Người giàu cũng... khóc
|
A., 39 tuổi, một luật sư đã mở được văn phòng riêng ở TP.HCM, chuyên môn giỏi và những mối quan hệ rộng trong xã hội khiến anh và các cộng sự làm không hết việc. Vợ chỉ nội trợ và chăm sóc các con, khi con khôn lớn, chị tham gia các lớp học khiêu vũ buổi tối và tìm thấy đam mê của chính mình. Vợ, chồng ngày càng xa nhau. A. tìm đến chuyên gia tâm lý, anh không muốn kết thúc cuộc hôn nhân đang đến bờ vực thẳm của mình.
Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, kể anh từng gặp nhiều trường hợp không thiếu tiền nhưng chưa thấy hạnh phúc. Người đàn ông là giám đốc một doanh nghiệp lớn, vợ đẹp con xinh, vẫn thấy cuộc sống của mình cô đơn, thiếu thiếu một cái gì đó. Một phụ nữ chừng 30 tuổi, đã kết hôn, công việc cho thu nhập ổn tới mức muốn mua căn nhà nào trong thành phố cũng được, nhưng thấy cô đơn trong chính căn nhà của mình, vì cô và người chồng như những mảnh ghép khác nhau, không cùng chung chí hướng…
Trong khi đó, anh Nguyễn Trương Tuyến, 35 tuổi, CEO của TGS Books, cho hay trong quá trình làm việc, anh gặp không ít doanh nhân thành đạt, sự nghiệp nhiều người mơ ước nhưng có nhiều nỗi khổ tâm.
Làm sao thoát cô đơn ?
Anh Nguyễn Mạnh Cường, đồng sáng lập Beli Coaching (Công ty TNHH tư vấn Người đồng hành, TP.HCM), cho rằng nguyên nhân gốc rễ khiến những người giàu nhưng luôn thấy cô đơn là “họ chưa kết nối sâu với con người chân thật đáng yêu của mình, chưa thực sự hiểu mình là ai, đang muốn cái gì. Họ thường tập trung giải quyết vấn đề hiệu quả công việc tạo ra tài chính chứ chưa quan tâm đủ đến chăm sóc bản thân và mọi người xung quanh”.
CEO Nguyễn Trương Tuyến khuyên: “Việc mọi người tham gia các hội nhóm, học tập phát triển cá nhân, đọc sách, gặp gỡ những người bạn thú vị cho mình suy nghĩ và năng lượng tích cực là một giải pháp hay. Đồng thời, tìm đến những người dẫn đường (mentor), huấn luyện viên, chuyên gia để bạn được thoát ra khỏi cảm xúc tiêu cực, dễ dẫn tới quyết định xấu”, anh Tuyến nói.
Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy cho rằng, mỗi người cần định nghĩa lại sự thành công, từ đó sẽ có cách đi đúng hướng. “Có người nghĩ giàu có là thành công, người thì cho rằng đạt được giải này giải kia mới là thành công. Nhưng theo tôi, thành công là trạng thái “well being”, nghĩa là mọi thứ đang trở lên tốt lên mỗi ngày. Thành công không có nghĩa là đạt được tiền tài mà là tìm thấy hạnh phúc của mình, đạt được mục tiêu của cuộc đời, con người được thể hiện chính mình”, chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy nói.
Theo ông Uy, chìa khóa để mọi người sống an vui, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, đó là biết cảm xúc của chính mình, quản lý được cảm xúc, các mối quan hệ xã hội, làm được điều có ích với chính mình và xã hội.
Muốn đêm ngủ ngon hay ôm cục tiền mà mất ngủ ?Nhà văn 23 tuổi, đồng thời là chủ doanh nghiệp start-up Gari Nguyễn, cho biết thành công không phải là có nhiều tiền và người nhiều tiền chưa chắc đã là người thành công. “Tôi biết những người nhiều tiền nhưng mất ngủ, cuộc sống đầy rẫy lo lắng, toan tính làm sao để không mất tiền đi và có tiền nhiều hơn”, Gari Nguyễn nói. Theo nữ nhà văn, xây dựng hạnh phúc cũng như xây dựng căn nhà, mái nhà là mục tiêu lớn nhất, trụ cột của nhà là mục tiêu nhỏ hơn. Để làm được những mục tiêu này, con người cần công việc (work) - sự cho đi (gift) - tận hưởng (enjoy): “Nếu chỉ biết làm kiếm tiền nhưng không biết chia sẻ, quan tâm với người khác, hay không tận hưởng cuộc sống, chăm sóc chính mình, sẽ không có hạnh phúc nào cả”, nhà văn trẻ chia sẻ.
|
Bình luận (0)