây dựng tại Viễn Đông cùng với nhà thương Sài Gòn, đó là tất cả những cải tiến tiện ích và tốn kém đã thực hiện ở thủ phủ xứ Bắc kỳ.
Hiện nay, người ta đang quan tâm đến việc cấp nước sạch cho thành phố. Nước sông Hồng đang được sử dụng rộng rãi, không quá tệ. Nhưng vào mùa khô, sông cạn và vì lười đi xa nên bồi phục vụ sẵn lòng múc nước từ cái ao gần nhất. Các dự án [cấp nước] đang tiến triển, chúng sẽ hoàn thành vào lúc những dòng này được xuất bản. Đó vẫn là nước sông, nhưng được lọc qua cát, làm sạch, hoặc tiệt trùng đúng cách. Chi phí ước tính khoảng 6 triệu phơ-răng, thanh toán trong hai mươi năm, mỗi năm 300.000 phơ-răng. Hẳn phải có lý do nào đó. Rõ ràng, đây là sự hy sinh cần thiết và người ta không thể làm gì khác. Chủ xí nghiệp đã ân cần mời tôi đến tham quan công trường. Dĩ nhiên là ông đã ca ngợi với tôi về những ưu điểm của hệ thống. Theo ông thì chỉ vài tuần nữa, dòng nước tinh khiết nhất sẽ tuôn chảy: có đủ nước sạch cho cả bàn ăn và đường phố. Tôi đã nếm thử thứ nước này. Để chứng minh cho những lời giải thích của mình, người hướng dẫn của tôi đã cho người bơm và mời tôi một cốc nước. Rất ngon!
Quả thực, thành phố rất quyến rũ và đậm chất Pháp. Xã hội ở đó rất cởi mở và nhã nhặn: phụ nữ ăn mặc tinh tế, dù rất đơn giản, một điều hiếm thấy ở thuộc địa. Tại các bữa tiệc, ở tổng hành dinh nơi mỗi tuần có một buổi khiêu vũ thân mật, hay ở Phủ Toàn quyền, cũng như tại các cuộc gặp thân mật hơn, hiếm khi hoặc hầu như không có những bộ cánh kiêu kỳ. Không có cái vẻ hào nhoáng của sòng bạc. Về mặt này, có thể nói Hà Nội là thành phố đậm chất Paris nhất trong số các thành phố hải ngoại của Pháp.
Nguyễn Quang Diệu trích từ Vòng quanh châu Á: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ dịch, AlphaBooks - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và NXB Dân Trí ấn hành tháng 7.2024.
Bình luận (0)