Đưa học sinh trở thành công dân toàn cầu

08/09/2023 04:27 GMT+7

Trong thư Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2023 - 2024 nổi bật thông điệp giúp học sinh phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu.

Thời gian qua, bằng nhiều cách khác nhau, nhiều trường công quyết liệt giúp học sinh (HS) trở thành những công dân toàn cầu.

Nói chuyện lịch sử bằng tiếng Anh với học trò

Mười mấy năm trước, khi mà chương trình tiếng Anh tích hợp còn chưa được triển khai thì tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), thầy Lê Vĩnh Phúc được các học trò ngưỡng mộ và trân quý vì rất giỏi tiếng Anh, có cơ hội là nói tiếng Anh cùng học trò để rèn luyện phản xạ cho các em.

Đưa học sinh trở thành công dân toàn cầu   - Ảnh 1.

Nhiều trường công lập tại TP.HCM được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, trong đó có các phòng học STEM (hoặc STEAM) để học sinh có cơ hội tiếp cận với công nghệ, sáng tạo, kỹ thuật

NHẬT THỊNH

Trong bài giảng các môn của mình, thầy Phúc luôn "thử thách" học trò như thi thoảng đọc đề toán cho học trò bằng tiếng Anh, kể chuyện lịch sử bằng tiếng Anh, nêu câu hỏi địa lý bằng tiếng Anh. Học trò thích thú, giơ tay rào rào.

"Càng ngày, phản xạ với tiếng Anh của các em càng xuất sắc. Điều này càng thôi thúc chúng tôi phải tự học hỏi nhiều hơn để dạy học trò. Trong một cuộc thi sáng tạo khoa học và thuyết trình bằng tiếng Anh mà nhóm HS của trường giành giải khuyến khích cấp quận, các em đã tự tin thuyết trình song song bằng cả tiếng Anh, tiếng Việt với chủ đề về phòng chống bạo lực học đường. Tôi rất hạnh phúc khi chứng kiến những giây phút ấy", thầy Phúc nói.

Tâm huyết với việc đưa HS tiếp cận các cuộc thi rèn luyện tư duy, kỹ năng làm việc nhóm, phát triển năng lực ngoại ngữ, ở Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1) còn có thầy giáo Nguyễn Ngọc Hổ. Các cuộc thi toán quốc tế như Violympic toán tiếng Anh, toán quốc tế Kangaroo Math… năm nào thầy Hổ và thầy Phúc cũng đều hướng dẫn, động viên HS đi thi.

Cô Hà Ánh Phượng, giáo viên (GV) tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (H.Thanh Sơn, Phú Thọ), những năm gần đây được biết đến là một GV luôn nỗ lực để HS "trường làng" tiếp cận, giao lưu với HS và nền giáo dục tiên tiến.

Ngôi trường cô đang công tác có tới 85% HS là đồng bào dân tộc ít người. Nhờ vào công nghệ thông tin và mạng internet, cô giáo thế hệ 9X đã đưa HS của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới và thực hiện nhiều dự án quốc tế trên 51 quốc gia trên thế giới. Cô Phượng chia sẻ: "HS ở VN, Mỹ và Ấn Độ… dù khác nhau về màu da và khoảng cách địa lý nhưng hằng ngày vẫn có thể trò chuyện với nhau về những câu chuyện văn hóa và cuộc sống".

Theo cô Phượng, khi mới làm quen với những giờ học xuyên biên giới, HS vốn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số rất e dè. Thế nhưng, giờ đây khi nhìn các em tự tin giao tiếp tiếng Anh, cô Phượng tin rằng các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai.

Đưa học sinh trở thành công dân toàn cầu   - Ảnh 2.

Ngày càng nhiều trường phổ thông thực hiện theo mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập để học sinh tự tin khi bước ra thế giới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Vươn ra sân chơi lớn với STEM

Thời gian qua nhiều trường công lập tại TP.HCM được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, trong đó có các phòng học STEM (hoặc STEAM - viết tắt của các từ Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật, Art - nghệ thuật và Math - toán học), để HS được tiếp cận, làm quen với môn STEM-Robotics.

Ngày 5.9, Trường THCS Cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) được khánh thành khang trang với 30 lớp học, nhiều phòng bộ môn, chức năng, sân chơi, hội trường… và đặc biệt có riêng một phòng STEAM với thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu sáng tạo của HS.

Đào tạo song bằng

Từ năm 2017, Hà Nội là địa phương duy nhất cho phép triển khai chương trình đào tạo song bằng tú tài chương trình VN và Anh quốc tại trường THPT công lập đầu tiên là Trường THPT Chu Văn An; đến năm 2018 mở rộng thêm với Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. HS thi đỗ và nhập học hệ song bằng ở các trường THPT được thành phố cho phép giảng dạy thí điểm hệ này sẽ có thêm cơ hội lấy bằng tú tài Anh quốc theo chương trình Cambridge, lấy chứng chỉ A level ngay tại VN, song song với bằng tốt nghiệp THPT quốc gia. Đến năm học 2018 - 2019, thực hiện thí điểm lớp 6 hệ song bằng ở 7 trường THCS.

Tháng 1, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn triển khai thí điểm chương trình và nhận được nhiều phản hồi tích cực. HS hệ song bằng của hai trường đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế.

Môn STEM-Robotics cho HS thêm cơ hội thử sức tại các sân chơi quốc tế, học hỏi những người bạn xuất sắc ở nhiều quốc gia, tăng thêm cơ hội kết nối như kỳ thi WRO - Robotacon hằng năm. Sau thời gian gián đoạn vì dịch, năm nay chung kết thế giới WRO - Robotacon 2023 sẽ diễn ra tháng 11 tại Panama mà VN có 14 đội tham gia.

Trường tiểu học Linh Chiểu (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là một trong những trường tiểu học triển khai hiệu quả chương trình STEM, các câu lạc bộ, hoạt động lồng ghép, ngày hội STEM… trong thời gian qua, từ đó giúp HS có thêm nhiều cơ hội được cọ sát, học hỏi. Trường hiện có phòng học thí nghiệm khoa học thông minh do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Ngoài các thiết bị như máy tính bảng, hệ thống quản lý, phòng học được trang bị kính thực tế ảo VR giúp HS tại đây thực hiện các thí nghiệm mô phỏng…

Suốt các năm học qua, HS Trường tiểu học Lương Thế Vinh dưới sự đồng hành của thầy Phúc, thầy Hổ đã giành nhiều giải thưởng các cuộc thi về robot quốc gia và nhiều lần được tham gia các cuộc thi quốc tế. Năm học 2022 - 2023, nhóm 6 HS của trường đã tham gia cuộc thi International Robothon tại Malaysia và giành 1 giải ba, 2 giải khuyến khích, lá cờ đỏ sao vàng VN được giơ cao trên sân khấu trong niềm hạnh phúc vỡ òa.

Chiến lược để hội nhập

Đó là định hướng và mục tiêu của các trường THPT tại TP.HCM, đặc biệt là nhóm các trường thực hiện theo mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập.

Hiệu trưởng một trường THPT có tiếng tại Q.1 (TP.HCM) cho hay bên cạnh việc tạo điều kiện hỗ trợ tối đa HS tiếp cận và đạt những tiêu chí để có thể tham gia chính sách ưu tiên xét tuyển của các trường ĐH trong nước thì đến lúc phải tính toán đến xây dựng chiến lược để các em hội nhập và cạnh tranh với HS quốc tế.

Khi trường chuyên không còn "luyện gà nòi"

Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) những năm gần đây đã có nhiều chuyển động theo hướng xóa bỏ quan điểm trường chuyên chỉ là nơi luyện "gà nòi, đi thi lấy giải", đào tạo HS chuyên về kiến thức hàn lâm. Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Hiệu phó Trường Phổ thông Năng khiếu, cho hay kể từ năm học 2022 - 2023, trường đã sắp xếp lại chương trình cơ bản theo hướng thu gọn và dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp. Những xu thế giáo dục này sẽ giúp HS của trường tự tin khi bước ra thế giới, trở thành công dân toàn cầu.

Theo ông Dũng, các hoạt động ngoại khóa như nâng cao năng lực tư duy hướng đến kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH trong nước và quốc tế (SAT) hay nâng cao năng lực ngoại ngữ gồm tiếng Đức, Nhật, Pháp, Hoa. Đó còn là việc thực hiện chương trình các học phần liên thông với các trường ĐH nước ngoài như tổ chức dạy và thi AP… Bên cạnh đó là các hoạt động CLB đội nhóm, thiện nguyện, các dự án bảo vệ các giá trị phi vật thể, dự án về văn hóa đọc…

Ngoài chương trình phổ thông trong nước, các kế hoạch giáo dục của nhà trường xây dựng hướng đến đạt chuẩn quốc tế về kiến thức, năng lực tiếng Anh, tin học… Thêm vào đó, không thể thiếu các hoạt động CLB, chương trình hoạt động cộng đồng. Chẳng hạn, ngoài rèn luyện thể chất thì mỗi HS hướng đến mục tiêu phải chơi được ít nhất một môn thể thao, nghệ thuật…

Cũng với định hướng HS hội nhập quốc tế, bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), thông tin trường lên kế hoạch bố trí GV có kinh nghiệm hỗ trợ HS trong việc chuẩn bị profile (bản tóm tắt giới thiệu về bản thân, năng lực) để tham gia các chương trình học bổng, ứng tuyển vào các trường ĐH trên thế giới đạt hiệu quả tối ưu.

Theo bà Tâm, ngoài việc tổ chức các hoạt động cộng đồng, thúc đẩy HS tham gia thì thời gian tới, các chứng chỉ hay chứng nhận, nhà trường biên soạn theo hình thức song ngữ để tiến đến hội nhập theo đúng mô hình trường đang thực hiện là trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập. Như vậy, trong hồ sơ cá nhân của HS thể hiện rõ những nội dung, hoạt động, năng lực, phẩm chất để bất kỳ trường ĐH nào trên thế giới đều có thể đánh giá và xét duyệt một cách bài bản nhất. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.