Đưa máy chạy thận lên vùng cao: Có thêm máy, giúp bệnh nhân đỡ đi xa

Duy Tính
Duy Tính
16/04/2023 06:15 GMT+7

Nhờ vào sự hỗ trợ của nhà hảo tâm, việc các bệnh viện vùng sâu, vùng xa được trang bị máy chạy thận đã giúp nhiều bệnh nhân đỡ khổ.

Giữa năm 2022, chị Nguyễn Thị Thảo Phương, một nhà hảo tâm gọi điện cho PV Thanh Niên nói về việc một số nơi chạy thận quá tải bệnh nhân (BN), nên chị có ý muốn tặng máy cho những nơi đang cần. Chị đề nghị PV Thanh Niên đồng hành, tìm hiểu các nơi khó khăn và tặng máy, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, mỗi cái máy có giá thị trường khoảng 400 triệu đồng.

Cuối năm 2022, 4 máy chạy thận đầu tiên được tặng Bệnh viện (BV) Quảng Ngãi, BV Đắk Nông, BV Lâm Đồng 2 và Trung tâm y tế (TTYT) H.Hàm Tân (Bình Thuận).

"BN chạy thận ở tỉnh chúng tôi phải gửi lên Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng vì chúng tôi thiếu máy, BN lại đông, chúng tôi đang rất cần thêm máy chạy thận", bác sĩ (BS) Huỳnh Thanh Huynh, Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, chia sẻ. Còn đại diện TTYT H.Hàm Tân thì cho biết đa số BN suy thận ở địa phương phải đi chạy thận ở TP.HCM, việc có thêm máy chạy thận (địa phương đã có 3 cái) sẽ giúp BN về gần nhà thuận lợi.

Đưa máy chạy thận lên vùng cao: Có thêm máy, giúp bệnh nhân đỡ đi xa - Ảnh 1.

Đưa máy chạy thận lên vùng cao: Có thêm máy, giúp bệnh nhân đỡ đi xa - Ảnh 2.

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quang

Duy Tính

Sáng đi dạy, chiều đi chạy thận

Trong chương trình đưa máy chạy thận lên vùng cao, có mặt tại BV đa khoa khu vực Bắc Quang (BV Bắc Quang, H.Bắc Quang, Hà Giang) vào chiều muộn 7.4, nhưng chúng tôi thấy vẫn còn 9 BN đang chạy thận ca thứ 3 trong ngày.

Cô giáo Phạm Thị Minh đang dạy tiểu học ở H.Bắc Quang bị suy thận, trước đây đi khám tại BV Bạch Mai, Hà Nội. Từ năm 2020 cô chuyển sang chạy thận.

Cô Minh kể thời gian đó, tuần 3 lần được người nhà đưa lên BV tỉnh Hà Giang (cách 60 km) để chạy thận, rất vất vả. Nhưng được nhà trường thông cảm, động viên. Sau đó, cô được chuyển về BV huyện nhà (BV Bắc Quang) chạy thận, cứ sáng hai, tư, sáu đi dạy, chiều đi chạy thận. Mỗi lần vào viện chạy thận, cô xách theo cả giỏ đồ dùng cần thiết, để nếu có nhập viện thì khỏi tốn công quay về lấy. Nghe tin BV có thêm máy chạy thận mới, cô Minh cười bảo sẽ có thêm BN đỡ vất vả đi xa.

Từ năm 2020 đến nay BV đầu tư 9 máy chạy thận, nhưng phải chạy 3 - 4 ca/ngày, quá tải. Nhìn thấy máy chạy thận mới được tài trợ, niềm vui của nhân viên y tế BV dâng trào, sẽ không còn chạy ca 4 nữa.


TS-BS Phạm Mạnh Công (Giám đốc BV Bắc Quang, H.Bắc Quang, Hà Giang)

Ở giường bên cạnh, chị Nguyễn Thị Hiền Trang (37 tuổi, nhà cách BV Bắc Quang 20 km) cũng tâm sự: "Tôi bị suy thận từ năm 2019 do bệnh lupus ban đỏ biến chứng. Từ đó, mỗi tuần 3 lần tôi được chồng đưa lên BV tỉnh Hà Giang cách nhà 80 km để chạy thận. Sáng đưa đi, tối đưa về".

Chồng chị Trang làm cơ khí, ngày nào đưa chị đi chạy thận thì anh phải nghỉ làm. Rồi chị Trang được chuyển về BV huyện nhà, đỡ khổ được một đoạn đường. Chị Trang cũng mong BV quê nhà có nhiều máy chạy thận để BN như chị đỡ phải đi xa.

Chia sẻ với PV Thanh Niên, TS-BS Phạm Mạnh Công, Giám đốc BV Bắc Quang, cho biết điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương còn khó khăn. Trong các bệnh thì nổi lên BN bị suy thận mà đa số là người khó khăn. Bên cạnh đó, điều kiện đi lại là cả vấn đề, nên cơ hội cho BN kéo dài sự sống, tiếp cận với kỹ thuật cao còn hạn chế. "Từ năm 2020 đến nay BV đầu tư 9 máy chạy thận, nhưng phải chạy 3 - 4 ca/ngày, quá tải. Nhìn thấy máy chạy thận mới được tài trợ, niềm vui của nhân viên y tế BV dâng trào, sẽ không còn chạy ca 4 nữa", TS-BS Công nói và cho biết thêm, nhằm chia sẻ khó khăn một phần với BN, BV cũng kêu gọi một số nguồn hỗ trợ để có những bữa ăn cho BN.

Phải đầu tư thêm máy, ê kíp chạy thận

Trong chương trình đưa máy chạy thận lên vùng cao, TS-BS Nguyễn Hữu Dũng, Phó giám đốc Trung tâm thận - tiết niệu và lọc máu BV Bạch Mai, Chủ tịch Hội Lọc máu VN, là người giới thiệu đơn vị tiếp nhận máy cho chúng tôi. Ông cũng là người đi hỗ trợ, đào tạo nhân sự chạy thận cho các BV, đơn vị miền núi phía bắc. Ngày chúng tôi trao máy chạy thận ở BV Bắc Quang ông cũng từ Hà Nội lên kiểm tra công tác lọc thận tại BV này.

Theo TS-BS Dũng, thống kê của Hội Lọc máu VN, cả nước có 40.000 BN điều trị thay thế thận, trong đó đa số là chạy thận nhân tạo, ít hơn là ghép thận và lọc màng bụng. Nhưng ước tính cả nước có khoảng 100.000 BN suy thận. Ông hy vọng từ 2025 - 2030 cả nước phủ được chạy thận nhân tạo để lo cho nhóm BN yếu thế này.

Trong hai ngày 6 và 7.4, PV Thanh Niên đã đến TTYT Simacai, BV H.Bắc Hà, BV Sapa (Lào Cai), TTYT H.Sìn Hồ (Lai Châu) và BV Bắc Quang (Hà Giang) để trao tặng mỗi đơn vị 1 máy chạy thận hiện đại. Để đến kịp giờ hành chính ở các đơn vị y tế vùng sâu vùng xa này, PV phải đi xe xuyên đêm từ tỉnh này qua tỉnh khác.

Những máy này và 4 máy tặng cho BV Đắk Nông, BV Lâm Đồng 2, BV Quảng Ngãi và TTYT H.Hàm Tân, Bình Thuận (nói trên), do chị Nguyễn Thị Thảo Phương (nhà hảo tâm) tài trợ. Chị Phương mong muốn các đơn vị khi nhận máy cần đưa vào sử dụng một cách hiệu quả, đảm bảo quyền lợi, chất lượng chạy thận cho BN, nhất là BN nghèo.

"Mở đơn vị chạy thận nhân tạo là niềm mong ước với nhiều đơn vị, đặc biệt là với người suy thận. Nhưng việc chạy thận nhân tạo chỉ tập trung ở tuyến tỉnh thì các nơi ở vùng sâu, vùng xa sẽ không tiếp cận được kỹ thuật này. Nếu thận nhân tạo mở tại tuyến huyện, BN sẽ được điều trị tại nơi mình sinh sống, gần gia đình, được chăm sóc tốt hơn", TS-BS Dũng nói.

TS-BS Dũng chia sẻ thêm, vì nhiều nơi còn khó khăn nên BN suy thận xuống Hà Nội chạy thận. Hiện ở Hà Hội có "xóm chạy thận", rất nhiều người đến thuê trọ sống để đi chạy thận. Ông cho rằng BV Bắc Quang mở chạy thận mới 3 năm mà đã quá tải, chạy 3 - 4 ca/ngày. Do đó, ông khuyến cáo chỉ nên chạy thận 3 ca/ngày, vì nếu 4 ca, BN trở về nhà sẽ rất khuya, đường xa xôi. Ông đề nghị BV cần đầu tư thêm máy, thêm ê kíp chạy thận.

Ông cũng rất vui và đánh giá chương trình đưa máy chạy thận lên vùng cao của nhà hảo tâm và PV Thanh Niên mang ý nghĩa rất nhân văn, giúp rất nhiều cho BN suy thận vùng sâu, vùng xa.

Tại buổi bàn giao máy chạy thận từ nhà tài trợ, BS Đỗ Thị Mỹ, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Giang, chia sẻ thêm hiện nay toàn tỉnh có 4 đơn vị chạy thận nhân tạo, phụ trách theo từng khu vực, một đơn vị chạy cho BN của 2 - 3 huyện. Nhưng với nhu cầu ngày càng tăng thì tỉnh sẽ đầu tư thêm máy móc, với sự hỗ trợ đào tạo ê kíp chạy thận từ BV Bạch Mai. Các BV sẽ gửi thêm ê kíp đi đào tạo đảm bảo tính kế thừa. Bà cũng mong muốn các nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ cho Hà Giang và các tỉnh vùng cao, để người dân có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.