Dù về nhì, gạo ST của ông Cua vẫn làm 'vua' thị trường

Chí Nhân
Chí Nhân
05/11/2022 18:24 GMT+7

Gạo ST25 không nằm trong top 3, còn ST24 thì về nhì trong cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam 2022” nhưng trên thị trường các dòng gạo ST vẫn là “vua”.

Sản phẩm gạo ST của ông Hồ Quang Cua với 2 dòng nổi bật là ST24 và ST25 làm “vua” trên thị trường nhiều năm nay nhờ liên tiếp thắng giải “gạo ngon” tại các cuộc thi trong nước và quốc tế.

Có một số ý kiến góp ý để cuộc thi gạo ngon những năm sau được tổ chức tốt hơn

Chí Nhân

Tuy nhiên cuộc thi vừa kết thúc ngày 4.11, sản phẩm gạo ST25 chỉ đạt số điểm 75 trên thang điểm 100 và nằm ngoài top 3. Ở vị trí thứ 3 là giống Lộc Trời 28 với số điểm 80,57. Gạo ST24 của ông Cua đạt 81,36 điểm đứng ở vị trí thứ nhì. Gạo BTR39 của Tập đoàn Thái Bình Seed (ThaiBinh Seed) đạt số điểm 85,86 giành hạng nhất.

‘Vua gạo ST25’ đang làm tường trình về cuộc thi 'Gạo ngon Việt Nam 2022'

Ban giám khảo cuộc thi ngoài các chuyên gia nông nghiệp và thương mại còn có các chuyên gia ẩm thực đến từ Hội đầu bếp Việt Nam. Với nhiều nội dung, tiêu chí cụ thể về hạt gạo trước và sau khi nấu như: độ trắng, độ thuần, mùi thơm, độ dẻo, độ ngọt, độ nguyên hạt sau khi nấu…

Đại diện ThaiBinh Seed cho biết khá bất ngờ khi giành chiến thắng áp đảo tại cuộc thi năm nay với 2 giải nhất (cả gạo thơm và gạo nếp) cùng một giải ba. Gạo thơm TBR39 là giống lúa mới được các nhà khoa học lai tạo thành công. TBR39 có một số đặc điểm nổi trội như: thơm, vị đậm đà, cơm bóng tự nhiên. ThaiBinh Seed mua bản quyền từ năm 2019 và tổ chức khảo nghiệm 3 năm qua tại vùng canh tác lúa tôm ở các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đang làm thủ tục đề nghị Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận lưu hành.

Giống gạo thơm TBR39 đang trong giai đoạn trồng khảo nghiệm, chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành để có thể thương mại hóa

Chí Nhân

Do vậy, giống TBR39 chưa kinh doanh lúa giống cũng như sản phẩm gạo chưa có mặt trên thị trường một cách chính thức. Chỉ có một ít sản phẩm gạo từ các vùng trồng khảo nghiệm được bán “thăm dò thị trường” ở các tỉnh miền Bắc với giá 38.000 đồng/kg. Sắp tới, từ cuối tháng 11, ThaiBinh Seed sẽ thu hoạch lúa TBR39 tại vùng trồng lúa tôm ở Kiên Giang, sản lượng ước tính chỉ khoảng vài ngàn tấn để cung cấp ra thị trường.

Như vậy, sản phẩm gạo ngon nhất năm 2022 vẫn chưa thể có mặt chính thức trên thị trường trong năm nay. Ngược lại, dù không giành vị trí cao nhất tại cuộc thi lần này nhưng gạo ST24 của ông Hồ Quang Cua vẫn tiếp tục làm “vua” trên thị trường.

Sản phẩm gạo ST của ông Hồ Quang Cua với 2 dòng nổi bật là ST24 và ST25 làm “vua” trên thị trường

Chí Nhân

Liên quan đến cuộc thi lần này, cũng có một số ý kiến góp ý. Đầu tiên là cuộc thi được tổ chức trong thời gian khá vội - để chuẩn bị cho cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" (The World's Best Rice) năm 2022 tổ chức tại Thái Lan vào giữa tháng 11. Chính vì vậy, các đơn vị dự thi chưa có sự chuẩn bị tốt nhất. “Chất lượng gạo tốt nhất là vụ đông xuân nhưng thời gian thông báo cuộc thi khá gấp nên chúng tôi không chuẩn bị kịp, phải mang gạo vụ hè thu đi thi. Vì vậy, đó chưa phải sản phẩm tốt nhất của chúng tôi”, đại diện một đơn vị dự thi trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên.

Một đơn vị khác thì cho rằng, cuộc thi gạo ngon thì tiêu chí về độ ngọt, độ dẻo cần phải được đặt lên cao hơn so với độ thơm. Hiện tại thang điểm mùi thơm đang chiếm ưu thế. Trong khi độ ngọt, độ dẻo của hạt gạo là tiêu chí quan trọng để định hướng trong công tác làm giống và thương mại sản phẩm gạo. Ban tổ chức nên xem lại vấn đề này cho lần thi sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.