Dưa đèo được coi là “hàng hiếm”, không phải vì nó là thứ sản vật quý báu gì, mà vì đây là loại dưa người nông dân không muốn trông thấy nhất, đơn giản nếu đến mùa trồng dưa gang mà chỉ thu được dưa đèo thì năm đó coi như thất bại nặng. Những trái dưa không chịu phát triển mà queo quắt, to cỡ hai ba ngón tay, trong khi trái phát triển bình thường nặng chừng 400-700 gr. Có thể hình dung dưa đèo qua mấy câu thơ chân chất không rõ của nhà thơ nào, nhưng thỉnh thoảng ăn dưa đèo tôi lại nhớ đến:
“Dây dưa yếu ớt lại cong queo Nhỏ nhắn thon thon, phận bọt bèo
Đèo đẹt, xanh xao, dòn tí tẹo
Mảnh mai, gầy guộc, ngọt tèo teo...”
|
Nhưng với người ưa thích thì trái dưa đèo quê mùa, kém phát triển đó lại là thứ dưa ngon ngọt nhất. Dường như dưa đèo dồn hết tất cả tinh túy của một trái dưa gang to vào trong một thân mình bé xíu ấy, nên đặc biệt ngon hơn dưa gang loại lớn.
Dưa đèo ngon nhất là rửa sạch, cắt ra ăn tươi, chấm mắm ruốc có giã ớt. Trái dưa tươi giòn tan, rất thơm ngon quyện với mắm ruốc mằn mặn cay nồng. Nhưng để giữ dưa đèo ăn lâu ngày trong nhà, thì mua thật nhiều về đem muối. Muối dưa đèo đơn giản, chỉ cần rửa sạch, để ráo, sau đó xếp một lớp dưa, một lớp muối mỏng cho đến hết rồi dằn lại, đậy kín hai ba ngày là có thể mang ra ăn từ từ.
Cách ăn dưa đèo muối cũng rất giản dị, chỉ cần cắt mỏng, trộn với tỏi, ớt, nước mắm, đường, ít dầu phụng phi và đậu phụng giã là đã có món ăn cơm ngon lành. Thuở nhỏ, mỗi khi về quê ngoại, ông ngoại làm món này rất ngon nên lũ cháu chúng tôi đều bị “nghiện” dưa đèo. Má tôi lại có cách ăn đậm đà hơn một chút, đó là cắt dưa thành từng khúc dày nửa lóng tay, trộn với mắm nêm có xác cá cơm, đã pha ớt, tỏi, bột ngọt, đường... Trời se lạnh ăn món này với cơm trắng thì... ngon vô cùng tận. Ngày thường, má lại mang dưa ra kho với thịt ba chỉ, hoặc um cá đối, cá hố. Lâu dần thành quen, đến mùa dưa là tôi lại chăm chăm tìm dưa đèo trong chợ, muối để dành. Nhưng không phải lúc nào cũng có...
Diệu Hiền
>> Đau dạ dày không ăn dưa muối
>> Mang gạo và dưa muối đến trường
Bình luận (0)