Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa: Tiềm năng và định hướng phát triển

19/08/2015 08:00 GMT+7

Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Nha Trang - Khánh Hòa là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch.

Thành phố và vịnh Nha Trang - Ảnh: T.LThành phố và vịnh Nha Trang - Ảnh: T.L
Tài nguyên du lịch đa dạng
Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, diện tích 5.197 km2 (kể cả các đảo, quần đảo), dân số khoảng 1,2 triệu người. Thành phố Nha Trang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh; đồng thời là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển trong nước và quốc tế.
So với các tỉnh khu vực miền Trung - Tây nguyên, Khánh Hòa có tài nguyên du lịch thiên nhiên đa dạng. Về tài nguyên du lịch biển đảo, Khánh Hòa có bờ biển dài 385 km với gần 200 đảo ven bờ và trên 100 đảo, bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Dải ven biển có 4 vịnh lớn là Vân Phong, Nha Phu, Nha Trang và Cam Ranh; trong đó vịnh Nha Trang được công nhận là thành viên Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới. Ven biển Khánh Hòa có nhiều bãi tắm đẹp, cát trắng, nước biển trong xanh, không có các loài cá dữ và dòng nước xoáy ngầm. Ngoài ra, Khánh Hòa còn có nhiều tài nguyên du lịch thuộc sông, hồ, suối nước nóng, nước khoáng (ở thị xã Ninh Hòa, TP.Nha Trang, H.Diên Khánh, TP.Cam Ranh) và rừng đặc dụng (Khu bảo tồn biển Hòn Mun)…
Khánh Hòa cũng là vùng đất có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn khá phong phú, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia: Tháp Bà Ponagar, Di tích lưu niệm nhà bác học A.Yersin, vịnh Nha Trang, Hòn Chồng… Bên cạnh các điểm tham quan nổi tiếng như Viện Hải dương học, chùa Long Sơn, Bảo tàng A.Yersin…, Khánh Hòa còn có nhiều lễ hội đặc sắc: lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội cầu ngư, lễ hội yến sào, Festival biển…
Hướng phát triển
Về hệ thống du lịch giai đoạn 2015 - 2030, Khánh Hòa sẽ có khu du lịch quốc gia Bắc Cam Ranh (du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh, vui chơi giải trí, thể thao khám phá biển, đảo), điểm du lịch quốc gia Trường Sa (du lịch biển đảo), đô thị du lịch Nha Trang (du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí cao cấp, MICE).
Hệ thống khu, điểm du lịch địa phương gồm: khu du lịch đầm Nha Phu - Hòn Lao - Hòn Thị (du lịch biển, đảo), khu du lịch Dốc Lết (du lịch biển, đảo), khu du lịch sinh thái Suối Hoa Lan (du lịch sinh thái, biển), khu du lịch sinh thái Ba Hồ (du lịch sinh thái)… Thành phố Nha Trang được định hướng phát triển thành trung tâm du lịch phụ trợ của toàn vùng duyên hải Nam Trung bộ.
Về sản phẩm du lịch, Khánh Hòa ưu tiên phát triển du lịch biển, đảo tổng hợp gắn liền với du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo cao cấp, thể thao biển, khám phá cảnh quan, tham quan vịnh, đảo; gắn với du lịch đô thị và du lịch MICE. Để hỗ trợ các sản phẩm du lịch chính, Khánh Hòa sẽ nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch bổ trợ như: sinh thái biển, đảo; tàu biển; tham quan di tích văn hóa - lịch sử; văn hóa ẩm thực; chữa bệnh, làm đẹp; lễ hội tâm linh…
Theo dự báo, từ năm 2015 - 2030, tổng số lượt khách quốc tế đến Khánh Hòa tăng từ 1 - 1,2 triệu; ngày lưu trú trung bình tăng từ 2,4 - 3,0; tổng số ngày khách tăng từ 2,4 - 6,3 triệu. Số lượt khách nội địa tăng từ 2,4 - 5 triệu; ngày lưu trú trung bình tăng từ 1,2 - 1,8; tổng số ngày khách tăng từ 2,9 - 9 triệu. Nhu cầu về buồng khách sạn đối với khách quốc tế tăng từ 6.000 - 10.600, đối với khách nội địa tăng từ 7.000 - 13.100. Nhu cầu về lao động trực tiếp trong ngành du lịch tăng từ 18.200 - 37.900; lao động gián tiếp ngoài xã hội phục vụ hoạt động du lịch tăng từ 36.400 - 75.800. Ước tính tổng thu từ khách quốc tế tăng từ 286 - 972 triệu USD, thu từ khách nội địa tăng từ 112,0 - 509,6 triệu USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.