Đưa 'Nghị quyết xanh' vào cuộc sống

13/08/2016 11:49 GMT+7

5 năm qua, người dân ở H.Phú Tân (Cà Mau) đã tận dụng đất trống quanh nhà, bờ bao vuông tôm trồng thêm rau màu góp phần tăng thu nhập.

Nhà nhà trồng rau
Hơn 10 năm vất vả lập nghiệp ở đồng đất ven biển ấp Thanh Đạm B (TT.Cái Đôi Vàm, H.Phú Tân), giờ đây, gia đình thầy giáo Đỗ Công Tài (Ba Tài) có 18 công đất nuôi thủy sản. Chỉ riêng nguồn thu từ tôm, cua, mỗi năm gia đình anh Ba Tài có dư trăm triệu đồng. Nguồn thu không nhỏ nhưng chưa lúc nào anh cho phép mình ỷ lại vì theo anh, nông dân phải biết khai thác tiềm năng đất đai, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi chứ trông chờ vào mỗi con tôm. Chứng minh cho lời nói ấy, anh Ba Tài đưa chúng tôi ra sau nhà, chỉ tay về những luống rau xanh nói: “Cả khu vườn này là của nhà tôi. Đất đã rửa mặn nên rau màu tươi tốt, mùa nào cũng có rau sạch bán”.
Thật ra, chuyện trồng rau đã được anh Ba Tài thực hiện nhiều năm qua và quy mô tăng lên gần 1.500 m2 từ lúc Huyện ủy Phú Tân ban hành Nghị quyết 03. Tiếp thu nghị quyết và học thêm kỹ thuật, giờ đây anh Ba Tài đã biết canh tác các loại rau phù hợp với thời vụ, nhu cầu của thị trường. Anh khoe: “Những luống cà, luống rau ấy giúp tôi thu về chục triệu đồng mỗi năm”.
Thấy anh Ba Tài có nguồn thu khá từ việc tăng gia sản xuất nên nhiều hộ dân học tập, làm theo. Riêng trong Chi bộ nơi anh Ba Tài đang sinh hoạt, 12 đảng viên đều có đất trồng rau. Hộ trồng ít cũng đủ phục vụ sinh hoạt hằng ngày, nhiều thì có dư để bán. Góp thêm vào câu chuyện canh tác rau màu theo Nghị quyết 03, ông Tô Trường Sơn, Chủ tịch thị UBND TT.Cái Đôi Vàm, cho biết giờ đây, gia đình đảng viên nào ở TT.Cái Đôi Vàm có quỹ đất trống đều trồng rau xanh, mục đích chính là phục vụ nhu cầu trong sinh hoạt. Thấy đảng viên tiên phong, nhân dân hưởng ứng, làm theo. “Nhờ cách làm ấy mà hộ khá, hộ giàu không ngừng tăng, thu nhập bình quân đầu người cải thiện nhiều so với trước. Toàn thị trấn hiện chỉ còn gần 10% hộ nghèo, cận nghèo”, ông Sơn nói.
Mắc mớ gì phải mua trái cà, trái ớt
Đầu năm 2011, trong một lần đi cùng cán bộ của huyện tìm hiểu thực tế tình hình sản xuất của người dân, ông Võ Văn Trường (khi đó là Bí thư Huyện ủy Phú Tân) phát hiện một hộ dân ở xã Nguyễn Việt Khái trồng được lúa trên bờ bao vuông tôm. Ngay khi về tới cơ quan, ông hội ý ngay với Chủ tịch UBND huyện Trần Hữu Phước (nay là Bí thư Huyện ủy) và cho rằng: “Đất vùng mặn đã rửa được mặn, cả lúa còn tươi tốt thì mắc mớ gì dân vùng mặn quê mình phải tốn tiền mua trái cà, trái ớt”.
Trong cuộc trò chuyện thẳng thắn ấy, Bí thư Huyện ủy chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện tổ chức rà soát lại tất cả các quỹ đất còn hoang hóa trên địa bàn. Chưa đầy nửa tháng, Phòng NN-PTNT H.Phú Tân tổng hợp báo cáo từ các xã, thị trấn, có ngay con số chi tiết trình thường trực UBND huyện. Bí thư Huyện ủy Trần Hữu Phước nhớ lại: “Sau vài ngày hội ý, tôi và đồng chí Trường phác thảo chi tiết, sau đó xin ý kiến tập thể. Ngày 14.2.2011, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thống nhất ban hành Nghị quyết 03 với nội dung phát động cán bộ, đảng viên, người dân tận dụng sân, vườn, bờ liếp, bờ bao vuông tôm để trồng cây ăn trái, rau màu và sạ - cấy lúa tăng thu nhập đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.
Nằm ngoài mong đợi, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03, quỹ đất trống toàn H.Phú Tân được tận dụng để gieo trồng, canh tác rau màu, cây ăn trái hệ ngọt… được 4.574 ha. Mừng hơn khi có hơn 50% trong tổng diện tích ấy được thực hiện bởi gia đình của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. TT.Cái Đôi Vàm và các xã Tân Hải, Phú Tân, Phú Thuận, Nguyễn Việt Khái… là những địa phương thực hiện tốt nghị quyết, năng suất rau màu các loại bình quân đạt 10 tấn/ha/vụ, phổ biến là các loại: bắp, đậu bắp, bầu, mướp, bí đỏ, hành, hẹ, ớt, cải các loại… “Tổng sản lượng rau màu các loại ở Phú Tân sản xuất ra mỗi năm không dưới 40.000 tấn, tính ra giá trị cũng hơn 200 tỉ đồng”, Trưởng phòng NN-PTNT H.Phú Tân Nguyễn Văn Den nhẩm tính.
Từ ý tưởng chống lãng phí tiềm năng đất đai, cung cấp rau sạch phục vụ bữa ăn gia đình, giờ đây việc trồng rau đã trở thành nghề “tay trái” của rất nhiều nông hộ tại Phú Tân. Một trong những nhân tố quyết định sự thành công của Nghị quyết 03 chính là sự đầu tàu, tiên phong của cán bộ, đảng viên, hội viên...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.