Du lịch nếu chỉ trông chờ đón 8 triệu khách thì khó đột phá

10/03/2023 15:03 GMT+7

Vừa vận hành công ty lữ hành lớn hàng đầu Việt Nam, vừa "ôm" cả hãng hàng không non trẻ ra đời đúng lúc Covid-19 bùng phát, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ lo ngại: 'Du lịch và hàng không là 2 cánh của máy bay. Du lịch không phục hồi thì hàng không cũng không vực dậy được".

Dẫn câu chuyện Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong 2023, so với mục tiêu đón 20 triệu khách và vừa điều chỉnh lên 30 triệu khách của Thái Lan, ông Nguyễn Quốc Kỳ đặt vấn đề: "Mục tiêu như vậy có quá tụt hậu? Chúng ta đã đánh giá hết thị trường khách chưa? Đã rà soát lại cơ hội, tiềm năng hay chưa? Tổ chức Du lịch thế giới dự báo 2023, tốc độ hồi phục du lịch sẽ đạt 8,5% dù tốc độ phục hồi chung của nền kinh tế chỉ đạt 2,5%. Phải chăng, chúng ta đang tự hạn chế mình. Nếu chúng ta đặt chỉ tiêu 'là là' như vậy thì du lịch sẽ khó cất cánh".

Du lịch nếu chỉ trông đón 8 triệu khách thì khó đột phá - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ phát biểu tại hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do Báo Thanh Niên tổ chức hôm nay 10.3

ĐỘC LẬP

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, cách tiếp cận ngay từ đầu rất quan trọng vì nếu chỉ trông chờ đón 8 triệu khách thì những chính sách cũng sẽ chỉ mang tính tình thế, không đột phá để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa.

Mặt khác, các yếu tố hấp dẫn du khách đến, Việt Nam đều đang rất hạn chế. Cụ thể, chúng ta chưa có sản phẩm nổi trội, độc đáo. Trong bối cảnh các điểm đến ngày càng "đua nhau" bứt phá, nếu không có sản phẩm tốt thì du lịch Việt Nam sẽ "chìm nghỉm", không có "ngọn cờ" để truyền thông. Ngoài ra, công tác quảng bá, truyền thông chưa được chú trọng. Hiện nay, gần như chỉ có doanh nghiệp hàng không, lữ hành tự bỏ tiền tổ chức quảng bá, tiếp cận và khởi động thị trường. Như vậy rất khó hiệu quả.

"Nút thắt lớn nhất của ngành du lịch hiện nay là chính sách visa. Tưởng tượng khách đi qua 2 cửa hàng, 1 "ông" mở toang, còn 1 "ông" hé hé, không biết nếu vào mua có bị đuổi hay không thì chắc chắn người ta chọn bên mở toang rồi. Nói vậy để thấy visa là yếu tố đầu tiên để hút khách quốc tế đến" - ông Kỳ khẳng định.

Du lịch nếu chỉ trông đón 8 triệu khách thì khó đột phá - Ảnh 2.

Báo Thanh Niên tổ chức Hội thảo "Mở visa để phục hồi du lịch"

ĐỘC LẬP

Dẫn câu chuyện Nga là nước yêu cầu xét duyệt visa rất khó khăn nhưng khi tổ chức World Cup, họ sẵn sàng chấp nhận "phiên ngang" tấm vé coi bóng đá với thị thực, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh các nước sử dụng visa linh hoạt theo từng chủ đề, chủ điểm, từng thời điểm với mục tiêu phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh du lịch, hình ảnh quốc gia, không cứng nhắc theo nguyên tắc có đi có lại.

Trong khi đó, Việt Nam dù quyết tâm mở cửa du lịch rất sớm nhưng từ 15.3.2022 đến nay vẫn "kiên trì" chính sách visa khắt khe, số lượng quốc gia được miễn visa quá ít, số ngày lưu trú quy định vỏn vẹn 15 ngày. 

"Chúng ta vẫn đang coi khách du lịch là đối tượng quản lý, không phải đối tượng khai thác. Là đối tượng quản lý thì quản chặt, không có chính sách để khai thác triệt để nguồn lợi mà họ mang lại. Quốc hội đang gợi mở thông qua chính sách nâng thời gian lưu trú cho khách lên 30 ngày nhưng tại sao chúng ta không nâng hẳn lên 90 ngày? Indonesia thậm chí đã cho phép người ngoại quốc tới lưu trú tới 2 năm, đa phần là 90 - 180 ngày. Phải chăng chúng ta đang quá "thủ" theo mục tiêu chỉ cần đón 5 triệu, 8 triệu khách là đủ?" - ông Kỳ nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần nhanh chóng sửa Luật, ban hành các chính sách đột phá, cở mở về visa. Đơn cử, quy định duyệt visa cho khách ở 15 ngày đầu tiên, 15 ngày sau đó sẽ tự động gia hạn visa; chấp nhận các kiểu visa Quan Hồng như ở Đài Loan hoặc visa đoàn như Nhật Bản; thí điểm miễn visa tới 6 tháng cho một số thị trường trọng điểm...



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.