Đưa Cần Giờ về TP.HCM là quyết định mang tính chiến lược

Trung Hiếu
Trung Hiếu
23/12/2018 20:54 GMT+7

Ngày 23.12, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “40 năm Cần Giờ (Duyên Hải), TP.HCM - Thành quả và kinh nghiệm”.

Tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận 40 năm trước, chủ trương đưa H.Cần Giờ (Duyên Hải) về lại TP.HCM là một quyết định mang tính chiến lược.
Nếu không có quyết định này, TP không có biển, vì vậy ngoài việc có thêm tiềm năng để phát triển kinh tế thì vị trí địa lý, an ninh quốc phòng đã được nâng cao hơn.
Theo ông Nhân, để có được Cần Giờ như hôm nay là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo TP. Song song đó là sự sáng tạo, quyết tâm tự “cứu mình”, tự vực dậy phát triển của người dân Cần Giờ.
Tuy nhiên, Cần Giờ hiện vẫn còn rất nhiều thách thức như vẫn là địa phương nghèo nhất TP.HCM, thu nhập người dân vẫn thấp. Hệ thống hạ tầng dù đã được cải thiện nhưng chưa đồng bộ, trong khi nhân lực ít và chất lượng cũng hạn chế. Đặc biệt, để phát triển Cần Giờ, việc giải quyết xung đột giữa kinh tế và môi trường vẫn là một áp lực rất lớn.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho biết chưa bao giờ Cần Giờ có được cơ hội phát triển như hiện nay bởi nhiều chính sách, chủ trương trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển đã có sự đồng thuận từ TƯ. Ông Nhân đánh nói phát triển Cần Giờ đòi hỏi phải thực hiện một cách khoa học, phát triển bền vững và gìn giữ tự nhiên. 
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM kiến nghị TP cần có chủ trương tổng thể xây dựng phát triển Cần Giờ theo hướng nền kinh tế xanh, nền kinh tế sinh thái và thành phố thông minh.
Với xuất phát điểm là một căn cứ quân sự tiền tiêu, giao thông đi lại chủ yếu là đường thủy, chỉ có 13 km đường nhựa nối liền 2 xã, nay H.Cần Giờ đã có đường nhựa rộng lớn nối liền về TP.HCM và các xã (trừ xã Thạnh An).
Từ một vùng dân cư nghèo nàn, không có điện, tình trạng thiếu đói, trình độ học vấn thấp, đến nay, lưới điện quốc gia đã phủ toàn H.Cần Giờ, kể cả xã Thạnh An. Hệ thống giáo dục, cơ sở vật chất trường học đã khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập cho mọi người dân… Những thành tựu đó gắn liền với bước ngoặc ngày 29.12.1978, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI ban hành Nghị quyết phê chuẩn huyện Duyên Hải chính thức sáp nhập vào TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.