Dự thảo chuẩn chương trình ĐH các ngành luật: Nhiều ý kiến trái chiều

Quý Hiên
Quý Hiên
30/08/2023 06:06 GMT+7

Cho đến nay, pháp luật là lĩnh vực đầu tiên đưa ra được dự thảo chuẩn chương trình đào tạo trình độ ĐH. Vì mới và tiên phong nên dự thảo này nhận được nhiều ý kiến… trái chiều.

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã giới thiệu và xin ý kiến các chuyên gia đào tạo ngành luật góp ý cho dự thảo chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ ĐH. Trong buổi lấy ý kiến, PGS Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, đại diện Hội đồng Tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo ĐH lĩnh vực pháp luật (gọi tắt là Hội đồng tư vấn) báo cáo nội dung dự thảo chuẩn, trong đó bao gồm các yêu cầu về đầu vào, khối lượng học tập, phương pháp, đánh giá, yêu cầu đầu ra...

120 HAY 131 TÍN CHỈ ?

Về khối lượng học tập, Hội đồng tư vấn đề xuất chương trình đào tạo các ngành luật và khác (trong lĩnh vực pháp luật) phải đạt tối thiểu 131 tín chỉ (không bao gồm giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành). Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

Theo PGS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, quy định này chưa hợp lý. Thông tư 17 do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2021 (quy định về chuẩn chương trình đào tạo ĐH nói chung) thì chương trình đào tạo ĐH là 120 tín chỉ cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh. Cũng theo Thông tư 17, giáo dục đại cương bắt buộc bao gồm các môn lý luận chính trị, pháp luật, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh. Do đó, không thể hiểu chương trình ĐH là 120 + 11 thành 131 tín chỉ được. Hơn nữa, với tư cách là nhà tuyển dụng (người đứng đầu một cơ sở đào tạo), PGS Trung nhận thấy tất cả cán bộ của mình ở bộ phận pháp chế, kiểm toán, văn phòng… có bằng ĐH học luật ở những trường mà người ta đào tạo từ 121 - 128 tín chỉ làm việc rất tốt.

Dự thảo chuẩn chương trình ĐH các ngành luật: Nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Như Phát, Trưởng khoa Luật (Trường ĐH Hòa Bình), phát biểu tại hội thảo

QUÝ HIÊN

Một lý do khác PGS Trung đưa ra để phản đối yêu cầu chương trình ĐH ngành luật tối thiểu 131 tín chỉ là gây khó khăn cho việc quản lý, tạo tiền đề cho xu hướng ngành nào cũng nói mình quan trọng, đặt yêu cầu chuẩn là chương trình tối thiểu 131 tín chỉ. Đào tạo thời gian dài thì phải tăng học phí. Nhưng dư luận xã hội sẽ đặt câu hỏi tại sao lại tăng, các trường ĐH phải giải trình, rất mệt mỏi. Rồi còn liên quan tới vấn đề quản lý hành chính, tăng tín chỉ thì giảng viên phải dạy nhiều, không còn thời gian làm nghiên cứu khoa học, mà không nghiên cứu khoa học thì trường ĐH muôn đời không thể vào được các bảng xếp hạng ĐH. "Đề nghị Bộ GD-ĐH và ban soạn thảo nghiên cứu lại về quy định tối thiểu 131 tín chỉ. Nếu Bộ GD-ĐT nhất quyết thực hiện thì chúng tôi sẽ có tờ trình", PGS Trung quyết liệt.

Ông Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo (Trường ĐH Luật TP.HCM), cũng cho rằng việc quy định chương trình luật tối thiểu 131 tín chỉ, trong đó chuyên ngành 100 tín chỉ, là quá nhiều. Có một số trường lớn dồi dào đội ngũ giảng viên, số còn lại không nhiều. Nếu quy định thế này thì các cơ sở đào tạo không đáp ứng được, hoặc đáp ứng có tính đối phó, không đảm bảo dạy đủ kiến thức pháp luật cho người học.

Nên làm cách nào để thực hiện chuẩn cũng là một điều cần cân nhắc. Bộ GD-ĐT ban hành một chuẩn và bắt buộc các trường theo, hay nên ban hành một bộ tiêu chí và có lộ trình để các đơn vị thực hiện.

PGS Phan Trung Hiền (Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Cần Thơ)

PGS Nguyễn Như Phát, Trưởng khoa Luật (Trường ĐH Hòa Bình), thì lại ủng hộ mở rộng chương trình đào tạo. Theo PGS Phát, trong thời đại hội nhập, biết bao nhiêu vấn đề pháp lý mà hệ thống pháp luật VN còn thiếu. Hệ thống tri thức khoa học pháp lý càng ngày càng phải được mở rộng, nâng cao, càng được đào sâu, nghĩa là cần phải có thêm các môn học mới. Trong khi đó, đào tạo các ngành pháp luật của ta hiện nay cần bổ sung nhiều kiến thức.

PHẢI ĐƯA RA CHUẨN CÓ TÍNH KHẢ THI

Theo PGS Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật (Trường ĐH Cần Thơ), để xây dựng dự thảo chuẩn, ban soạn thảo tiến hành đánh giá bất cập của hiện trạng đào tạo pháp luật hiện nay mới ở phương diện người dạy, còn ở phương diện người sử dụng lao động thì chưa toàn diện. Từ đó dẫn đến việc tiếp nhận các môn học ở chương trình đào tạo luật các nước tiên tiến có nhiều điểm còn lấn cấn.

Dự thảo chuẩn chương trình ĐH các ngành luật: Nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh 3.

PGS Tô Văn Hòa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, đại diện ban soạn thảo dự thảo chuẩn phát biểu ý kiến tiếp thu các đóng góp của chuyên gia

VŨ NGA

Ví dụ, các nước Mỹ, châu Âu, họ đưa môn viết pháp lý vào là bởi họ được giảng dạy trong điều kiện mà khả năng nói trước công chúng của sinh viên là chuẩn, là logic; khi đó, người ta có thể dễ dàng dạy cho sinh viên viết pháp lý. Còn ở VN, khả năng diễn đạt, lập luận logic của sinh viên yếu. Ngay ở tư duy của các em đã có vấn đề, không tư duy logic được, chỉ quen với một số suy nghĩ tạm gọi là được áp đặt. "Nên chăng chúng ta nên xây dựng môn viết pháp lý hay tư duy pháp lý? Bởi nếu không tư duy được thì kỹ năng viết sẽ là vấn đề. Tư duy không ra thì viết thế nào? Kỹ năng viết pháp lý có phải là vấn đề cần phải ưu tiên giải quyết cho sinh viên hay không? Cứ áp dụng rập khuôn mô hình của các quốc gia phát triển cho VN thì sẽ bất cập", PGS Hiền nêu ý kiến.

PGS Hiền còn nêu một vấn đề khác trong dự thảo, liên quan tới quy định một ngành phải có bao nhiêu tiến sĩ cùng ngành. "Đó là việc đào tạo các chuyên ngành không giống ai của các trường luật ở VN. Ví dụ, muốn mở chuyên ngành luật kinh tế thì các tiến sĩ đi học nước ngoài về sẽ không ai có bằng luật kinh tế (economic law), mà chỉ có luật kinh doanh (business law) là bởi cả thế giới họ đào tạo business law chứ không đào tạo economic law", PGS Hiền nêu vấn đề.

PGS Nguyễn Như Phát thì cho rằng, có một số yêu cầu của dự thảo chuẩn hơi cao so với thực tế. Về cơ bản, ông ủng hộ chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Riêng yêu cầu đầu ra của sinh viên đạt "tư duy phản biện, phê phán và khả năng sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi liên quan tới các ngành, nghề luật" thì quá cao.

Theo PGS Phát, được như thế này thì phải là sinh viên học ở các trường danh tiếng về đào tạo luật ở Singapore, Đức, Mỹ… "Theo chủ quan của tôi, nếu không nói là đa số thì phần nhiều các thầy đi dạy vẫn là những thợ giảng. Bản thân các thầy có biết luật hay chỗ nào, dở chỗ nào đâu mà đi phản biện. Thầy chưa biết thì làm sao bắt sinh viên phải biết để mà phản biện. Ban soạn thảo nên cân nhắc. Hướng rất quý, rất đúng nhưng là tương lai xa xa một chút, còn vào lúc này là khó khả thi, 2024 là chưa thể được đâu. Chúng ta phải đứng trên mảnh đất nền khoa học pháp lý VN để làm chuẩn thì mới vào cuộc sống. Đặt cao quá, bao nhiêu năm không làm được, lại thành ra không hoàn thành nhiệm vụ".

Theo PGS Phát, yêu cầu trên là một ý tưởng rất tốt, nhưng thời điểm này cần cân nhắc thêm. Nếu có thì cần có lộ trình.

PGS Hiền cũng đặt vấn đề: "Nên làm cách nào để thực hiện chuẩn cũng là một điều cần cân nhắc. Bộ GD-ĐT ban hành một chuẩn và bắt buộc các trường theo, hay nên ban hành một bộ tiêu chí và có lộ trình để các đơn vị thực hiện. Những trường hàng đầu có thể đạt chuẩn trước, được vào nhóm trường đạt chuẩn chương trình đào tạo, các trường sau đó sẽ từ từ vào một cách tự nguyện". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.