Đưa ra trưng cầu ý dân vấn đề quốc phòng, an ninh hệ trọng

11/08/2015 19:54 GMT+7

(TNO) Các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân nên là các vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quan hệ tới sự tồn vong, phát triển của đất nước.

(TNO) Các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân nên là các vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quan hệ tới sự tồn vong, phát triển của đất nước.

chu-tich-QHChủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Cần có quan điểm các vấn đề được trưng cầu phải là các vấn đề hệ trọng đối với đất nước, như các vấn đề liên quan quốc phòng, an ninh đối ngoại, quan hệ tới sự tồn vong, phát triển của đất nước - Ảnh: Ngọc Thắng
Đây là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp chiều nay (11.8) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án luật Trưng cầu ý dân.
Về những vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, tại báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan chủ trì thẩm tra dự luật này, cho rằng, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu thực tế, vào điều kiện, hoàn cảnh tại từng thời điểm.
Cũng theo Ủy ban Pháp luật, Hiến pháp đã quy định việc xác định vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân là thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, trong Luật chỉ nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu ý dân mà không nên quy định cứng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa băn khoăn: nếu quy định cụ thể các vấn đề thì khó nhưng quy định chung mang tính nguyên tắc lại không khả thi. Theo ông Khoa, việc xác định nội dung trưng cầu ý dân phải sát thực tiễn, nếu không chủ thể đề xuất trưng cầu ý dân sẽ không thực hiện được.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, vấn đề trưng cầu ý dân tưởng đơn giản mà không đơn giản. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề chính trị - xã hội rất quan trọng, phải cân nhắc thận trọng để làm, đặc biệt là phải đảm bảo tính khả thi. “Có luật mà Chủ tịch nước chẳng đề nghị, Thủ tướng chẳng đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chẳng đề nghị… ra luật thì quan trọng tốt đẹp mà không có ai làm thì sao?”, Chủ tịch nêu câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với ý kiến cơ quan thẩm tra các vấn đề gì trưng cầu dân ý nên quy định khái quát chứ không nên chi tiết. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, để xác định các quy định khái quát, cần có quan điểm các vấn đề được trưng cầu phải là các vấn đề hệ trọng đối với đất nước, như các vấn đề liên quan quốc phòng, an ninh đối ngoại, quan hệ tới sự tồn vong, phát triển của đất nước.
Thứ hai là những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ nhân dân. Thứ ba là những nội dung, vấn đề ảnh hưởng lớn, phạm vi rộng đến quốc kế dân sinh.
“Từ các quy định này, các chủ thể đề xuất trưng cầu dân ý mới có căn cứ để quyết định”, Chủ tịch Quốc hội lý giải.
Ông cũng lưu ý: đã đưa vấn đề ra trưng cầu thì dân đồng ý hay không đều là kết quả trưng cầu ý dân.
Chính phủ không thể quyết định khi đã trưng cầu ý dân
Chia sẻ câu chuyện khi đi học tập kinh nghiệm trưng cầu ý dân ở Thụy Sĩ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, khi phía Việt Nam đặt câu hỏi trong trường hợp kết quả trưng cầu khác với quan điểm của Chính phủ thì sao, Chính phủ các anh xử lý như thế nào…, phía Thụy Sĩ trả lời, chỉ có các anh mới ra câu hỏi như thế chứ chúng tôi không bao giờ hỏi như thế. Đã trưng cầu ý dân thì phải tôn trọng dân, cho nên Chính phủ không thể quyết định khi đã quyết định trưng cầu ý dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.