Chia sẻ tại Diễn đàn ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vắc xin thú y tại Việt Nam, do Cục Thú y, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 28.12, các chuyên gia thú y, đại diện doanh nghiệp đã thẳng thắn chia sẻ, phân tích về thực trạng ngành vắc xin thú y.
Theo Cục Thú y, cả nước có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc xin thú y đạt tiêu chuẩn GMP-WHO với tổng số 218 loại vắc xin và 340 loại vắc xin nhập khẩu đáp ứng được nhu cầu phòng các bệnh trên gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, số lượng vắc xin nhập khẩu trong năm 2024 vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo so với sản xuất trong nước. Cụ thể vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, trong số 739 triệu liều thì sản xuất trong nước được 191 triệu liều; nhập khẩu 548 triệu liều.
Đối với vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, số liệu tương ứng là 1,4 triệu - 45 triệu liều; vắc xin phòng bệnh dại 1,6 triệu - 3,7 triệu liều; vắc xin phòng bệnh tai xanh 3,5 triệu - 31 triệu liều; vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục 115.000 - 1,8 triệu liều.
Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật thú y Việt Nam, khẳng định công nghệ sản xuất thuốc thú y của Việt Nam không những phát triển nhanh mà còn tiến bộ vượt bậc và có những công nghệ hàng đầu để sản xuất vắc xin lợn tai xanh, lở mồm long móng, dại, dịch tả lợn châu Phi… vốn trước đây đa số phải nhập khẩu.
Vấn đề hiện nay là làm sao để tăng thị phần cho vắc xin nội, khi hiện nay một số bệnh trên vật nuôi tỷ lệ tiêm vắc xin chỉ đạt khoảng 5%. "Một trong những điểm nghẽn khiến vắc xin nội chưa được sử dụng rộng rãi là do tâm lý sính ngoại khi lựa chọn, sử dụng vắc xin", bà Hương nói.
Ông Phan Quang Minh, Cục phó Cục Thú y, cho rằng việc sử dụng vắc xin nội hay ngoại do nhiều yếu tố, có thể do thói quen, tâm lý người tiêu dùng, giá cả... Gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng vắc xin theo chuỗi, cùng với con giống, thuốc thú y và nhiều công nghệ khác. Vắc xin nội muốn thâm nhập vào đây sẽ gặp cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, khẳng định Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vắc xin thú y; sản xuất được một số loại vắc xin phòng bệnh quan trọng như: vắc xin cúm gia cầm từ năm 2012, vắc xin lợn tai xanh từ năm 2015, vắc xin lở mồm long móng từ năm 2018, vắc xin bệnh dại từ năm 2019 và gần đây nhất là vắc xin dịch tả lợn châu Phi - thành tựu lớn được thế giới công nhận.
Theo đó, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển, sáng tạo ra nhiều loại vắc xin mới đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe vật nuôi, người tiêu dùng.
Bà Hương kiến nghị, để tăng thị phần của vắc xin nội, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hợp tác chia sẻ thông tin của cơ quan báo chí, các viện, trường đào tạo chuyên ngành để càng nhiều người biết đến vắc xin nội, biết tới khả năng của vắc xin nội... càng tốt. Khi vắc xin nội đã đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp sản xuất rất cần sự ủng hộ từ Cục Thú y, người chăn nuôi để cả ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Bình luận (0)