Nhìn lại thống kê tỷ trọng đóng góp của các ngành vào GDP nước ta trong năm 2024 sẽ thấy, du lịch phát triển có sức ảnh hưởng lớn thế nào đến tăng trưởng kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ, du lịch năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023, đóng góp cao nhất - tới 49,46% trong tăng trưởng chung của nền kinh tế. Sự phát triển của ngành du lịch tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Doanh thu của các ngành dịch vụ năm 2024 đã ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 4,9 triệu tỉ đồng, tăng 8,3% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 733.000 tỉ đồng, tăng 12,9%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 62.500 tỉ đồng, tăng 16%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 672.900 tỉ đồng, tăng 9%. Nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không, đường bộ, và đường thủy nhờ khách đông cũng tăng cao, kích thích các ngành vận tải và logistics phát triển.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, du lịch là lĩnh vực mang tính động lực rất quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay và tăng trưởng 2 con số kéo dài giai đoạn tới. VN đã qua rồi thời kỳ trông cậy vào những ngành truyền thống vì những ngành này đã bão hòa. "Chúng ta mới đón được 18 triệu lượt khách, chưa ăn thua. Các nước có ít tài nguyên và tiềm năng hơn mình mà họ còn được 40 - 50 triệu lượt khách thì tiềm năng của VN còn rất lớn. Trong bối cảnh đất nước mở cửa mạnh mẽ, khi tất cả mọi người rầm rộ lên đường đi khám phá cái mới và tận hưởng cuộc sống, thì việc VN lựa chọn du lịch làm ngành mũi nhọn để bùng nổ phát triển, để bứt phá là hoàn toàn đúng đắn", ông Thiên nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hà, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Lux Group, đánh giá trong kỷ nguyên mới, 3 ngành nghề có thể giúp kinh tế VN trỗi dậy mạnh mẽ, đó là du lịch, nông nghiệp và công nghệ thông tin. Chúng ta sở hữu rất nhiều tài nguyên để có thể tự tin đi tắt, đón đầu trong 3 mảng này, đồng thời có thể kết hợp 3 mảng với nhau, tạo thành đòn bẩy mạnh mẽ đưa đất nước vươn mình. Kỷ nguyên mới là kỷ nguyên của công nghệ số và kinh tế xanh. Du lịch vừa tự thân đã là ngành công nghiệp không khói, vừa là đối tượng thụ hưởng của chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển bền vững. Cùng với đó, tất cả các quốc gia trên thế giới đang trong xu hướng phát triển không còn cạnh tranh riêng rẽ mà tạo thành từng khối liên kết, cạnh tranh theo nhóm. Không phải ngẫu nhiên Thái Lan lại đang muốn thúc đẩy việc thiết lập một khu vực thị thực chung ở Đông Nam Á tương tự cơ chế thị thực Schengen mà Liên minh Châu Âu (EU) đã triển khai. Việc tạo thành một khối liên minh khu vực mang đến cho VN cơ hội vàng để du lịch vươn tầm.
Rộng hơn nữa, VN ngày càng mở rộng quan hệ đối tác kinh tế song phương, đa phương với các nước lớn, nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, mở ra những hợp đồng mua máy bay lớn chưa từng có. "Tất cả những yếu tố, những điều kiện khách quan trên đang tạo thời cơ lịch sử để du lịch VN trỗi dậy, trở thành quốc gia du lịch của châu Á. Chúng ta cần phải nắm bắt thật tốt thời cơ này", ông Phạm Hà nhấn mạnh.
Việt Nam có nhiều thế mạnh đột phá du lịch
Thực tế, mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được Bộ Chính trị xác định từ năm 2017, thông qua việc ban hành Nghị quyết 08. Từ đó đến nay, ngành du lịch VN đã ghi nhận những bước bứt phá mạnh mẽ. Từ "thiên đường giá rẻ" sở hữu thiên nhiên tươi đẹp, VN đã ghi danh vào bản đồ du lịch hạng sang trên thế giới. Nhiều năm gần đây, báo chí nước ngoài liên tục dành những lời tôn vinh ngành du lịch VN trên mọi phương diện. Số lượng các giải thưởng tại WTA (giải thưởng du lịch thế giới) của VN cũng luôn cao. Trong nước, nhiều địa phương cũng đã lột xác trở thành thủ phủ du lịch mới. Tuy nhiên, với tiềm năng và "nhiệm vụ" trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch VN vẫn chưa phát triển xứng tầm trên cả 3 tiêu chí: lượng khách, thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách.
PGS-TS Trần Đình Thiên lý giải: Đầu tiên, xuất phát điểm chung của ngành du lịch không cao, chỉ một số địa phương thật sự vượt lên nổi trội. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08, ngành du lịch đã có đà rất tốt để bừng dậy. Nhiều địa phương đã chuẩn bị cơ sở rất tốt để đột phá như Phú Quốc, Vân Đồn, Đà Nẵng, Nha Trang…; nhưng ngay sau đó lại chịu sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19. Đó là cú sốc cực lớn gây đứt chuỗi, mất đà. Trong khi đó, tầm phát triển của du lịch nước ta chưa đạt được đến quỹ đạo để vượt sang đẳng cấp mới. Du lịch VN từ trước đến nay cơ bản chỉ giải quyết về mặt số lượng, tập trung kéo thật nhiều khách đến, phát triển tạo hình ảnh quy mô rộng nhiều hơn chú trọng tới chất lượng và đẳng cấp. Vì thế mức độ lan tỏa và ngấm sâu vào nền kinh tế từ du lịch chưa đạt như kỳ vọng. Mặt khác, về chủ trương chưa có một chiến lược quốc gia đầy đủ thể hiện cách tiếp cận theo hướng vượt tầm, thúc đẩy du lịch khác biệt, đẳng cấp cao. Quy hoạch Du lịch quốc gia mới vừa thông qua năm ngoái, chưa đủ thời gian để đi vào thực tế.
Du lịch Việt Nam sở hữu tiềm năng rất lớn để bứt phá 2
"Nền kinh tế đã xác định vươn tầm lên đẳng cấp khác, thể hiện rõ từ phát biểu của những người đứng đầu đất nước đi tới quy hoạch phát triển quốc gia, quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch của từng địa phương và từng bộ, ngành… Trong vận hội mới như thế, du lịch cũng phải bước vào tâm chơi mới bứt phá, vượt lên một đẳng cấp khác, định hình được tuyến phát triển du lịch bài bản, tổng thể như một thành tố quan trọng trong toàn bộ quá trình hội nhập này", ông Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
Với cách tiếp cận như vậy, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng đầu tiên phải thiết kế lại quy hoạch phát triển du lịch trên định hướng đẳng cấp, khác biệt một cách rõ hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn. VN đã đi sau các nước, không thể làm du lịch kiểu dễ dãi, chỉ chờ ăn sẵn, chiều lòng số đông đại trà mà phải đẩy thật nhanh về mặt chất lượng, thay đổi đẳng cấp. Các cách tiếp cận và mô hình "lột xác" du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh hay tới đây là Vân Phong (Khánh Hòa)… cần được nhân rộng trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan đến hạ tầng cần tiếp tục được cải thiện. Thời gian qua, hệ thống đường sá, bến cảng, sân bay, hạ tầng đô thị tại các địa phương đang từng bước được cải thiện khá mạnh, nhưng cấu trúc hạ tầng còn rất xa mới có thể đáp ứng yêu cầu của một nền du lịch đẳng cấp, chất lượng cao. Đặc biệt là hạ tầng đô thị, nhất là tại các đô thị du lịch biển, du lịch núi. Cần phải tiếp tục vươn lên, đạt chất lượng cao hơn, gắn với hệ sinh thái xanh, đô thị mới thông minh. Quan trọng nhất, tư duy xây dựng hạ tầng phải thay đổi. Đơn cử như xây dựng sân bay, không thể giữ quan điểm cứ làm cảng hàng không là phải thật to, thật lớn, quy mô chỉ vài doanh nghiệp (DN) nhà nước mới làm được. Đối tượng du lịch, nhu cầu du lịch thay đổi đòi hỏi các hình thái mới như taxi bay, cần sân bay chuyên dùng. Hướng tới dịch vụ chất lượng cao, hiện đại thì quan niệm về hạ tầng du lịch cũng phải đổi mới.
Khách quốc tế trải nghiệm dịch vụ ngắm vịnh Hạ Long trên du thuyền
Yếu tố tiếp theo là nhân lực. Du lịch đẳng cấp đòi hỏi có hệ thống nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, đẳng cấp cao. Nhân lực ở đây không chỉ là con người mà còn cần chú ý tới lực lượng thay thế con người như sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, công nghệ giúp con người giải quyết các vấn đề về dịch vụ.
Một nội dung mà PGS-TS Trần Đình Thiên đặc biệt đề xuất, đó là sự quan tâm của nhà nước đối với các DN làm du lịch. Theo ông, không chỉ những DN trực tiếp mà các DN liên quan đến phát triển du lịch như hàng không, chế biến hàng tiêu dùng, cung cấp các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu của du lịch… đều chưa được quan tâm đúng mực. Lực lượng này hiện đang rất vất vả, "sức khỏe" trồi sụt không ổn định, rất dễ tổn thương và gặp nhiều rủi ro. Trong đó, có những DN lớn đang làm bất động sản du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn, cần nhanh chóng tìm cách tháo gỡ. Hỗ trợ lực lượng này không chỉ "cứu" người làm du lịch mà còn "cứu" các trung tâm, các đô thị du lịch lớn. Hàng loạt khu đô thị trải khắp Phú Quốc, Bình Thuận, Khánh Hòa, Vân Đồn, Vũng Tàu… nếu không nhanh chóng được gỡ khó có thể dẫn đến tình trạng chia sẻ nguồn lực ra nước ngoài, để những phần đáng lẽ người Việt có thể làm tốt, phát huy tốt lại phải đẩy cho người ngoài.
Yếu tố cuối cùng cần cải thiện mà ông Thiên cho là nền tảng quan trọng nhất, đó là truyền thông, kỷ luật và giáo dục xã hội tạo thành văn hóa ứng xử hàng ngày đáp nhu cầu phát triển du lịch đẳng cấp cao. Một dân tộc trung thực, đàng hoàng, con người ứng xử thân thiện, vui vẻ thì mới có thể trở thành một điểm đến tin cậy. Xuyên qua nền tảng văn hóa là một hệ thống thể chế phục vụ người dân. Chỉ có như vậy người dân mới có được văn hóa để phục vụ du lịch.
"Nếu tổng thể các vấn đề trên được giải quyết bài bản, có hệ thống thì ngành du lịch chắc chắn bứt phá. Nếu cứ vụn vặn, đứt đoạn, làm đâu nghẽn đó, nghẽn đâu gỡ đó thì hiệu quả sẽ rất thấp. Muốn vậy thì phải cần sự chung tay của toàn bộ nền kinh tế trên một định hướng chung, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều ngành nghề lĩnh vực. Chỉ một Bộ VH-TT-DL hay chỉ DN ngành du lịch làm thôi thì không thể được. Du lịch VN đang có đà, có thế, phải chung tay dồn lực đẩy đà, đẩy thế đó lên để bùng nổ, tạo đột phá đưa kinh tế VN bứt tốc tăng trưởng cao và bền vững", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Ủng hộ mục tiêu VN cần định vị lại thương hiệu theo hướng đẳng cấp, thiên về chất thay vì chỉ chú trọng lượng, ông Phạm Hà nhận định muốn một điểm đến có "chất" thì phải có 5 yếu tố: sản phẩm du lịch chất lượng; nguồn nhân lực chất lượng cao; những chính sách để thu hút dòng khách hàng có khả năng chi trả; một chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch đúng - trúng; và có một nền tảng công nghệ số thật tốt để thu thập được dữ liệu chuẩn xác từ khách hàng, từ đó xây dựng chính sách hiệu quả, đúng mục tiêu.
Phân tích cụ thể về sản phẩm, theo ông Phạm Hà, một điểm đến hấp dẫn, có thể kéo khách quay trở lại thì ngoài hạ tầng, cần có những sản phẩm luôn mới để tạo ra những trải nghiệm mới. Suốt nhiều năm qua, VN phụ thuộc rất lớn vào nguồn khách gần, hệ thống sản phẩm du lịch của VN chủ yếu dành cho khách đại trà. Trong nhóm khách châu Á cũng có những đối tượng "khách sộp" chi mạnh tay, song tỷ lệ không nhiều.
Hiện nay, du lịch đang hướng tới khách từ thị trường xa - châu Âu, Mỹ, Trung Đông - là những đối tượng khách ở lâu, chi trả cao. "Khách nhà giàu" sẵn sàng dành nhiều thời gian và tiền bạc để nuôi dưỡng tâm hồn và cảm xúc qua những trải nghiệm nên họ cũng đòi hỏi những điều kiện dịch vụ đặc biệt, đặt kỳ vọng cao hơn, mong muốn nhiều hơn vào điểm đến. Đó là thứ du lịch VN còn thiếu.
Việt Nam đang trở thành điểm đến được cái đại gia trên thế giới ưa chuộng
"Chúng ta có tài nguyên đẹp, có những kỳ quan thiên nhiên thế giới như vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng, những khu rừng nguyên sinh, có những dòng sông, những cung đường xe lửa khiến khách châu Âu, Úc, New Zealand, Mỹ, Trung Đông… mê mẩn. Chúng ta có một nền văn hóa đa dạng, ấn tượng, một nền ẩm thực tuyệt vời có thể "hạ gục" bất cứ vị khách khó tính nào. Song sản phẩm nào cũng giống nhau và mang tính đại trà, không có gì vượt trội", Chủ tịch Lux Group chỉ rõ.
Để phát triển những loại hình du lịch cao cấp, ông Phạm Hà xác định quan trọng nhất là chính sách. Đơn cử, chúng ta nói kéo khách tới tiêu tiền nhưng họ sẽ mua gì khi không có điểm mua sắm, vui chơi nào đẳng cấp? Chúng ta nói có sân golf cho khách tới đánh golf nhưng có được bao nhiêu sân golf đẳng cấp, có nguồn nhân lực và hệ thống dịch vụ cao cấp để phục vụ họ?...
Du lịch hướng tới trải nghiệm đẳng cấp cao
"Nói vậy để thấy giữa chủ trương và thực thi còn khoảng cách rất xa. Nếu thật sự coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực phát triển thì mọi chính sách, mọi cơ chế, những sự đầu tư và hoạt động liên quan đều phải hướng tới mục tiêu để du lịch phát triển thuận lợi nhất. Đó là cách mà Thái Lan đã làm để trở thành "anh cả". Xây một con đường cũng phải tính cho du lịch; một sản phẩm được cấp phép hay không, cũng phải vì du lịch. Làm thế nào thì làm, miễn để du lịch có thể phát triển tốt nhất. Tất cả cho du lịch, chỉ như vậy du lịch mới thật sự có thể trở thành 1 trong 4 trụ cột phát triển của kinh tế", ông Phạm Hà nêu quan điểm.
Bình luận (0)