Đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Kinh nghiệm từ Malaysia

09/09/2024 07:44 GMT+7

Malaysia là một trong số các nước Đông Nam Á đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trên toàn quốc. Đâu là bài học kinh nghiệm cho VN, theo các chuyên gia nước này?

TẬP TRUNG VÀO GIÁO VIÊN, SÁCH GIÁO KHOA

PGS-TS Hadina Habil, Chủ tịch Viện Ngôn ngữ thuộc ĐH Công nghệ Malaysia (UTM), tán thành chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường phổ thông của VN, bởi đây là bước đầu để có thể triển khai tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trên toàn quốc. Ở cấp cơ sở, bà Hadina nhấn mạnh chính phủ cần đầu tư, hỗ trợ đội ngũ giáo viên (GV), không nên để mặc thầy cô "tự bơi", nhất là với các môn không phải tiếng Anh.

Đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Kinh nghiệm từ Malaysia- Ảnh 1.

Malaysia đang tự quảng bá là điểm đến “chuyển tiếp” trước khi du học các nước nói tiếng Anh truyền thống như Úc, Anh, thu hút 740 du học sinh Việt vào năm 2023 nhờ chi phí phải chăng và môi trường nói tiếng Anh phổ biến

ẢNH: NGỌC LONG

Học liệu, trong đó có sách giáo khoa (SGK), cũng là vấn đề được nhắc đến. Cụ thể, học liệu dùng trong lớp học tiếng Anh phải được địa phương hóa, tức đưa vào những ví dụ gần gũi với văn hóa Việt như các lễ hội truyền thống, thay vì giữ nguyên nội dung của sách nước ngoài sau khi mua bản quyền. Hiện SGK chương trình mới tại VN mua bản quyền từ Tập đoàn Pearson và Nhà xuất bản ĐH Oxford, đều đến từ Anh.

Chia sẻ thêm về câu chuyện SGK VN, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nguyên, Trưởng khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng SGK chương trình cũ "mang tính gượng ép, cứng nhắc, chỉ dùng để kiểm tra" nhưng nhược điểm này đã được khắc phục trong sách chương trình mới.

"Tuy nhiên, SGK chỉ là một yếu tố. Ở cấp cao hơn, sở GD-ĐT các địa phương cùng Bộ GD-ĐT cần có chương trình đào tạo GV về phương pháp dạy học, sử dụng SGK hiệu quả, cũng như về trình độ tiếng Anh, kiến thức văn hóa để hiện thực hóa chủ trương đã đề ra", tiến sĩ Nguyên đề xuất.

PHÁT TRIỂN BÀI THI CHUẨN QUỐC TẾ

Tiến sĩ Abdullah bin Mohd Nawi, giảng viên cao cấp tại ĐH Công nghệ Malaysia kiêm giám đốc điều hành một công ty chuyên đào tạo kỹ năng giao tiếp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế một bài thi tiếng Anh căn chỉnh theo khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) cho người dân bản địa. Đây là cách Malaysia đã thực hiện khi ra mắt bài thi tiếng Anh ĐH Malaysia (MUET) từ hơn 20 năm trước.

Là một trong những người tham gia xây dựng bài thi này, tiến sĩ Abdullah cho biết Hội đồng Khảo thí Malaysia phải hợp tác cùng Cambridge English và mất 3 năm thực hiện, tiêu tốn hàng triệu ringgit (1 ringgit tương đương khoảng 5.600 đồng) để hoàn thành. Đến nay, bên cạnh tất cả ĐH trong nước, MUET được nhiều ĐH trên thế giới công nhận là một lựa chọn thay thế IELTS và con số này vẫn đang tiếp tục tăng, theo ông Abdullah.

"Theo quy định hiện hành, GV phổ thông Malaysia phải đáp ứng trình độ C1 theo CEFR và chúng tôi đang áp dụng mọi biện pháp để hướng đến điều này trước tiên, trong đó có cả yếu tố tài chính. Bởi, GV có thể dự thi MUET để chứng minh năng lực với giá phải chăng chứ không cần tham gia các kỳ thi đắt đỏ khác như IELTS. Đó cũng là lý do VN nên phát triển công cụ của riêng mình để tránh phụ thuộc vào nước ngoài", ông nói.

Đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Kinh nghiệm từ Malaysia- Ảnh 2.

Một buổi học tiếng Anh của học sinh TP.HCM

ẢNH: NHẬT THỊNH

Tiến sĩ Abdullah cho biết VN có thể áp dụng CEFR vào những hoạt động giáo dục khác bên cạnh việc khảo thí, như xem đây là tiêu chuẩn trong giảng dạy và học tập, hỗ trợ đào tạo GV, biên soạn chương trình giáo dục..., từ đó kết nối giáo dục VN với các quốc gia khác cũng áp dụng CEFR. "Điều này giúp chúng ta dễ dàng so sánh, công nhận trình độ tiếng Anh của người học trên toàn cầu do có chung tiêu chuẩn đánh giá, mở ra nhiều cơ hội học tập và làm việc quốc tế", ông Abdullah nhận định.

SỰ QUAN TÂM VÀ ỦNG HỘ TỪ XÃ HỘI

Tiến sĩ Abdullah bin Mohd Nawi nhận định để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, VN cần phải giải quyết nhiều vấn đề khác nhau chứ không chỉ bó gọn trong mỗi trường học. Một trong số đó là cần có sự quan tâm và ủng hộ từ xã hội, phải làm cho người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc dùng tiếng Anh. Đồng thời, VN cần lưu ý đến khác biệt về trình độ, môi trường học tập giữa các vùng miền. "Như ở nông thôn Malaysia, tiếng Anh gần như là một ngoại ngữ hơn là ngôn ngữ thứ hai", ông Abdullah lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.