Du lịch phim trường mới 'chập chững'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/12/2020 06:27 GMT+7

Du lịch phim trường rất phù hợp với niềm yêu thích check-in của du khách Việt. Tuy nhiên, loại hình này hiện còn trong giai đoạn 'chập chững'.

 

Những điểm đến thu hút từ phim ảnh

Đoàn làm phim Gái già lắm chiêu 5 - Những cuộc đời vương giả đã rất kỳ công để dựng bối cảnh chính của phim. Đó là Bạch trà viên tại sân sau cung An Định ở Huế. “Chúng tôi có bàn bạc ngay từ khi lên kế hoạch sản xuất với UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế; ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, cùng đoàn phim lên rất nhiều ý tưởng để thúc đẩy Huế trở thành phim trường nhằm quảng bá du lịch. Bạch trà viên được xây vững chắc với mục đích giữ lại làm địa điểm check-in cho du khách tham quan, chụp hình lưu niệm”, đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Du lịch, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), ở nước ngoài du lịch phim trường khá phát triển. Đầu tư và tầm nhìn đầu tư đúng là vấn đề cần thiết để phát triển du lịch phim trường ở VN. Bà Thủy nói thêm: “Chúng ta có một số điểm tham quan, chẳng hạn như trường quay Mắt biếc. Song, các địa điểm đó mới ở dạng đoàn phim tự dựng bối cảnh thôi. Phim trường theo nghĩa các công ty đầu tư để làm trường quay quy củ hầu như vẫn chưa có”.
Mặc dù vậy, bà Thủy cũng đánh giá hiện tại có địa điểm khá thuận lợi nếu có thể phát triển thành phim trường và du lịch phim trường. “Có một khu có khả năng phát triển là Cố viên lầu ở Ninh Bình. Chủ khu này là một người mê nhà cổ và đã dựng nhiều ngôi nhà Bắc - Trung - Nam ở đây. Nếu biến thành phim trường thì có khả năng cao. Nhiều phim và MV cổ trang đã được quay ở đó”, bà Thủy nói.
Đạo diễn Bảo Nhân cũng cho biết vì phim được quay trong di tích nên đoàn phim nhận được quan tâm và hỗ trợ lớn từ Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. “Các bên đã lên kế hoạch từ 5 tháng trước đó để chuẩn bị cho hành trình quảng bá du lịch, hình ảnh Huế qua điện ảnh”, ông Nhân nói.
Điều này làm nhớ lại các địa điểm làm phim ở Huế đã thu hút đông khách tham quan sau khi các bộ phim thành công ở rạp chiếu. Chẳng hạn, nhà vườn điển hình kiểu Huế - nhà vườn An Hiên đã thay đổi rất nhiều sau khi Gái già lắm chiêu 3 ra rạp và Nàng thơ xứ Huế được phát online. Cũng theo đạo diễn Bảo Nhân, nhà vườn An Hiên đã được tu bổ, quản lý chuyên nghiệp hơn và được đưa vào các tour tham quan, lượng khách đến nhiều hơn, trở thành điểm đến không thể thiếu trong tour du lịch khám phá xứ Huế hiện nay.
Khi Mắt biếc thắng lớn ở phòng vé, có công ty du lịch còn giới thiệu tour du lịch tới 25 điểm đã quay bộ phim này. Trong đó, cây Cô đơn - nơi chứng kiến những thời khắc xúc động của cuộc đời các nhân vật; Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thuận (H.Quảng Điền) - địa điểm được chọn làm Trường tiểu học Đo Đo trên phim đã thu hút nhiều người tới thăm. Các điểm như lăng Khải Định, bến thuyền ở phố cổ Bao Vinh, đồi Thiên An, Trường đại học Sư phạm Huế... cũng thuộc tour 25 điểm này.

Cần có đầu tư bài bản

Có thể thấy hiện nay, Huế là địa điểm được nhiều nhà làm phim nhắm tới. Vì thế, trước khi phát triển được du lịch phim trường, Huế cũng cần đầu tư để trở thành một phim trường lớn. “Nếu có một chiến lược cụ thể và liên kết hợp lý giữa các sở, ban ngành, tôi nghĩ Huế có đủ tiềm năng, tiềm lực để trở thành một phim trường. Hiếm nơi nào ở VN có đủ núi, sông, biển, có cuộc sống hiện đại song song di sản, văn hóa như Huế. Hầu như tháng nào cũng có 1 - 2 đoàn phim đến quay ở Huế với các dự án lớn, nhỏ khác nhau”, đạo diễn Bảo Nhân nhận xét.
Ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, cho biết hiện tại du lịch các điểm phim trường cũng nằm trong chiến lược bền vững phát triển du lịch của tỉnh. “Những điểm có làm phim thì chắc chắn sẽ được đầu tư để đa dạng hơn các sản phẩm du lịch của Thừa Thiên-Huế”, ông Minh nói.
Trong khi đó, trường quay Cổ Loa được nhà nước đầu tư để làm phim trường và từ đó phát triển du lịch phim trường hiện vẫn còn im ắng. “Ở đó, chưa thể nói là có phim trường lớn được”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), nhận xét. Tràng An (Ninh Bình) là địa điểm từng được kỳ vọng sẽ làm được du lịch phim trường sau khi bộ phim đình đám Kong: Skull Island được quay tại đây. Tuy nhiên, phim trường tái hiện phim trường Kong: Skull Island sau đó đã bị dỡ bỏ để đảm bảo tính chân xác cho khu di sản Tràng An theo khuyến nghị của UNESCO. Tới nay, cũng chưa có nhà đầu tư nào có ý định tái hiện phim trường nổi tiếng này.
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho hay: “Nếu bây giờ tái hiện, chỉ có thể tái hiện ngoài khu di sản và dựng lại phim trường theo mô hình bản vẽ. Muốn làm điều đó thì một là cần có nhà đầu tư, hai là có đủ lượng khách tham quan. Tức là vẫn phải có nhà đầu tư quan tâm làm điều đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.