Một người được cứu sống nhưng anh đã nằm lại vĩnh viễn với biển quê nhà vì không may rơi vào xoáy nước chảy xiết.
Cả vùng quê biển xã Đức Minh đã bàng hoàng, tiếc thương hạ sĩ Lê Chí Phước nhưng cũng rất tự hào về hành động dũng cảm của đứa con quê hương.
Bà Trần Thị Hoa bên bàn thờ con trai |
HẢI PHONG |
Xả thân cứu người
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Công an nhân dân (19.8.1945 - 19.8.2022), chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ của liệt sĩ công an, thượng sĩ Lê Chí Phước ở xứ biển thôn Đạm Thủy Nam, xã Đức Minh. Ngôi nhà ấy là nơi đầy ắp yêu thương gắn cả tuổi thơ của Phước.
Đầu xuân năm 2018, đúng mùng 2 tết, Phước từ đơn vị (trung đội Cảnh sát vũ trang bảo vệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Quảng Ngãi) về thăm nhà. Buổi chiều anh thăm hàng xóm, tối về nhà với cha mẹ. “Ai ngờ, đó là đêm cuối cùng. Hai bàn tay mạnh mẽ của con trai út không còn ôm tôi nữa”, bà Trần Thị Hoa (mẹ của Phước) thổn thức.
Sáng mùng 3 Tết Nguyên đán, Phước cùng bạn học đi thăm cô giáo chủ nhiệm. Chiều, Phước cùng nhóm bạn thân đến chụp ảnh lưu niệm ở bãi biển xã Đức Minh. “Phước chạy xe máy vừa đến thì nghe kêu cứu, có người bị sóng cuốn trôi. Phước vứt xe máy nhảy luôn xuống biển…”, ông Lê Báy (cha của Phước) nghẹn lòng khi nhớ lại con trai mình dũng cảm cứu người đuối nước.
Lúc đó khoảng 15 giờ mùng 3 Tết Nguyên đán (18.2.2018), nghe tiếng hô hoán có người bị sóng cuốn, Phước vội lao ngay xuống biển, dù lúc ấy biển đang động. Vật lộn với sóng dữ, Phước đã cứu được anh Nguyễn Văn Hoàng (khi đó 26 tuổi) rồi đưa lên bờ. Lúc này, Phước nhìn lại thấy anh Nguyễn Thanh Hưng (khi đó 23 tuổi, em của anh Hoàng) vẫn còn chới với trong sóng dữ. Không ngần ngại, Phước lại lao ra đầu sóng, ôm được nạn nhân để bơi vào bờ. Nào ngờ, cả hai rơi vào vùng nước xoáy rồi ra đi mãi mãi.
Đến mùng 5 tết năm đó, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể Phước và anh Hưng ở ven bờ biển Lâm Hạ, xã Đức Minh, cách bờ biển nơi Phước cứu người khoảng 6 km. Phước hy sinh khi mới 22 tuổi.
Vợ chồng ông Lê Báy và bà Trần Thị Hoa kể về con trai với nỗi niềm xen lẫn tự hào |
HẢI PHONG |
Tự hào và nỗi niềm người ở lại
Ông Báy nói, khi bất ngờ nhận tin dữ, ông liền vội chạy xuống biển và không thể tin con trai út bị sóng cuốn “bởi Phước bơi giỏi từ thời thiếu niên”. Sau này hỏi lại, ông biết con trai mình rơi vào cái ao (xoáy nước) nên không thể bơi lên được.
Phước là con út nên ba, mẹ, anh trai, hai chị gái đều dồn tình thương vào anh. Lớn lên, Phước lại ngoan hiền, học hành khá. Tiếc là thi đại học năm đầu (2014) không đủ điểm nên Phước vào TP.HCM ôn thi. Khi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự thì Phước về quê đi bộ đội, phục vụ trong ngành công an. Khoác bộ quân phục công an, nhưng vào giờ nghỉ Phước vẫn kiên trì ôn bài. Năm đó, Phước không đủ điểm vào đại học Cảnh sát nhân dân, mà đậu Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Chưa hết hạn nghĩa vụ quân sự, Phước bảo lưu kết quả đại học để khi xuất ngũ thì tiếp tục việc học, ngờ đâu ước mơ mãi dở dang.
Ông Báy kể, hồi trước tết năm 2018, Phước xin phép về nhà mấy giờ đồng hồ, thấy ba đang lao động, Phước nói: “Tụi con lớn rồi, tự lo thân được. Ba đừng làm nhiều nữa. Mai mốt ra quân, có việc làm ổn định thì tụi con sẽ lo cho ba mẹ”. Nghe con nói, ông Báy vui và cảm động lắm. Ông Báy còn kể, Phước rất thương mẹ, mỗi khi về thăm nhà không thấy mẹ là đi tìm.
Những di vật của liệt sĩ công an, thượng sĩ Lê Chí Phước |
HẢI PHONG |
Làm lụng quần quật quanh năm, ông Báy không mấy khi để ý bà con xóm giềng nói về con mình thế nào. Đến khi con trai hy sinh vì cứu người, bà con làng biển đến nhà chia sẻ, ai cũng tiếc thương Phước.
Ngày Phước về với biển, không chỉ gia đình mà người yêu của anh cũng vô cùng đau xót, nhiều năm sau vẫn không chịu lấy chồng. Cả nhà ông Báy phải khuyên nhủ cô gái nên yên bề gia thất, tìm kiếm cuộc sống mới tích cực hơn. Vì vậy, mấy năm sau, cô gái mới lên xe hoa. “Tôi mất đi đứa con trai và xem như mất luôn một đứa con dâu tương lai. Đau từng khúc ruột, nhưng con mình vì nghĩa ở đời, vì màu áo công an nhân dân mặc trên người mà làm việc tốt, đã quên thân mình hy sinh vì người dân, nên tôi và gia đình rất tự hào”, ông Báy xúc động.
Anh Trần Tài, công an viên xã Đức Minh, dẫn chúng tôi đến nhà của Phước, cho biết lúc còn nhỏ Phước hay theo người lớn đi chăn bò. Thấy bản tính hiền lành, hay giúp người của Phước nên bà con lối xóm ai cũng thương.
Kỷ vật còn mãi
Khi hạ sĩ Lê Chí Phước quên thân mình cứu người, anh được truy phong cấp bậc hàm thượng sĩ. Đó cũng là niềm tự hào của gia đình. Hôm chúng tôi đến nhà, quà của xã Đức Minh, quà của Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Quảng Ngãi thăm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 còn trên tủ, bên cạnh bàn thờ có di ảnh của liệt sĩ Lê Chí Phước.
Gia đình của liệt sĩ công an, thượng sĩ Lê Chí Phước luôn treo trang trọng trên tường nhà nhiều phần thưởng mà anh được tặng, truy tặng. Trong đó, ngày 6.3.2018, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho anh Lê Chí Phước, đoàn viên chi đoàn 5, Đoàn cơ sở Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 7.3.2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi truy tặng bằng khen vì đã có hành động cứu người bị đuối nước. Ngày 26.3.2018, Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm vì đã có hành động dũng cảm hy sinh thân mình cứu người đuối nước vào ngày 18.2.2018 tại bãi biển xã Đức Minh, H.Mộ Đức.
Nhắc về con trai, bà Hoa đến bên tủ còn để nhiều kỷ vật của con trai. Mở cửa tủ ra, chúng tôi nhìn thấy dây thắt lưng, đôi giày, quần áo công an ngay ngắn, nhất là giấy khen, bằng khen… rất nhiều. Trong nhiều kỷ vật còn lại ấy, chúng tôi thấy có cả giấy chứng nhận anh Phước đã học xong lớp cảm tình Đảng...
Nâng niu chiếc mũ công an của con trai trên tay, bà Hoa lau qua rồi lau lại một cách nhẹ nhàng, âu yếm, như đang xoa đầu con trai, như những lần Phước về với mẹ. Ông Báy cho hay, khi Phước hy sinh, đơn vị đã đưa thùng đồ của con về nhà, có cả cuốn nhật ký của Phước và nhiều vật dụng khác. Tiếc là khi ấy, bà con trong nhà đã mang đi an táng theo phong tục. Với ông Báy, bà Hoa và những người anh, chị của Phước, niềm động viên lớn nhất của gia đình là nhà nước đã công nhận Phước là liệt sĩ, bởi anh đã hy sinh vì dân.
(còn tiếp)
Bình luận (0)