Đưa kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào công nghiệp và y tế

Mai Vọng
Mai Vọng
19/08/2022 15:25 GMT+7

Chế tạo linh kiện vi cơ điện tử, vật liệu cấu trúc nano,... ứng dụng trong các ngành công nghiệp, y tế sẽ được hai đơn vị nghiên cứu khoa học tại TP.HCM cùng thực hiện nhằm đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Ngày 19.8.2022, Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao (SHTPLABS) và Viện Khoa học công nghệ tính toán TP.HCM (ICST) đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khoa học vật liệu, sự sống, môi trường và công nghệ toán ứng dụng.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao (SHTPLABS) và Viện Khoa học công nghệ tính toán TPHCM (ICST) ký kết thỏa thuận hợp tác

Hồng thúy

Theo đó, hai bên sẽ cùng phối hợp để nghiên cứu, thiết kế, mô phỏng, chế tạo linh kiện vi cơ điện tử, ứng dụng trong các ngành công nghiệp và y tế; nghiên cứu tính toán và chế tạo các vật liệu cấu trúc nano (graphene, nano vàng, nano bạc), nhằm ứng dụng trong ngành công nghiệp. Ngoài ra, hai bên cùng nhau, xây dựng, biên soạn tài liệu khoa học về việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng KHCN tại hai đơn vị.

Thời gian qua, SHTPLABS và ICST đã thực hiện nhiệm vụ KH&CN nghiên cứu chế tạo nano vàng, ứng dụng làm chất kháng kháng vi khuẩn, hướng tới tạo ra các sản phẩm hỗ trợ điều trị viêm da. Từ kết quả nghiên cứu này, hai bên đã thương mại hóa thành công sản phẩm trị mụn ACNE GOLDSTAR ứng dụng nano vàng ngôi sao.

Ngoài ra, hai bên còn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ảnh hưởng của độ ẩm môi trường lên yếu tố chất lượng và tần số cộng hưởng của MEMS cộng hưởng cantilever. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí điện tử SpringerLink (https://link.springer.com).

Với mong muốn có thêm nhiều mô hình hợp tác tương tự, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết hiện nay có những đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao nhưng vẫn chưa đưa được nhiều vào thực tế. Hạn chế này do sự gắn kết giữa các đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Việc hợp tác giữa 2 đơn vị sẽ mang lại kỳ vọng đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thự tiễn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.