Trong năm 2022, Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ phối hợp Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức triển lãm lưu động tại 14 trường THCS, THPT thuộc 7 quận, huyện vào các tháng 4, 5, 9, 10. Tại mỗi trường, triển lãm kéo dài 1 tuần.
Tác phẩm của Báo Thanh Niên (bìa phải) được Nhà trưng bày Hoàng Sa tuyển chọn giới thiệu cho học sinh TP.Đà Nẵng |
HOÀNG SƠN |
Nội dung trưng bày lưu động gồm 3 chủ đề chính: lịch sử xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; hình ảnh vươn khơi bám biển Hoàng Sa; hoạt động bảo vệ chủ quyền trong tình hình hiện nay. Trong đó, về chủ đề lịch sử, Nhà trưng bày Hoàng Sa hệ thống tư liệu, sắp xếp theo tiến trình lịch sử, kéo dài từ thế kỷ 17 đến nay (gồm thư tịch, bản đồ, tư liệu, hình ảnh). Chủ đề vươn khơi bám biển có các tư liệu, hình ảnh về sự kết hợp giữa hoạt động kinh tế và bảo vệ chủ quyền của ngư dân. Đối với chủ đề hoạt động bảo vệ chủ quyền thì tư liệu báo chí chiếm trọng tâm, góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo trong mọi tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và dư luận quốc tế.
Đáng chú ý, xuyên suốt cuộc triển lãm lưu động lần này, tác phẩm Cơ duyên phục chế “bản tuyên ngôn” chủ quyền (Báo Thanh Niên ngày 19.1.2022) được Nhà trưng bày Hoàng Sa tuyển chọn, giới thiệu đến các em học sinh.
TS Lê Tiến Công, Phó giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, cho biết triển lãm lưu động là hoạt động mang tính định hướng lâu dài nhằm tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về truyền thống lịch sử, chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Lâu nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo.
“Vì không gian nhà trưng bày hạn chế và ở địa điểm khá xa so với các trường học nên nhà trưng bày và Thành đoàn đã phối hợp để đưa triển lãm về Hoàng Sa đến tận trường học, giúp các học sinh tiếp cận thông tin về chủ quyền biển đảo thuận lợi và trực quan nhất”, TS Lê Tiến Công nói.
Bình luận (0)