Sáng nay, đông đảo văn nghệ sĩ Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng và một số nhà văn, nhà thơ đến từ Hà Nội, TP.HCM đã có mặt đưa tiễn vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Phút ly biệt với hai nghệ sĩ tài hoa của "Người đi hái hoa phù dung" và "Khoảng trời và hố bom" chừng như cũng khiến trời đất xứ Huế ngậm ngùi đổ giọt mưa hoa.
Sau nghi lễ tiễn đưa, gia đình đã rước di cốt của vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ lên xe để đưa đi an táng tại Nghĩa trang nhân dân phía bắc TP.Huế (thuộc khu vực núi Chầm, P.Hương Hồ, TX.Hương Trà, Thừa Thiên - Huế).
Sau khi hạ huyệt, hai con gái của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là Hoàng Dạ Thư và Hoàng Dạ Thi cùng con cháu, văn nghệ sĩ đã bỏ nắm đất cho hai nhà văn, nhà thơ như khi sống ông từng mong muốn được "nắm đất ủ hơi bàn tay bạn bè".
Nơi yên nghỉ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng là khu vực gần chân núi Kim Phụng, nơi mà trong kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng hoạt động, như chia sẻ trong bài thơ mới đây mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa viết cho bạn: "Nhớ ngày kháng chiến/ Cùng ngồi trên núi Kim Phụng/ Nhìn về Huế/ Chúng ta nói với nhau/ Mong ngày đất nước thanh bình lại về với Huế... Bây giờ anh chị lại về/ Nghỉ lại trên những dãy đồi ngày xưa/ Ôm mãi giấc mơ thanh bình cho Huế/ Khi lòng mình còn xót xa… ".
Trong ngậm ngùi tiễn biệt, trong làn mưa hoa phớt dịu, mọi người lại nhớ đến những vần thơ giàu dự cảm về nơi chốn thiên thu mà khi sống nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng hướng đến, trong bài Khúc ngâm đùa chơi:
"Đùa thôi nhé thiên đường mộng ảo
Thế giới vỡ toang ngoài chân mây
Cầm giấc mơ xanh vàng tím đỏ
Ngoảnh lại nhìn nấm mọc đầy tay
Ta đi hết một thời trai trẻ
Tìm thanh gươm nghĩa khí nghìn thu
Đùa thôi nhé, sắc cỏ vàng trên mộ
Anh hùng xưa biệt dấu sương mù
Và tất cả những điều đã nói
Bằng con tim máu nóng dâng trào
Cũng đùa thôi, nhớ chi hoài mệt óc
Chuyện nói cười một thuở gian lao
Ta sống lại trong hình hài hóa bướm
Chút tự do quả thực trên đời
Rũ sạch hết những đam mê hoang tưởng
Núi thông nhiều, ta hãy rong chơi
Chú tiều, ơi chú tiều xưa cổ
Lời du ca lảnh lót gọi ta về
Cuộc phong trần ta may còn hồ rượu
Để cùng người kết bạn sơn khê
Chú rằng đã từ lâu chẳng dại
Kìa như tranh vân cẩu trên trời
Những tấn kịch thánh thần sa nước mắt
Thế gian này cũng chuyện đùa thôi
Còn cho ta một trời mây bay
Một vầng trăng rọi sáng chân mày
Mai chú lại lên đồi hái củi
Ta về rừng gối đá ngủ say".
Hay trong bài thơ Dù năm dù tháng:
"Anh hái cành phù dung trắng
Cho em niềm vui cầm tay
Màu hoa như màu ánh nắng
Buổi chiều chợt tím không hay
Nhìn hoa bâng khuâng anh nói
Mới thôi mà đã một ngày.
Ruộng cấy ta mong cơn mưa
Ruộng gặt ta mong ngọn nắng
Chăm lo cánh đồng tình yêu
Anh đếm từng vầng trăng sáng
Thiết tha anh nói cùng trăng
Mới thôi đã tròn một tháng.
Mùa xuân lên đồi cỏ thơm
Mùa hạ nhìn trời mây khói
Mây tím chân cầu tím núi
Đông xa ngày trắng mưa dầm
Nhìn trời ngẩn ngơ anh nói
Mới thôi mà đã một năm.
Sẽ đến một ngày trắng tóc
Nhưng lòng anh vẫn không nguôi
Thời gian sao mà xuẩn ngốc
Mới thôi đã một đời người.
Dù năm dù tháng em ơi
Tim anh chỉ đập một đời
Nhưng trái tim mang vĩnh cửu
Trong từng giọt máu đỏ tươi".
Có mặt trong giây phút tiễn biệt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ về nơi an nghỉ cuối cùng, dù thương tiếc nhưng chừng như ai cùng đều có chung cảm niệm sự trở về của họ nơi núi non yên bình là một điều viên hạnh cho hai con người tài hoa sống chết có nhau.
Bình luận (0)