Đồng loạt "hủy kèo" vì không kham nổi vé máy bay
"Vé máy bay đắt kinh hoàng nên nhà em sẽ ra Bắc chơi cùng anh chị và bố mẹ. Nhà mình lễ này thôi không đi đâu nhé!", chị Thúy An (ngụ Q.4, TP.HCM) vừa gọi điện thông báo với gia đình về kế hoạch chơi lễ dịp 30.4 - 1.5 sắp tới.
Mọi năm, đại gia đình gần 20 người nhà chị An thường rủ nhau đi chơi vào mùa hè, khi trẻ con được nghỉ học. Năm nay, nhìn lịch nghỉ lễ 30.4 - 1.5 kéo dài cả tuần nên mọi người bàn nhau đi chơi. Thế nhưng, mọi kế hoạch phải thay đổi khi chị An lên dò vé máy bay và choáng váng vì giá cao ngất ngưởng. Vé máy bay chặng Hà Nội - Nha Trang đi 28.4, về 2.5 thấp nhất của Hãng Vietjet gần 6 triệu đồng/người/vé khứ hồi. Mức giá này đã tăng hơn 1 triệu đồng so với thời điểm chị An khảo sát cách đây nửa tháng. Cùng ngày, nếu chọn chuyến bay cùng giờ với đoàn Hà Nội thì nhà chị từ TP.HCM bay ra Nha Trang cũng tốn thêm khoảng 4 triệu đồng/người/vé khứ hồi. Tính ra, riêng tiền vé máy bay cho cả gia đình hội ngộ tại Nha Trang mất hơn 80 triệu đồng.
"Chưa kể tiền khách sạn, ăn uống. Trước đây, số tiền này đủ mua vé máy bay và khách sạn cho cả đoàn. Năm nay kinh tế khó khăn, bỏ hơn trăm triệu ra để đi chơi vài ngày, nghĩ cũng tiếc nên thôi. Cả nhà trong này bay ra Bắc chơi 1 tuần, cũng hết gần 25 triệu tiền vé máy bay rồi. Mà không phải chỉ lễ mới đắt đỏ như vậy, giờ bay bất cứ giai đoạn nào cũng khó mà tìm được vé TP.HCM - Hà Nội tầm 1,4 - 1,6 triệu đồng/chiều như trước", chị Thúy An than.
Chuyển động kinh tế ngày 4.4: Du khách đến Việt Nam tăng 30 lần | Ngân hàng Mỹ ‘bốc hơi’ 100 tỉ USD
Cùng cảnh ngộ, anh Trần Trí (ngụ Q.7, TP.HCM) cũng vừa hủy kế hoạch đưa cả gia đình nội ngoại đôi bên đi chơi Phú Quốc dịp lễ vì giá vé máy bay quá cao.
"Năm nay nghỉ lễ dài ngày, tính đưa ông bà nội ngoại đi chơi nhưng vé Phú Quốc đắt quá. Trung bình hơn 4 triệu đồng/người, cả nhà đi riêng tiền vé đã hết cả 50 triệu đồng. Rồi muốn không bị chen chúc, đông đúc thì phải ở những khu resort cao cấp. Cùng tiền đó, đi Thái Lan hay sang Singapore còn thích hơn", anh Trí chia sẻ.
Không hủy kèo đi chơi như nhà anh Trí hay chị An, nhưng chị Quỳnh Nga (ngụ Q.1, TP.HCM) cũng không "kham" nổi tiền vé máy bay nên đã phải chuyển hướng sang đi tàu hỏa. Hứa đưa con trai ra Nha Trang chơi mấy ngày lễ, chị Nga "choáng" khi cứ đinh ninh vé máy bay cao lắm cũng chỉ khoảng gần 2 triệu đồng/người.
Tới khi lên tìm vé đặt thì thấp nhất cũng gần 4 triệu đồng/người/vé khứ hồi. Hai mẹ con đi mất khoảng 7,5 triệu đồng tiền vé, gấp đôi vé tàu hỏa. Vì thế, chị Quỳnh Nga quyết định mua vé tàu giường nằm khứ hồi hơn 3,4 triệu đồng cho 2 mẹ con. Tuy thời gian di chuyển mất 9 giờ nhưng đi đêm nên cũng giảm được 6 giờ ngủ, 3 giờ còn lại cũng là 1 trải nghiệm mới mà con trai chị Nga muốn thử một lần.
Lo tour xuất ngoại hút hết khách
Không chỉ vé máy bay thiết lập mặt bằng giá mới, rất nhiều điểm tham quan trên cả nước đang đồng loạt "rủ nhau" bán vé vào cổng. Mới nhất, TP.Hội An vừa quy định du khách từ 15.5 khi vào tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé, thay vì chỉ thu phí riêng ở các điểm di tích đặc biệt như trước. Giá vé được ban hành 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa. Việc Hội An thu vé vào cổng khiến nhiều người bất ngờ bởi từ trước đến nay, rất nhiều khách từ các địa phương khác tới Đà Nẵng chỉ có nhu cầu tới Hội An vì thích không khí của phố cổ, không phải tới để tham quan như du khách tới lần đầu.
"Đôi khi tôi tới Hội An chỉ để ăn một tô cao lầu hoặc đi dạo quanh vậy thôi. Nếu giờ bắt đóng phí mới được vào thì tôi chắc chắn sẽ không bỏ tiền để quay lại đây nhiều lần", một tín đồ du lịch tại TP.HCM nói thẳng.
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch trên cả nước đều gặp khó, không chỉ lữ hành mà hệ thống điểm đến, nhà hàng, khách sạn đã gần như kiệt quệ. Khi thị trường quốc tế chưa thể khởi sắc như kỳ vọng, thị trường nội địa đang được trông chờ là cứu cánh của ngành du lịch thì những mùa cao điểm lễ, tết được coi như những "cơn mưa rào", là cơ hội để kích cầu tất cả các ngành thương mại, dịch vụ. Từ đó, tạo tác động lan tỏa cho cả nền kinh tế vừa trải qua kết quả tăng trưởng thấp trong quý 1.
Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa
Trước đó, làng cổ Đường Lâm (TP.Hà Nội) cũng gây bất ngờ khi tổ chức thu vé tham quan giá 20.000 đồng/vé, bắt đầu từ giữa năm 2022. Do ngôi làng hiện vẫn đang có người dân sinh hoạt bình thường, lại là đường nối qua nhiều xã nên nhân viên bán vé phải kiêm thêm việc "lọc" du khách hay người dân địa phương, trong khi nhiều phương tiện đi ngang qua ngôi làng cũng cảm thấy phiền toái vì phải dừng "khai báo", xác nhận không phải du khách để không mất tiền vé.
Đáng nói, trong khi giá vé máy bay, dịch vụ du lịch trong nước ngày tăng thì sau dịch, các nước đang triển khai rất nhiều chương trình liên kết, kích cầu để hút khách quốc tế. Theo khảo sát tại một số công ty lữ hành dịp 30.4, 1.5 này, tour đi Thái Lan đang bán có mức giá rẻ nhất, từ 8 - 10 triệu đồng/người; tour khám phá Singapore từ 13 - 15 triệu đồng/người; tour xuất ngoại sang Hàn Quốc 18 - 20 triệu đồng/người; tour Nhật Bản trước dịch không dưới 40 triệu đồng/người, nay cũng chỉ còn từ 28 - 35 triệu đồng/người…
Chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Thành (nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) lo ngại nếu tiếp tục tình trạng này, ngành du lịch VN sẽ đứng trước nguy cơ ngậm ngùi nhìn khách sang nước bạn kích cầu.
Theo ông Thành, giao thông là yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất của ngành du lịch nói riêng cũng như cả nền kinh tế nói chung. Với các công ty lữ hành, giá vé máy bay tăng có thể đẩy giá tour tăng đến 30 - 40%. Xu hướng hiện nay, người dân du lịch nội địa thường ít đi tour mà đi tự túc theo từng nhóm nhỏ bạn bè, gia đình. Vé máy bay quá cao, nếu họ "hủy kèo" như một số trường hợp nêu trên thì du lịch thất thu; còn nếu chuyển sang đi tàu hỏa hoặc sử dụng ô tô gia đình, tự lái thì hành trình sẽ phải tốn thêm 1 - 2 ngày di chuyển, đồng nghĩa giảm thời gian vui chơi, giảm mức chi tiêu.
"Không chỉ giá dịp lễ, tết mà đây là câu chuyện lâu dài của ngành du lịch. Một khi đã thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn thì rất khó xuống. Với vé máy bay, Chính phủ nên có phương án bình ổn như giảm thuế, phí, hạ nhịp tăng giá. Còn với các dịch vụ khác, ngành du lịch cần nghiêm túc giải quyết câu chuyện liên kết để hình thành những gói sản phẩm với dịch vụ tốt, giá cả hợp lý, vừa để phục vụ người dân du lịch trong nước, vừa là vũ khí cạnh tranh để hút khách quốc tế", ông Nguyễn Văn Thành đề xuất.
Bình luận (0)