Đây là thông tin được ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB-XH) chia sẻ tại hội thảo "Thúc đẩy việc làm và an sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng" do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức chiều 11.12.
Theo ông Lưu Quang Tuấn, Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong sau Nam Phi và Indonesia tham gia vào Tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một loạt quốc gia và tổ chức tài chính hàng đầu, nhằm huy động 15,5 tỉ USD tài chính công và tư nhân trong 3 - 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Việc tham gia JETP thể hiện nhận thức mạnh mẽ của hệ thống chính trị Việt Nam về sự cần thiết phải thúc đẩy hành động hướng tới các mục tiêu và mục đích dài hạn của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước Khí hậu Glasgow,…
Tuy nhiên, ông Lưu Quang Tuấn cho hay trong thực tế sẽ vẫn có những nhóm người dân không thể theo kịp quá trình chuyển đổi năng lượng và vận hành thị trường carbon, đặc biệt, nhóm người nghèo, nhóm thu nhập có thể chịu tác động lớn, nên sẽ bị rủi ro không có việc làm, mất việc làm. Do vậy, đòi hỏi phải có chính sách an sinh xã hội cũng như các chính sách hỗ trợ để họ tiếp cận được năng lượng sạch; hỗ trợ chuyển đổi việc làm, phát triển sinh kế bền vững và tạo việc làm thỏa đáng, việc làm xanh.
"Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đòi hỏi các kỹ năng mới nên hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đào tạo phải có sự điều chỉnh, đổi mới để đáp ứng nhu cầu mới, dự báo được số việc làm mới tạo ra hoặc mất đi của nền kinh tế", ông Tuấn bày tỏ.
Chia sẻ thêm những thách thức của quá trình này đối với việc làm, thị trường lao động, TS Chử Thị Lân, Viện Khoa học lao động và xã hội, cho hay dịch chuyển việc làm trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng có thể đòi hỏi những thay đổi đáng kể đối với các ngành năng lượng, giao thông vận tải và sản xuất, điều này có thể dẫn đến việc dịch chuyển người lao động trong các ngành đó.
Theo bà Lân, cần có chính sách đảm bảo rằng người lao động trong các ngành này được tiếp cận với đào tạo lại và hỗ trợ để chuyển sang công việc mới. Ngay cả khi việc làm mới được tạo ra trong các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, người lao động có thể không có kỹ năng hoặc trình độ cần thiết để đảm nhận những vị trí đó. Điều này có thể dẫn đến sự không phù hợp giữa các kỹ năng của lực lượng lao động hiện có và nhu cầu của nền kinh tế xanh mới nổi.
Bên cạnh thách thức, đây cũng là cơ hội thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng, đầu tư chuyển đổi để người lao động đủ năng lực và hưởng lợi từ những cơ hội mới. "Chuyển đổi công bằng vừa là một quá trình vừa là một mục tiêu nhằm duy trì và tạo ra việc làm thỏa đáng và việc làm xanh,… đồng thời giúp những người và cộng đồng bị ảnh hưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các nhóm chính sách thích ứng quá trình chuyển đổi gồm: chính sách thị trường lao động tích cực, giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ hỗ trợ tạo việc làm, dịch vụ thông tin thị trường lao động, việc làm công…", bà Lân nói.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đánh giá đây là "cơ hội vàng" để Việt Nam có thể đảm bảo, nâng cấp an sinh xã hội, việc làm xanh… Người lao động cần trang bị kỹ năng để chuyển đổi việc làm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Bình luận (0)