Dưa, lúa '5 không', nông dân Vĩnh Phúc lãi lớn

29/12/2021 17:31 GMT+7

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Vĩnh Phúc chứng minh được hiệu quả khi mỗi năm giảm sử dụng hàng nghìn tấn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu; đồng thời cung ứng cho thị trường sản phẩm nông sản chất lượng cao.


Trồng dưa lê hữu cơ giúp nông dân Vĩnh Phúc có thu nhập cao và được Công ty Quế Lâm Phương Bắc thu mua toàn bộ sản phẩm

Báo Vĩnh Phúc

Hướng nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi sản xuất đến tiêu thụ

Khảo sát tại xã Vân Hội, H.Tam Dương, Vĩnh Phúc, gia đình ông Nguyễn Văn Nhượng nằm trong số những hộ liên kết với Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) trồng dưa lê theo hướng hữu cơ.

Ông Nhượng cho biết, 2 sào dưa của gia đình từ lúc xuống bầu đến khi thu hoạch được sử dụng 100% phân bón hữu cơ vi sinh. Khi có sâu bệnh, ruộng dưa chỉ được sử dụng các loại chế phẩm sinh học, tuyệt đối không được dùng thuốc sâu. Điều khiến ông Nhượng bất ngờ là ruộng dưa lúc nào cũng phát triển xanh tốt, khỏe mạnh, quả to đều, ngọt hơn và cho năng suất cao hơn nhiều so với phương thức canh tác truyền thống trước đây.

Còn tại thôn Yên Thư, xã Yên Phương, H.Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Văn In cũng từng lưỡng lự khi liên kết với Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc chuyển sang trồng lúa hữu cơ. Nhưng khi bắt tay làm, ông lại thấy hiệu quả không ngờ. Thứ nhất là lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giảm nhiều so với trước đây và tất cả đều là thuốc sinh học, thảo mộc. Cây lúa trồng theo phương pháp canh tác mới có bộ rễ khỏe nên nhiều trận mưa giông, các ruộng xung quanh lúa đổ rạp nhưng với ruộng lúa hữu cơ vẫn đứng vững. “Mỗi sào lúa tính ra năng suất đạt 260 kg, năng suất cao, giá bán cao hơn nên người dân lãi nhiều hơn so với canh tác truyền thống”, ông In cho biết.

Cũng theo tính toán, nông dân trồng lúa hữu cơ ở Vĩnh Phúc đang có lãi từ 2 - 2,5 triệu đồng/sào so với lúa canh tác truyền thống tính trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Khắc Ngọc Bá, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc cho biết, doanh nghiệp này hiện đang liên kết với nông dân triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ như: thanh long ruột đỏ tại H.Lập Thạch; rau su su hữu cơ tại H.Tam Đảo và chăn nuôi bò thịt theo hướng hữu cơ tại các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, H.Bình Xuyên.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên phải) đánh giá Vĩnh Phúc có lợi thế rất lớn phát triển sản xuất hữu cơ khi gần với thị trường Hà Nội

Báo Vĩnh Phúc

Đối với các mô hình này, doanh nghiệp sẽ cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân tuân thủ theo tiêu chuẩn “5 không" gồm: không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng, không dư lượng hóa chất độc hại.

Theo đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang tạo ra nguồn thực phẩm, nông sản sạch hiện được nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm ngay sau khi thu hoạch.

Phát triển thành chuỗi liên kết, khép kín

Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thí điểm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đến nay xu hướng ngày càng được nhiều nông dân lựa chọn. Điều này cho thấy, nông nghiệp hữu cơ đang tạo ra bước chuyển về nhận thức của nông dân, hướng đến sản xuất sạch, bảo vệ sức khỏe của chính mình và cung ứng ra thị trường sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thống kê đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 3.200 ha diện tích rau quả, rau ăn lá ở 55 xã, phường thị trấn đang áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo theo hướng hữu cơ. Đặc biệt sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Vĩnh Phúc đã chứng minh giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất khi hàng năm đã tiết giảm sử dụng khoảng 1.500 tấn phân bón hóa học và trên 2.000 kg thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thăm mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Yên Phương, H.Yên Lạc

Báo Vĩnh Phúc

Là doanh nghiệp tiên phong đầu tư nông nghiệp hữu cơ ở Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, cho rằng thực tế địa phương nào có cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân rõ ràng, người đứng đầu quyết liệt thì nông nghiệp hữu cơ sẽ thành công. Các mô hình nông nghiệp hữu cơ ở Vĩnh Phúc đều tạo ra mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chặt chẽ, đôi bên cùng có lợi và đây là tiền đề để tiến tới xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, phát triển nông nghiệp hữu cơ đã chứng minh đây là hướng đi đúng đắn, tận dụng ưu thế gần với Hà Nội thị trường có nhu cầu rất lớn về sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao. Trong năm 2022, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc về đề án "Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030". Đề án sẽ ưu tiên mở rộng quy mô, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung đối với một số sản phẩm nông sản chủ lực gắn với phát triển du lịch sinh thải, cũng như hình thành các chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.