Thực sự phải nói là bất ngờ, quá bất ngờ, bởi du lịch VN tuột dốc mấy năm liền. Tăng trưởng giảm dần đều từ 19,1% (2011) xuống còn 13,9% (2012), 10,6% (2013), 4% (2014) và 0,9% (2015). Đùng một cái, ngoạn mục nhảy vọt lên 26% năm 2016. Chắc chắn đây là mức tăng trưởng cao nhất trong năm của du lịch ASEAN.
Không mừng sao được. Trong bối cảnh Chính phủ và nhiều địa phương đang mong muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch đang đứng trước nhiều vận hội mới. Từ cuối năm 2016, Hội thảo quốc gia về phát triển du lịch do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đã kích hoạt các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư và hỗ trợ du lịch. 2017 cũng là năm APEC VN với sự góp mặt của 21 nguyên thủ quốc gia, hơn 1.000 doanh nghiệp hàng đầu các nước và khoảng 6.000 phóng viên quốc tế với trên 100 hội nghị, trong đó có 20 hội nghị cấp bộ trưởng…
Con số 26% của năm 2016 chưa phải là mức tăng trưởng cao nhất của du lịch VN, bởi con số này năm 2010 là 34,8%. Quan trọng là làm thế nào để tiếp tục duy trì tăng trưởng như năm 2016, chứ không phải là đỉnh điểm, để rồi chậm dần như từ 2010 - 2015. Cần nói thêm năm 2015, du lịch Nhật Bản tăng tới 57%, cao nhất châu Á và cả thế giới. Đó là sự tăng trưởng bền vững, có kế hoạch chứ không bất ngờ như VN. Từ 2011 đến 2015, du lịch Nhật Bản tăng trên 300%.
Tuy nhiên, đi vào con số cụ thể, năm 2016, với tỷ lệ tăng trưởng đó, du lịch VN thêm được 2,1 triệu khách quốc tế so với 2015. Cùng lượng khách tăng thêm này; Thái Lan và Malaysia chỉ cần tăng trưởng 7%, Singapore 12% là có ngay lượng khách như VN. Nếu xét theo hiệu quả, tính theo đầu dân số, thì dù có tăng trưởng ngoạn mục như năm 2016, du lịch VN vẫn thua xa nhiều nước. Năm 2016, Singapore có hơn 5 triệu dân thì đón được gần 20 triệu khách quốc tế. Malaysia hơn 30 triệu dân đón trên 31 triệu. Lào 7 triệu dân đón 3,8 triệu. Thái Lan 70 triệu đón trên 32 triệu. Campuchia 15 triệu đón 5 triệu. VN 93 triệu đón 10 triệu.
Chi tiết hơn thì tăng trưởng du lịch VN dù ngoạn mục nhưng vẫn dựa vào khách Trung Quốc là chủ yếu, chiếm gần 30% tổng lượng khách quốc tế vào VN (gần 3 triệu, hơn nửa là khách đi đường bộ qua 6 tỉnh biên giới). Các thị trường ổn định và cao cấp như Mỹ và châu Âu tăng không đáng kể, có nước còn sụt giảm.
Tăng trưởng là mừng. Tăng trưởng nhanh càng mừng, nhưng số lượng phải đi với chất lượng mới bền vững. Bài học nhãn tiền tương tự về xuất khẩu gạo giữa VN và Campuchia vẫn còn nóng hổi. Trong khi Campuchia tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao qua Mỹ và châu Âu, giá bán vượt 65% giá bình quân của thị trường, thì VN vẫn đang chạy theo chỉ tiêu số lượng xuất khẩu với giá bán thấp. Du lịch cũng vậy. Làm sao duy trì được mức tăng trưởng, số lượng khách đến song song với việc nâng cao chất lượng, cải thiện hình ảnh du lịch VN với thế giới. Nhiều vấn nạn cản trở du lịch VN vẫn nhức nhối mỗi ngày, làm cản trở tốc độ tăng trưởng của du lịch VN.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều bộ ngành của đất nước. Giống như đội bóng đá. Phải có huấn luyện viên quyết đoán và các trợ thủ giỏi; có chiến lược, chiến thuật rõ ràng và phù hợp cho từng đối thủ và từng trận đấu. Tất cả phải ổn định tâm lý, có đủ thể lực, đồng tâm, hiệp lực và chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Không thể đá bóng kiểu “tự phát rê dắt” (mạnh ai nấy làm), “công làm thủ phá”
(các bộ làm khó du lịch)... Dư luận xã hội và truyền thông cần khen, chê đúng mực; góp ý và hiến kế cụ thể để người nghe “tâm phục, khẩu phục” và quyết chí cùng nhau thay đổi. Ngành du lịch phải tiên phong đổi mới tư duy quản lý và tinh thần, thái độ phục vụ, kích hoạt và lan tỏa đến các ngành khác, tới từng người dân.
Năm mới, xin cứ vui mừng nhưng phải cố gắng gấp đôi, gấp ba để duy trì mức độ tăng trưởng bền vững.
Bình luận (0)