Đưa hàng 'ngon, bổ, rẻ' tới với người thu nhập thấp

Nguyên Nga
Nguyên Nga
13/07/2024 06:15 GMT+7

Dù lương cơ sở tăng cao nhất từ trước tới nay nhưng tâm lý tiết kiệm chi tiêu vẫn khá phổ biến, đặc biệt trong giới công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Để người thu nhập thấp có thể mở hầu bao khiêm tốn của mình, mua được hàng hóa chất lượng tốt với giá tốt nhất trong mùa kích cầu mua sắm quy mô, TP.HCM đã có nhiều giải pháp thiết thực.

Bán hàng lưu động tới khu chế xuất, khu công nghiệp

Thông tin tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết do đã dự báo rằng từ ngày 1.7, việc tăng lương có thể tạo tâm lý nâng giá bán của các nhà bán lẻ, gây tác động dây chuyền nên cơ quan quản lý đã có phương án dự phòng từ rất sớm. Khảo sát mặt bằng giá cả tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TP cho thấy giá nhiều mặt hàng thiết yếu từ sau ngày 1.7 so với trước chưa có dấu hiệu "tát nước theo mưa". 

Đặc biệt, chương trình khuyến mại tập trung của TP.HCM (đợt 1 diễn ra từ ngày 15.6 - 15.9) được xem là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm và là giải pháp kích cầu tiêu dùng đang được các doanh nghiệp (DN) hưởng ứng. Thậm chí, nhiều DN tham gia chương trình với mức khuyến mại lên đến 100%. Tuy nhiên, nếu chỉ có DN hưởng ứng một chương trình khuyến mại bán hàng thôi thì chưa đủ mà cần làm thế nào để người có thu nhập thấp vẫn có thể hưởng lợi từ chương trình khuyến mại tập trung quy mô này mới là điều quan trọng.

Đưa hàng 'ngon, bổ, rẻ' tới với người thu nhập thấp- Ảnh 1.

Nhiều hệ thống bán lẻ sẽ tham gia bán hàng lưu động trong thời gian tới

Hoàng Hy

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, khẳng định đó chính là điểm mới của chương trình khuyến mại tập trung năm nay. Từ đầu tháng 8 tới, Sở Công thương TP.HCM sẽ tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ người lao động thu nhập thấp ở các quận, huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Trước mắt, Sở sẽ làm việc với các quận, huyện để đăng ký các điểm bán tại địa phương, chú trọng những khu vực có đông công nhân, khu vực người lao động ở trọ tập trung đông…. Đây là nhóm khách hàng khó có cơ hội tiếp cận thường xuyên việc mua sắm hàng hóa trong các siêu thị, nơi diễn ra các chương trình khuyến mại lớn. 

Đáng chú ý năm nay, bán lưu động không chỉ hàng Việt mà còn có sự góp mặt của các thương hiệu lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia qua sự vận động của Sở. Thế nên, người thu nhập thấp, công nhân vẫn có cơ hội mua sắm hàng hóa chất lượng tốt, giá tốt tại các xe bán hàng lưu động. Ông Phương nhấn mạnh: "Trong quá trình triển khai, chúng tôi tính toán kiểm soát kỹ lưỡng để người tiêu dùng hưởng được khuyến mại thực chất hiệu quả".

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương TP.HCM, cập nhật đến chiều 11.7, qua làm việc với một số quận huyện, đã có khoảng 20 điểm bán hàng lưu động được đăng ký. Dự kiến trong thời gian tới, số điểm đăng ký bán hàng lưu động từ hệ thống phân phối, DN sản xuất kinh doanh sẽ tăng mạnh. Trung bình mỗi điểm bán hàng kéo dài từ 2 - 3 ngày, chủ yếu là hàng thiết yếu với mức giá tốt nhất có thể.

Một trong những đơn vị bán lẻ tham gia chương trình bán hàng lưu động đến các khu vực có đông người lao động, thu nhập thấp, khu công nghiệp, khu chế xuất… nhiều nhất và quanh năm phải kể đến Saigon Co.op. Đại diện Saigon Co.op nhận định: Trong 6 tháng đầu năm, nhìn chung người dân vẫn có xu hướng tiết kiệm chi tiêu và hệ thống bán lẻ Saigon Co.op đã thực hiện rất nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ khách hàng mua sắm. Chẳng hạn, phiên chợ đồng giá từ 10.900 đồng trở lên vào các khung giờ quy định trong ngày với hơn 100 mặt hàng. Nhờ vậy, doanh thu từ các nhóm hàng bình ổn cũng tăng trưởng khá ổn định.

Trong tháng 7, WinCommerce (đơn vị chủ quản hệ thống siêu thị WinMart, WinMart+, WiN) đã và đang triển khai 2 kỳ khuyến mại lớn trên toàn hệ thống với hơn 600 mặt hàng đặc trưng trong mùa hè, đặc biệt là trái cây nhiệt đới đang được giảm giá lên tới 53%. Đặc biệt, những nhãn hàng hóa mỹ phẩm của các công ty nước ngoài tham gia giảm giá sâu lên đến 33%. Trước đó, WinCommerce đã vinh danh 10 đối tác chiến lược đồng hành trong dự án WinMart+ tại vùng nông thôn, chuyên lĩnh vực hàng tiêu dùng như: Masan, Coca-Cola VN, Unilever VN, Sabeco, Sữa quốc tế IDP, Orion Vina, bột giặt Lix… Đây cũng là những thương hiệu đã và đang đồng hành với hệ thống bán lẻ WinMart+ trong các chương trình bán hàng hỗ trợ người tiêu dùng thu nhập thấp, ở vùng sâu vùng xa…

Đưa hàng 'ngon, bổ, rẻ' tới với người thu nhập thấp- Ảnh 2.

Công nhân, người lao động có thu nhập thấp cũng có nhu cầu mua được hàng chất lượng, giá tốt

Độc Lập

Chú trọng kích cầu cho cả phía doanh nghiệp

Ông Đinh Quang Khôi, đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market VN, chia sẻ trong bối cảnh thị trường nhiều biến động phức tạp, hệ thống đã nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp. Tuy nhiên, mục đích đưa ra từ trước là đồng hành cùng TP.HCM nên hệ thống cố gắng kìm hãm sự tăng giá một cách phù hợp. Đặc biệt, nhằm kích cầu tối đa, tăng cơ hội mua sắm cho người có thu nhập thấp từ chương trình đặc biệt do Sở Công thương đề ra, đại diện MM Mega Market VN đề xuất nên kéo dài chương trình bán hàng lưu động tới cuối năm này. Nói về việc này, ông Nguyễn Minh Hùng cho biết chương trình bán hàng lưu động bước đầu được tổ chức thí điểm và nếu thấy hiệu quả, chắc chắn sẽ xem xét để kéo dài hơn nhằm tăng cơ hội mua sắm của người thu nhập thấp trên địa bàn TP, giúp DN tăng sản lượng, doanh số bán hàng…

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bày tỏ sự ủng hộ với các chương trình có mục đích mang lại lợi ích cho người thu nhập thấp. Ông nói cách triển khai chương trình bán hàng lưu động của Sở Công thương TP.HCM không mới, bởi trong đại dịch Covid-19 hay vào những dịp trước tết Nguyên đán, TP cũng thường tổ chức các chương trình như thế này. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là chương trình kích cầu trong tổng thể một chương trình khuyến mại bán hàng lớn. Qua đó, giúp người dân thuộc mọi tầng lớp từ thành thị đến nông thôn, từ giới trung lưu đến lao động phổ thông, công nhân… có cơ hội mua được nhiều hàng hóa chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá hợp lý, thậm chí giá tốt hơn khi mua ngoài chợ vào ngày thường. Như vậy, nếu tổ chức đều đặn, chương trình này giúp kích cầu đáng kể, có lợi cho cả DN lẫn người tiêu dùng "nhà nghèo". Việc DN tham gia chương trình cũng là cách quảng bá thương hiệu tốt, có hiệu ứng xã hội cao trong bối cảnh người dân còn "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu và quỹ dành cho quảng cáo, tiếp thị hàng hóa của DN có giới hạn.

Tuy nhiên, ông Phú lưu ý: Vấn đề quan trọng nữa là cho dù mục đích phục vụ người thu nhập thấp, nhưng có thu nhập mới giúp sức mua tăng được. Nên ngoài việc tăng lương, cần chú trọng việc tạo ra công ăn việc làm ổn định, có thu nhập ổn định thì hiệu quả các chương trình kích cầu mới cao. Bởi có thu nhập ổn định, người dân mới dám chi tiêu. Mặt khác, chính sách kích cầu cần hỗ trợ phía DN thì mới bảo đảm tính lâu bền. Đó là gác cổng thương mại hiệu quả nhằm tránh hàng gian, hàng giả, gian lận trốn thuế trà trộn vào thị trường; nhà nước phải tạo một thị trường kinh doanh tử tế, minh bạch, không có sự chèn ép nhau kiểu cá lớn nuốt cá bé; tiếp tục các chính sách giảm thuế thu nhập, giảm một số loại phí gián tiếp để DN bớt gồng gánh các loại phí gây tổn hại đến doanh thu cũng như khoản lợi nhuận đang giảm của họ…

Chương trình khuyến mại tập trung năm 2024 của TP.HCM dự kiến có gần 10.000 thương nhân tham gia với trên 55.000 chương trình ở các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ ngân hàng, trung gian thanh toán, giao thông vận tải ...Tham gia chương trình, DN được khuyến mại lên đến 100%. Đợt 1 diễn ra từ 15.6 - 15.9; đợt 2 từ ngày 15.11 - 31.12.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.