HỌC VỚI GIẢNG VIÊN NƯỚC NGOÀI
Cũng với kiến thức về quang phổ học hay cân bằng hóa học nhưng lần đầu học sinh (HS) lớp 10, 11 chuyên hóa Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM) được học, tương tác kiến thức với giảng viên người nước ngoài.
Theo đó, thông qua sự giới thiệu của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân mời giáo sư trường ĐH nước ngoài về thỉnh giảng 2 tuần với thời lượng dạy 4 tiết/tuần.
Ông Phùng Nhật Anh, Hiệu phó nhà trường, cho biết ban đầu nhà trường sắp xếp giảng viên thỉnh giảng hỗ trợ phần ngôn ngữ. Tuy nhiên, tiếng Anh không còn là rào cản khi HS tự tin tương tác và vô cùng thích thú với cách truyền thụ mới của giáo sư dù giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Vũ Ngọc Minh Đức, HS lớp 10CH, chia sẻ đã có trải nghiệm quý giá và học được thêm nhiều kiến thức mới, thú vị, nhất là được học hóa bằng tiếng Anh. Không chỉ vậy, Đức còn mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi cũng như tranh thủ hỏi thêm về phương pháp học của HS Mỹ để nâng cao khả năng tự học. Đức cũng cho biết, qua việc trao đổi với giáo sư trong các tiết học thì được biết, HS Mỹ học chủ động, học qua việc tư duy, học qua hỏi nhiều hơn, học bằng tâm thế thoải mái chứ không nặng nề về điểm số. "Ngoài kiến thức môn học, em nghĩ đây là điều bổ ích nhất mà em thu nhận được từ buổi đứng lớp của giáo sư, từ đó sẽ có những điều chỉnh trong phương pháp học tập của mình", Đức nói.
Một giáo viên tổ hóa sinh của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân chia sẻ, tham dự tiết dạy của giáo sư Mỹ, bản thân giáo viên cũng học hỏi thêm. Đây là cơ hội để giáo viên thay đổi phương pháp tiếp cận HS trong môn học, mang đến cho các em giờ học nhẹ nhàng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phùng Nhật Anh cho biết tới đây trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các trường ĐH để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
THÚC ĐẨY HỌC SINH TƯ DUY ĐA CHIỀU
Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhiều năm qua thúc đẩy HS tư duy đa chiều, nâng cao năng lực, tạo dấu ấn khác biệt cho bản thân.
Thầy Lê Văn Nam, giáo viên hóa học, luôn đồng hành cùng HS tham gia nhiều cuộc thi nghiên cứu khoa học, sáng tạo.
"Những cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp được nhà trường ủng hộ, khuyến khích HS tham gia. Từ đây các em được phát triển kỹ năng nghiên cứu và giải quyết vấn đề, được tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình học tập. HS phải đối mặt với các vấn đề phức tạp, yêu cầu đưa ra các giải pháp độc đáo, và tạo ra các dự án sáng tạo. Sự cạnh tranh trong các cuộc thi kích thích HS nỗ lực hơn, quyết tâm hơn trong học tập và nghiên cứu, HS biết tự quản lý thời gian, học cách làm việc nhóm và phát triển nhiều kỹ năng khác, để từ đó các em thấy rằng kiến thức không chỉ dừng lại ở việc học trong sách giáo khoa mà có thể áp dụng vào thực tế và làm nên sự khác biệt", thầy Nam chia sẻ.
KHUYẾN KHÍCH HỌC SINH KHÁM PHÁ VÀ ĐẶT CÂU HỎI
Thầy Lê Văn Nam khuyến khích HS khám phá và đặt câu hỏi về các vấn đề thế giới và hóa học. Thay vì chỉ truyền đạt kiến thức một chiều, thầy giáo 9X khuyến khích HS đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời cho chính các em. Các buổi thảo luận trong lớp không chỉ giới hạn ở việc trả lời câu hỏi, mà còn mở ra cho mỗi HS cơ hội để thể hiện ý kiến cá nhân và quan điểm của mình về một vấn đề cụ thể. Thầy tin rằng việc khuyến khích phát triển tư duy đa chiều không chỉ giúp HS hiểu sâu hơn về hóa học, mà còn phát triển kỹ năng quan trọng như suy luận, phân tích và tư duy phản biện.
Đồng thời, thầy Nam cho biết phương pháp học tập theo dự án là một công cụ mạnh để kết nối hóa học với cuộc sống hằng ngày. Thầy khuyến khích HS tham gia vào các dự án có thực tế liên quan đến hóa học và các vấn đề xung quanh họ. Đặc biệt, thầy luôn khuyến khích HS tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật và sáng tạo.
"HS được áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, được xây dựng và thực hiện một dự án từ đầu đến cuối. Các cuộc thi thường có tính cạnh tranh cao, với sự tham gia của các HS từ rất nhiều nơi. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh, giúp HS nâng cao khả năng tự thách thức bản thân và phấn đấu để đạt được thành công. Ngoài ra, các cuộc thi này tạo cơ hội gặp gỡ và kết nối với các bạn đồng trang lứa. HS có thể trao đổi kiến thức, ý tưởng và kinh nghiệm với nhau, từ đó mở rộng tầm hiểu biết của mình. Tôi tin rằng, các cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và sáng tạo không chỉ giúp HS phát triển kiến thức và kỹ năng, mà còn mở ra cơ hội để họ trở thành những công dân toàn cầu", thầy Nam nói.
Ngoài ra, thầy Nam cho rằng cần khuyến khích HS không ngừng học tập, đây là một tiêu chí quan trọng để trở thành một công dân toàn cầu. Để làm được điều đó, người thầy cần tiên phong.
"Tôi luôn khích lệ HS tự thúc đẩy bản thân các em để đạt được dấu ấn cao hơn và khám phá sâu hơn trong lĩnh vực hóa học. Tôi truyền động lực bằng cách chia sẻ những thành công và thành tựu của các HS khác, từ việc đạt giải trong các cuộc thi khoa học trong nước, quốc tế đến việc được nhận vào các trường đại học tốp đầu trong nước và nước ngoài", thầy giáo Trường THPT Trần Văn Giàu nói.
Đào tạo cho học sinh tư duy toàn cầu
Bà Sử Kim Ngân, Giám đốc mảng giải pháp giáo dục của LEGO Education, cho rằng để HS có thể trở thành một công dân toàn cầu, có thể thích ứng với nhiều tình huống, vấn đề, văn hóa khác nhau trên thế giới, bên cạnh ngôn ngữ, công nghệ, kiến thức, các em cần được đào tạo về tư duy toàn cầu, gồm: tư duy mở, sáng tạo (creative thinking); tư duy phản biện (critical thinking); tư duy phân tích, giải quyết vấn đề (analytical, problem solving) và làm chủ công nghệ. Đây cũng chính là những kỹ năng cần thiết luôn nằm trong top 10 kỹ năng của người lao động mà nhà tuyển dụng trên toàn thế giới cần trong tương lai gần (theo báo cáo việc làm 2023 của Diễn đàn kinh tế thế giới).
Vì sao STEM/STEAM lại được nhắc nhiều và trở thành tâm điểm của giáo dục trong những năm gần đây? Đó chính là vì mục tiêu mà giáo dục STEM được tạo ra hướng đến là cung cấp cho các em môi trường học tập với trải nghiệm và các tình huống thực tiễn mà các em phải tư duy và đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề, từ đó việc học không còn là lý thuyết mà các em phải hiểu và ứng dụng các kiến thức mình học vào việc giải quyết vấn đề thực tiễn đó. Theo bà Ngân, kể từ năm 2023, việc tiếp cận với STEM/STEAM của các HS không chỉ ở thành thị mà ở nông thôn cũng sẽ được cải thiện rất nhiều.
Học từ sinh hoạt CLB
Với mong muốn tạo môi trường học tập, sinh hoạt sáng tạo, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) đã xây dựng nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB) dựa trên sở thích và năng lực của HS. Vào mỗi đầu năm học, HS của trường được tự do lựa chọn tham gia các CLB như: CLB Thủ lĩnh thanh niên, CLB Thiết kế đồ họa, CLB Văn nghệ, CLB Nghệ thuật nói trước công chúng, CLB Handmade, CLB Hóa học, CLB tiếng Anh, CLB Bí ẩn sự sống…
Thông qua việc tham gia hoạt động CLB, HS đã mạnh dạn lên ý tưởng, chủ động kết nối cùng nhau để thực hiện các dự án mang màu sắc tươi mới với nhiều chủ đề khác nhau. Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên hóa học của trường, cho biết thông qua các CLB học thuật như CLB Hóa học, CLB Bí ẩn sự sống, CLB STEM…, HS nung nấu ý tưởng để lựa chọn những đề tài nghiên cứu khoa học sáng tạo nhằm mang kiến thức lý thuyết vào kiến tạo thực tiễn đời sống.
Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Hiền cho hay mục tiêu hàng đầu của nhà trường là phát triển năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho HS thông qua việc sinh hoạt đội nhóm.
Bình luận (0)