Lý do đề xuất nội dung này, theo ông Đông là trong Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt VN đã được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2050 nêu phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm trên trục bắc - nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác với tốc độ 350 km/giờ. Từ yêu cầu trên, dự luật đề xuất mục về đường sắt tốc độ cao (tốc độ thiết kế 200 km/giờ) với các điều chủ yếu quy định về: chính sách phát triển; các yêu cầu chung; đầu tư xây dựng; quản lý, bảo trì và kinh doanh; quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao.
tin liên quan
Đua nhau xin làm đường sắt cao tốcBên cạnh kiểm điểm lại công tác điều hành nửa đầu năm và kế hoạch 6 tháng tới, hội nghị trực tuyến của Chính phủ trong ngày 1.7 cũng ghi nhận hàng chục kiến nghị, đề xuất dự án từ người đứng đầu các địa phương.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội (QH) đề nghị cần làm rõ hơn về nguồn tài chính và lộ trình thực hiện; những biện pháp để bảo đảm tính khả thi về đường sắt tốc độ cao. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhắc lại chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao năm 2010 với tổng chi phí gần 60 tỉ USD từng được đưa ra bàn thảo tại QH nhưng sau đó QH đã “bác”. “Chưa có chủ trương nhưng đã đưa vào luật thì có trái quy trình, trái chủ trương đường lối quy hoạch chung không?”, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Đông cho biết năm 2010, sau khi bác chủ trương xây đường sắt cao tốc, QH có yêu cầu cập nhật làm rõ một số nội dung, đặc biệt là hiệu quả, lộ trình đầu tư, phương án huy động nguồn lực cho dự án. Thực hiện chỉ đạo của QH, Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu tiền khả thi và mới đây đã có báo cáo trình Chính phủ. Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị đến năm 2018 sẽ trình Chính phủ thẩm định, trình QH phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước 2020. Sau khi được thông qua sẽ xây dựng thí điểm tuyến Sài Gòn - Long Thành để vận hành khai thác, đào tạo chuyển giao công nghệ. Sau đó làm tiếp các đoạn ưu tiên như Hà Nội - Vinh. Sau 2030 sẽ nối dần các đoạn còn lại từ Hà Nội - Đà Nẵng và Sài Gòn - Đà Nẵng. “Không làm toàn tuyến bắc - nam ngay mà có lộ trình và cuối cùng sẽ nối toàn tuyến bắc - nam”, ông Đông cho biết.
Cũng theo ông Đông, dự báo đến 2030 nếu các dự án khác được thực hiện đồng bộ như cảng hàng không Long Thành, tuyến đường bộ cao tốc bắc - nam (4 - 6 làn xe), cải tạo tuyến đường sắt cũ để nâng tốc độ lên 80 km/giờ thì vẫn phải làm thêm 1 tuyến đường sắt mới để đáp ứng yêu cầu đi lại của 50 - 70 triệu hành khách. “Do vậy, phải làm tuyến đường sắt mới và làm thì hướng tới tốc độ cao để cạnh tranh”, ông Đông nói và cho biết thị phần vận tải đường sắt chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng vận tải toàn ngành trong thời gian qua và có xu thế giảm dần từ 1,3% năm 2008 xuống còn 0,7% năm 2012, giai đoạn 2014 - 2015 luôn luôn giảm. Trong khi đó, chi phí cho việc bảo trì, duy tu đường sắt rất lớn, năm 2016 ước tính con số này vào khoảng 2.200 tỉ đồng. “Luật Đường sắt (sửa đổi) hướng tới việc tạo ra thị trường có cạnh tranh, tiến tới cho thuê đường sắt để thu hút các thành phần tư nhân tham gia và chỉ duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước quản lý hạ tầng”, ông Đông nói.
Nông dân sẽ phải bỏ tiền mua nước sản xuất?
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến dự thảo luật Thủy lợi. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, dự thảo luật quy định giá dịch vụ thủy lợi thay cho “thủy lợi phí” như hiện nay, nhằm đảm bảo phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành vì luật Phí và lệ phí không quy định “thủy lợi phí”. Việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”, giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất, góp phần nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nước.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: Khi người nông dân phải bỏ tiền ra mua nước sản xuất thì họ có quyền lựa chọn trồng cây gì cho hiệu quả hay không? Nếu trồng lúa không đảm bảo dẫn đến nay mai hàng loạt nông dân bỏ ruộng, chuyển đổi cây trồng thì sẽ ra sao? Cũng theo ông Phúc, khi đã thành dịch vụ thì phải có quy định về trách nhiệm. “Nếu xảy ra hạn hán, dịch vụ của anh có đảm bảo được không? Điện lực mà cắt điện không có báo trước phải đền bù, vậy trách nhiệm của thủy lợi thế nào nếu dịch vụ không đảm bảo?”, ông Phúc nói và nhấn mạnh dự luật này có ảnh hưởng tới hơn 60 triệu nông dân nên cần phải tính toán, quy định sao cho hợp lý để khả thi trên thực tế.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, dự luật liên quan đến nhiều luật chuyên ngành nhưng các quy định lại chưa thực sự thống nhất, do vậy cần được rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm yêu cầu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật...
|
Bình luận (0)