Đưa giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại

Thu Hằng
Thu Hằng
30/05/2024 07:09 GMT+7

Khác với các cấp học khác, giáo viên mầm non có chế độ lao động đặc biệt nhất, làm việc liên tục từ đầu giờ sáng đến cuối giờ chiều, và điều kiện lao động cũng tương đương với mức nặng nhọc, độc hại.

Theo đề tài nghiên cứu về hiện trạng điều kiện lao động của giáo viên (GV) bậc học mầm non được Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động (Tổng liên đoàn Lao động VN) thực hiện mới đây, GV mầm non (GVMN) chịu tác động của các yếu tố rất đặc trưng như: tiếng ồn, căng thẳng, mệt mỏi khi làm việc cả ngày, yêu cầu trách nhiệm cao...

Làm việc trung bình khoảng 10 giờ/ngày

Cụ thể, TS Nguyễn Thị Hiền, Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho hay ngoài những yêu cầu về năng lực chung của GV thì GVMN còn phải thành thạo các năng lực chuyên biệt để đảm bảo thực hiện các hoạt động đặc thù trong nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. GVMN phải có năng lực thích ứng nghề, chính điều này làm cho lao động của nghề GVMN đặc thù hơn GV ở các bậc học khác.

Đưa giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại- Ảnh 1.

Nghề giáo viên mầm non có những đặc tính riêng rất vất vả

NHẬT THỊNH

"Thời gian qua, chưa có nghiên cứu nào công bố kết quả đánh giá điều kiện lao động GVMN. Để cung cấp cơ sở khoa học cho các cơ quan liên quan và làm cơ sở cho việc đề xuất Bộ LĐ-TB-XH công nhận GVMN là ngành nghề nặng nhọc trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, Viện Khoa học an toàn lao động đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu", bà Hiền nói.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 440 GVMN đang giảng dạy và thu được số liệu của 418 GVMN cả 4 nhóm lớp: nhà trẻ, mẫu giáo bé; mẫu giáo nhỡ; mẫu giáo lớn. Trong đó có 120 GV miền Bắc; 119 GV miền Nam; miền Trung có 134 GV; miền núi có 45 GV.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong các cấp học thì GVMN có chế độ lao động đặc biệt nhất, GV làm việc liên tục từ sáng (đầu ca) đến chiều (cuối ca), không giống như các cấp học khác hết tiết dạy có thể về. Các cô giáo có mặt tại trường theo quy định từ 7 giờ để mở phòng đón trẻ, cho trẻ ăn sáng và rời khỏi trường là 17 giờ (sau khi trả trẻ xong), có thể muộn hơn. "Như vậy, thời gian làm việc của các cô trung bình là khoảng 10 giờ/ngày", bà Hiền cho hay.

Điều kiện làm việc tương đương với nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Kết quả của đề tài được thực hiện theo quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động của Bộ LĐ-TB-XH đã cho thấy, có 92,82% đối tượng khảo sát có điều kiện làm việc tương đương với lao động được xếp loại 4 (nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm), 6,7% tương đương điều kiện lao động xếp loại 3 (nghề, công việc không nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) và có 2 đối tượng tương đương với lao động xếp loại 5 (nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm).

Đưa giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại- Ảnh 2.

Tuy làm việc ở nơi “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, nhưng bản chất của nghề GVMN rất nặng nề

NHẬT THỊNH

Khảo sát, đánh giá về vệ sinh môi trường lao động cũng cho thấy điều kiện làm việc rất đặc trưng của GVMN là tiếp xúc với tiếng ồn của trẻ, số trẻ trong một lớp đông... Kết quả, yếu tố tiếng ồn cao hơn tiêu chuẩn cho phép 15,08 dB (đơn vị đo của tiếng ồn). Phản xạ thính, thị vận động cao hơn tiêu chuẩn cho phép so với điều kiện làm việc bình thường, tương đương điều kiện lao động loại 4.

Về mức hoạt động não lực khi làm việc, mức độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh tương đương điều kiện lao động loại 4.

Với điểm trung bình cộng của các yếu tố trong điều kiện lao động tương đương với điều kiện lao động loại 4, nhóm nghiên cứu đề xuất các cơ quan quản lý xem xét đưa ngành GVMN vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại VN.

Bà Hiền cho hay: "Kết quả này của chúng tôi cũng phù hợp với kiến nghị của Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ LĐ-TB-XH xét công nhận nghề GVMN thuộc ngành nghề nặng nhọc và độc hại. Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH xem xét đưa GVMN vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại".

Đề xuất cho GVMN được nghỉ hưu sớm ở tuổi 55

Trong 4 năm qua, Công đoàn giáo dục VN và Tổng liên đoàn Lao động VN đã nhiều lần kiến nghị xếp GVMN vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đây là cơ sở để GVMN được nghỉ hưu sớm 5 năm bởi theo quy định hiện hành, lao động từ đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Y tế ban hành, được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không quá 5 năm) so với tuổi nghỉ hưu bình thường.

Công đoàn giáo dục VN đã thực hiện khảo sát cán bộ quản lý và GV trực tiếp giảng dạy. Kết quả 96% người được khảo sát kiến nghị cho GVMN được nghỉ hưu ở tuổi 55.

Những thầy giáo mầm non hiếm hoi bám nghề: 800 sinh viên mới có 1 nam sinh

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách (Tổng liên đoàn Lao động VN), bày tỏ: "GVMN là nhóm có đặc thù riêng, nhưng chưa thuộc đối tượng để được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm. Ngay từ khi bắt đầu xây dựng bộ luật Lao động cũng như các chế độ chính sách, Tổng liên đoàn Lao động VN luôn thống nhất đề nghị đưa đối tượng GVMN vào nhóm được nghỉ hưu sớm, vì họ có đặc thù nghề nghiệp, hầu như GVMN không thể nghỉ hưu ở tuổi 60 với nữ, 62 với nam".

Theo ông Quảng, qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, công đoàn nhận thấy nguyện vọng đó là hoàn toàn phù hợp để điều chỉnh.

Trong tháng 5, Bộ GD-ĐT đã công bố xin ý kiến dư luận đề xuất cho GVMN được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định. Bộ GD-ĐT cho rằng điều này đảm bảo phù hợp với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non và phù hợp với hiện trạng điều kiện lao động của GVMN.

Trước đó, tiếp thu ý kiến các cử tri của một số tỉnh kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho GVMN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá thêm các yếu tố đặc trưng về điều kiện lao động của nghề này.

Những nghề nào thuộc nhóm nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Năm 2020, Bộ LĐ-TB-XH ban hành Thông tư số 11 về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo đó, có 1.830 nghề, công việc được xếp vào danh mục, gồm: khai thác khoáng sản: 108 nghề/công việc; cơ khí, luyện kim: 180 nghề/công việc; hóa chất: 159 nghề/công việc; vận tải: 100 nghề/công việc; xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi: 58 nghề/công việc; dầu khí: 119 nghề/công việc; điện: 100 nghề/công việc; thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông: 39 nghề/công việc; sản xuất xi măng: 39 nghề/công việc; sành sứ, thủy tinh, nhựa tạp phẩm, giấy, gỗ: 52 nghề/công việc; da giày, dệt may: 58 nghề/công việc; nông nghiệp và lâm nghiệp (bao gồm trồng trọt, khai thác, chế biến nông, lâm sản, chăn nuôi - chế biến gia súc, gia cầm): 118 nghề/công việc; thương mại: 47 nghề/công việc; y tế và dược: 66 nghề/công việc; vệ sinh môi trường: 27 nghề/công việc; hàng không: 55 nghề/công việc; thể dục - thể thao, văn hóa thông tin: 47 nghề/công việc; cao su: 19 nghề/công việc; thương binh và xã hội: 14 nghề/công việc; giáo dục - đào tạo: 4 nghề/công việc…

Trong năm 2023, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Thông tư 05 quy định danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Với danh mục này, có 20 ngành, nghề trình độ trung cấp nhóm nghệ thuật trình diễn gồm: các nghề biểu diễn dân ca, chèo, tuồng, cải lương, kịch múa, múa dân gian dân tộc, xiếc; dân ca quan họ, kịch nói; nhạc cụ truyền thống, nhạc cụ phương Tây (cả cao đẳng), đờn ca nhạc tài tử Nam bộ; nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, organ, thanh nhạc (cả cao đẳng), chỉ huy hợp xướng; các nghề diễn viên kịch - điện ảnh, sân khấu kịch hát, múa.

Ngày 29.12.2023, Bộ LĐ-TB -XH ban hành Thông tư 19 bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gồm 51 nghề, công việc thuộc 3 lĩnh vực: xây dựng, vận tải, thương binh và xã hội.

Nhiều GVMN bỏ việc

Cả nước có hơn 378.000 GVMN, tăng gần 97.000 người so với năm học 2013 - 2014. Tổng số trẻ mầm non trên cả nước là gần 4,5 triệu trẻ em, tăng 250.000 trẻ em so với năm học 2013 - 2014 (tăng gần 6%). Bộ GD-ĐT dự báo, đến năm 2030 có thể thiếu 55.416 biên chế GVMN.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng GVMN bỏ việc và việc tuyển dụng GV ở nhiều địa phương không đáp ứng được nhu cầu, do áp lực công việc của GVMN rất lớn, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp. Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, tính từ tháng 8.2023 - 4.2024 có 7.215 GV nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, GV nghỉ việc, chuyển việc ở bậc mầm non cao, khoảng 1.600 người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.