ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch tâm linh, biển đảo… Song trong nhiều năm qua, ngành du lịch đồng bằng chưa có nhiều đột phá khi thiếu nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng chưa xứng tầm, đặc biệt là phí vận chuyển cao khiến nhiều người e ngại khi đi du lịch đến vùng đất này.
Thiếu nguồn nhân lực
Một vị giám đốc từng điều hành khách sạn lớn tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) than rằng quản lý trong khách sạn của chị mới học tới lớp 12, vì khó kiếm người được đào tạo qua trường lớp, có bằng cấp để ra đảo công tác. Còn ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc Khu du lịch Vinh Sang (Vĩnh Long), cho biết trong số 70 lao động đang làm việc tại đây, hầu hết chỉ có bằng trung cấp; số lao động có bằng đại học chuyên về du lịch chiếm thiểu số. “Tuy nhiên, khi nhận họ vào, chúng tôi phải đào tạo lại”, ông Vinh nói.
|
Qua thống kê của Sở VH-TT-DL các tỉnh thành ĐBSCL, năm 2000 lực lượng lao động trực tiếp trong ngành du lịch là gần 6.000 người, đến cuối năm 2012 là hơn 23.500 người. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đến năm 2015 toàn vùng ĐBSCL cần đến hơn 128.000 người và đến năm 2020 cần tới gần 208.000 người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động du lịch.
TS Hồ Việt Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “An Giang có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh. Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển du lịch của địa phương chưa có, các loại hình du lịch còn yếu… Nguyên nhân sâu xa là do thiếu nhân lực”. Ông Phạm Văn Hưởng, quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, nhìn nhận: “Nguồn nhân lực cho ngành du lịch hiện nay là một vấn đề bức xúc ở ĐBSCL. Vĩnh Long không có trường đào tạo về ngành du lịch nên các cán bộ, nhân viên khi được tuyển dụng vào sở phải đưa đi bồi dưỡng thêm”.
Tuy nhiên, trong một buổi hội thảo về nguồn nhân lực du lịch mới được tổ chức ở An Giang, TS Nguyễn Văn Lưu, Phó vụ trưởng vụ Đào tạo Bộ VH-TT-DL, lưu ý rằng muốn đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải cần có sự cộng tác của doanh nghiệp. Bởi nếu đào tạo ra mà họ không nhận thì sẽ dư thừa lao động, dẫn đến thất nghiệp.
|
“Ngại” tiền vé máy bay
Theo ông Benoit Perdu, Phó giám đốc Nhà hàng Sao Hôm (TP.Cần Thơ), khách du lịch nước ngoài thường tới từ xa, bay lâu và chi nhiều tiền, bình thường từ 800 - 1.500 USD để đến Việt Nam. Trong cuộc đời, đa số hành khách sẽ chỉ tới một lần, cho nên khi đến Việt Nam, họ sẽ đi qua miền Trung thăm Huế, Hội An. “ĐBSCL chủ yếu chỉ là một điểm đến phụ, tùy khách chọn hay không, chứ không phải nằm vào chương trình chính trên brochure quảng bá của các công ty lữ hành quốc tế. Trong số khách mua tour chính, nhiều người sẽ không chọn đi tiếp tới ĐBSCL vì phải mất 1 ngày trên đường bộ và chi phí đi lại cao”, ông Benoit Perdu phân tích.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty DV-DL Vòng Tròn Việt (Vietcircle), kiến nghị: “Vào mùa hè, khách du lịch tại miền Bắc đến ĐBSCL rất nhiều vì đây là điểm đến mới mẻ, nhưng xa và tiền vé máy bay cao. Để thu hút khách đi du lịch trong thời buổi khó khăn thì hãng hàng không nên giảm giá từ 30 - 50%, khách sạn giảm từ 20 - 40%, vận chuyển trên mặt đất, trên sông giảm từ 10 - 20%, lữ hành giảm lãi 5 - 10%”. Trước yêu cầu này, ông Nguyễn Phúc Điền, Trưởng chi nhánh Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) tại Cần Thơ, khẳng định: “VNA sẵn sàng hợp tác với các đơn vị lữ hành. Chúng tôi cam kết sẽ có mức giá giảm từ 38 - 58% tiền vé máy bay từ Hà Nội đến ĐBSCL từ đây đến cuối năm 2013. Nhưng với điều kiện đơn vị tổ chức cũng phải giảm giá tour 30%, các công ty du lịch được áp dụng chương trình này do VNA chỉ định”.
Kiến nghị mở đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ Theo thống kê, trong tổng số hành khách đi tour của các công ty điều phối điểm tham quan cho khách nước ngoài, mỗi năm có khoảng 200.000 khách muốn bay từ Đà Nẵng - Cần Thơ và ngược lại. “Vì vậy, việc mở đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ là rất khả thi. Nếu bay giữa miền Trung và ĐBSCL thì sẽ tác động hiệu quả đến nhiều công ty. Đây là hình thức có thể khuyến khích thêm nhiều khách du lịch tới ĐBSCL”, ông Benoit Perdu nhấn mạnh. |
Thanh Nhàn
>> Khảo sát tuyến, điểm du lịch đồng bằng sông Cửu Long
>> Báo động ô nhiễm ở Khu du lịch hồ Tuyền Lâm
>> TP.HCM chính thức khai thác loại hình du lịch đường sông
>> Quảng bá du lịch: Thiếu tiền, thiếu bài bản
>> Quảng bá du lịch di sản bền vững
Bình luận (0)